29/11/2024

Homestay ở Lý Sơn

Dù mới phát triển trong thời gian gần đây nhưng loại hình du lịch lưu trú tại nhà dân (homestay) đã để lại hình ảnh một Lý Sơn hồn hậu trong lòng du khách và giúp hòn đảo không mất đi vẻ nguyên sơ.

 

Homestay ở Lý Sơn

 

Dù mới phát triển trong thời gian gần đây nhưng loại hình du lịch lưu trú tại nhà dân (homestay) đã để lại hình ảnh một Lý Sơn hồn hậu trong lòng du khách và giúp hòn đảo không mất đi vẻ nguyên sơ.





Du khách tham quan, học cách trồng tỏi - Ảnh: Phương Uy

Du khách tham quan, học cách trồng tỏi – Ảnh: Phương Uy

Du khách như người nhà

Tàu cao tốc đưa du khách từ cảng Sa Kỳ đến cầu cảng Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), trên bến cảng, hàng chục người đứng đợi với đủ mọi phương tiện từ xe máy đến ô tô. Ngồi trên chiếc xe dream cũ, chị Lê Thị Một vừa nghe điện thoại vừa niềm nở ra hiệu với một du khách mà mình đang chờ, đó là Lê Văn Phong, sinh viên ngành du lịch một trường đại học ở Đà Nẵng. Phong cho biết trước khi đến Lý Sơn, anh đã lên mạng tìm từ khoá “du lịch homestay Lý Sơn” để có nơi lưu trú làm bài luận tốt nghiệp và đã liên hệ trước với chị Một.
Nhà chị Một nằm trong một ngõ nhỏ ở thôn Tây, xã An Vĩnh, với 4 căn phòng phục vụ khách lưu trú, bắt đầu kinh doanh homestay từ năm 2013. “Hồi đó có một nhóm du khách đi chơi về khuya nhưng nhà nghỉ không còn phòng, thấy họ đi lang thang, tôi mời họ về nhà cho ở miễn phí. Lúc về, họ cảm kích lòng mến khách của mình nên chụp hình đưa lên Facebook giới thiệu và gọi điện khuyên tôi làm dịch vụ”, chị Một kể về cơ duyên “làm du lịch” của mình. Hai năm trở lại đây, lượng du khách đến Lý Sơn tăng vọt, nhờ được “mai mối”, lượng khách lưu trú ở nhà chị tăng lên. “Mùa hè một ngày thường đón khoảng 5 – 15 người, mùa đông chỉ có khách lác đác thôi. Mỗi phòng giá từ 50.000 – 100.000 đồng/ngày, đêm”, chị Một cho biết.
Thôn Tây, xã An Vĩnh hướng mặt về phía cầu cảng Lý Sơn, nơi này tập trung rất nhiều hộ kinh doanh homestay. Chị Võ Thị Loan, hàng xóm chị Một, một trong những người đi tiên phong cho biết, tập tục lâu đời ở đảo Lý Sơn là ngại cho người lạ ở lại nhà, khi du khách bắt đầu đến đây, chị đã mạnh dạn bước qua tập tục cũ.
Năm 2013, chỉ có khoảng 10 hộ hợp tác cùng một công ty du lịch, sau đó khi du khách đổ về đảo thì lòng người cũng “mở ra” để đón khách. “Ở đây du khách như người nhà, khách muốn ăn món gì chị sẽ nấu, nước uống miễn phí, không tốn kém như nhà hàng khách sạn. Sinh viên và du khách theo đoàn thường chuộng homestay”.
Anh Nguyễn Lợi ở cùng thôn trước đây chỉ đưa đón khách, nhưng hai năm trở lại đây anh cũng làm homestay. Vậy là vừa được lưu trú giá mềm, du khách còn được anh Lợi đưa đi thăm những ruộng tỏi xanh mướt, những ngôi nhà cổ trăm năm tuổi và những danh thắng như chùa Đục, hang Câu…
Ra tỉnh ngoài học làm homestay
Homestay là loại hình du lịch được ưa chuộng và phát triển ở nhiều nơi, nhưng với những ngư dân vốn “ăn sóng nói gió” thì vẫn lạ lẫm, cách làm vẫn mang tính tự phát và còn nhiều hạn chế. Bà Huỳnh Thị Phương Hoa, Phó giám đốc Sở Văn hoá – Thể thao – Du lịch Quảng Ngãi, cho biết Sở đã tổ chức 2 đợt tham quan cho các hộ kinh doanh homestay Lý Sơn đến phố cổ Hội An và đảo Cù Lao Chàm ở Quảng Nam để trải nghiệm cách làm du lịch cộng đồng từ góc nhìn của du khách. Những hoạt động này nằm trong kế hoạch phát triển homestay ở đảo Lý Sơn để du khách đến đây có thể trải nghiệm đặc thù cuộc sống và văn hoá của địa phương.
Hiện trên đảo Lý Sơn có khoảng 20 cơ sở lưu trú và 34 hộ đăng ký kinh doanh homestay. Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, tính đến tháng 11.2015, có 150.000 lượt du khách đến đảo Lý Sơn trong năm, chiếm trên 27% lượt khách du lịch toàn tỉnh.

Phương Uy