08/01/2025

Giải oan vụ Liên Xô bắn máy bay Hàn Quốc

Tài liệu vừa được giải mật cho thấy Mỹ biết rõ Liên Xô đã bắn nhầm máy bay dân dụng của Hàn Quốc vào năm 1983 chứ không phải cố ý.

 

Giải oan vụ Liên Xô bắn máy bay Hàn Quốc

 

 

Tài liệu vừa được giải mật cho thấy Mỹ biết rõ Liên Xô đã bắn nhầm máy bay dân dụng của Hàn Quốc vào năm 1983 chứ không phải cố ý.





Máy bay gặp nạn là một chiếc Boeing-747 của Korean Air - Ảnh: Reuters

Máy bay gặp nạn là một chiếc Boeing-747 của Korean Air – Ảnh: Reuters


Cách đây hơn 32 năm, toàn bộ 269 người trên chuyến bay KAL 007 của Hãng hàng không Korean Air, bay từ Alaska đến Seoul, đã thiệt mạng khi trúng tên lửa của chiến đấu cơ Liên Xô giữa bầu trời Đông Bắc Á, thuộc không phận của Liên Xô trên đảo Sakhalin. Sự cố vào ngày 1.9.1983 đã trở thành “vết nhơ” trong lịch sử không quân Liên Xô, là nhược điểm để phương Tây công kích dữ dội trong giai đoạn Chiến tranh lạnh và kéo dài đến tận sau này.

Trong 3 thập niên, Washington luôn công khai cáo buộc Moscow đã cố tình bắn rơi chiếc máy bay chở khách. Tổng thống Mỹ Ronald Reagan gọi đây là “hành động man rợ” và dư luận thế giới lúc đó không ngừng lên tiếng chỉ trích Moscow.
Tuy nhiên, những thông tin vừa được hé lộ trong đợt giải mật những tài liệu ngoại giao có thời hạn trên 30 năm của Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho thấy một góc nhìn khác của chính quyền Mỹ về một trong những thảm họa hàng không thảm khốc nhất lịch sử.
Sự thật phơi bày
Theo Thông tấn xã Tass, tài liệu của Tokyo ghi nhận rằng 2 tháng sau thảm hoạ trên, tức vào tháng 11.1983, một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ đã bí mật thông báo cho các nhà ngoại giao Nhật Bản rằng Liên Xô tưởng nhầm máy bay dân sự của Korean Air là máy bay trinh sát của Mỹ. Quan chức này cũng cho biết Washington đã lên kế hoạch định vị nơi máy bay rơi và muốn trục vớt các hộp đen một cách bí mật nhưng Liên Xô đã nhanh chân đến trước.
Lược đồ cho thấy máy bay KAL 007 đã chệch hướng - Ảnh: NASA/ICAO

Lược đồ cho thấy máy bay KAL 007 đã chệch hướng – Ảnh: NASA/ICAO

Đài RT cho hay vào cái ngày định mệnh đó, chuyến bay KAL 007 cất cánh theo lộ trình thông thường từ New York đến Seoul, quá cảnh tại thành phố Anchorage, bang Alaska. Sau khi rời phi trường ở Anchorage, chiếc Boeing-747 tiếp tục bay đến thủ đô Hàn Quốc. Tuy nhiên, máy bay đã phạm một sai lầm chết người khi trượt khỏi tuyến hành trình đã định đến 500 km, bay lạc vào không phận của Liên Xô ở bán đảo Kamchatka và Sakhalin, nơi Moscow đặt các căn cứ quân sự và những công trình bí mật khác.
Một cách vô cùng tình cờ, chiếc Boeing-747 xấu số lại đi vào không phận Liên Xô cùng lúc với một chiếc máy bay do thám Boeing RC-135 của hải quân Mỹ. Có lúc, điểm đánh dấu hai máy bay trên radar quân sự Liên Xô đã nằm chồng lên nhau. Kế đến, một trong 2 điểm tiến vào không phận nước này. 
Theo thông tin của tờ The Moscow Times, trong suốt chuyến bay, chiếc Boeing của Korean Air dường như không thiết lập kênh liên lạc vô tuyến với các chiến đấu cơ Liên Xô, vì một số chiếc MiG-23 đã thử liên lạc với máy bay lạ khi nó đi lạc vào vùng trời bán đảo Kamchatka nhưng bất thành. Ngay sau đó, 3 chiếc tiêm kích đánh chặn siêu thanh Su-15 đã xuất kích từ căn cứ Dolinsk-Sokol trên đảo Sakhalin, với mục tiêu ban đầu là buộc máy bay này đáp xuống một sân bay kế cận.
Các phi công Liên Xô cho hay không thể nào nhận diện được máy bay ở khoảng cách vài ki lô mét vì trời quá tối. Đồng thời, họ cũng không tin một chiếc máy bay không rõ nguồn gốc dám vượt qua không phận cấm trên bầu trời Kamchatka lại có thể là một chiếc máy bay dân sự. 
Chiến đấu cơ Su-15 do phi công Gennady Osipovich cầm lái cũng đã bắn một loạt pháo hiệu để thu hút sự chú ý của máy bay phía trước nhưng không nhận được phản hồi. Và khi chiếc máy bay lạ nghi là phi cơ do thám đang chuẩn bị “tẩu thoát” mang theo dữ liệu tình báo vừa thu thập được, các phi công Liên Xô nhận được lệnh bắn hạ. 
Thế là vào lúc 3 giờ 26 phút, phi công Osipovich khai hoả 2 tên lửa không đối không và tiêu diệt ngay mục tiêu. Không có ai sống sót khi chiếc máy bay xấu số đâm xuống eo La Perouse, nằm giữa Sakhalin và Hokkaido (Nhật Bản), gần hòn đảo nhỏ Moneron, cũng thuộc về Liên Xô.
Sai lầm của phi công
Ngoài phần lớn nạn nhân là người Hàn Quốc, chiếc máy bay còn chở theo 61 người Mỹ, bao gồm hạ nghị sĩ Lawrence McDonald, và 28 công dân Nhật Bản. Thảm hoạ này nhanh chóng làm xấu thêm nữa quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Liên Xô và Mỹ cùng cộng đồng quốc tế.
Trong hơn 1 tuần kể từ khi máy bay Hàn Quốc bị bắn hạ, Điện Kremlin hoàn toàn phủ nhận trách nhiệm. Cuộc khẩu chiến giữa hai phe nổ ra và kéo dài suốt nhiều tháng sau đó. 
Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Yury Andropov cáo buộc Mỹ có ý đồ khiêu khích một cách nghiêm trọng, nhất là sau khi Tổng thống Mỹ Reagan cách đó vài tháng đã vận động cho Sáng kiến phòng thủ chiến lược. Được biết rộng rãi hơn với cái tên “Chiến tranh giữa các vì sao”, đây là dự án quốc phòng nhằm xây dựng các hệ thống trên không gian và trên mặt đất để bảo vệ Mỹ trước các vụ tấn công của tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Kết quả điều tra của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) sau đó cho thấy các phi công Hàn Quốc đã gặp phải sai lầm chí tử khi thiết lập chế độ lái tự động, theo CNN. Tuy nhiên, không vì thế mà áp lực dư luận đối với Liên Xô giảm đi. Mặc dù Chiến tranh lạnh kết thúc giúp giải đáp một số bí ẩn xung quanh thảm hoạ nói trên, nhưng cho đến nay người ta vẫn chưa biết được chính xác điều gì đã xảy ra với thi thể của những hành khách xấu số.
Chuyến bay KAL 007 không phải là trường hợp duy nhất bị bắn nhầm thời Chiến tranh lạnh. Vào ngày 3.7.1988, một chiếc Airbus A300 mang số hiệu 655 của Hãng Iran Air đã bị tuần dương hạm USS Vincennes của Mỹ bắn hạ trên không phận Iran ở vịnh Ba Tư khi bay từ Tehran đến Dubai. 
Theo CNN, hải quân Mỹ đã nhận diện nhầm chiếc máy bay dân dụng của Iran là một chiếc chiến đấu cơ đang chuẩn bị tấn công và bắn hạ nó, khiến toàn bộ 290 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng.

Thuỵ Miên