10/01/2025

2017 mới hết khan hiếm vắc xin!

“Ngoài 200.000 liều vắc xin “5 trong 1” Pentaxim có từ nay đến tháng 2.2016, trong đó 40.000 liều về VN vào tháng 2.2016, chúng tôi không cam kết sẽ có thêm nữa”.

 

2017 mới hết khan hiếm vắc xin!

 

“Ngoài 200.000 liều vắc xin “5 trong 1” Pentaxim có từ nay đến tháng 2.2016, trong đó 40.000 liều về VN vào tháng 2.2016, chúng tôi không cam kết sẽ có thêm nữa”.



 


Xếp hàng chờ tiêm vắc xin dịch vụ ở TP.HCM sáng 26.12 - Ảnh: Lương Ngọc

Xếp hàng chờ tiêm vắc xin dịch vụ ở TP.HCM sáng 26.12 – Ảnh: Lương Ngọc


Ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược, Bộ Y tế, cho biết như trên tại cuộc gặp mặt với báo chí vào hôm qua 26.12 ở Hà Nội, để thông báo về công tác tiêm chủng. 

Theo ông Cường, nguyên nhân không phải là do “giá đắt hay rẻ, vấn đề là không có nguồn cung”. Ông Cường giải thích: Trong năm qua, nguồn cung giảm do một số lô được nhà sản xuất phát hiện không đạt yêu cầu về chất lượng, do thay đổi công nghệ, ưu tiên cung cấp cho các nước thực hiện tiêm chủng mở rộng quốc gia. Tại Pháp cũng đang thiếu hụt vắc xin này. Nếu thiếu vắc xin có thành phần ho gà vô bào (Pentaxim), có thể thay bằng vắc xin ho gà toàn tế bào (Quinvaxem).
Trẻ được tiêm vắc xin tại Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM sáng 26.12

Trẻ được tiêm vắc xin tại Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM sáng 26.12

Ông Cường cũng cho biết sớm nhất trong tháng 6.2016, hội đồng xét duyệt sẽ xem xét cấp số đăng ký lưu hành cho vắc xin Hexaxim – vắc xin “6 trong 1” phòng bạch hầu, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, viêm màng não do Hib và có thành phần ho gà vô bào, do GSK sản xuất. Vắc xin này sẽ hoàn thành thử nghiệm trong quý 1/2016, trước khi chính thức đăng ký lưu hành tại VN.

 
 
2017 mới hết khan hiếm vắc xin! - ảnh 2

Với nguy cơ dịch bệnh như vậy, nếu người dân không tin tưởng tiêm vắc xin tiêm chủng mở rộng thì tôi rất đau buồn

2017 mới hết khan hiếm vắc xin! - ảnh 3
 

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng

 
Theo nhận định của ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, tình hình khan hiếm vắc xin dịch vụ có thành phần ho gà vô bào như Pentaxim sẽ được cải thiện hơn vào 2017. 
Hiện tại, lo ngại nhất là dịch sẽ bùng phát nếu người dân cố chờ vắc xin dịch vụ, trì hoãn cho trẻ tiêm. Nếu miễn dịch cộng đồng giảm xuống còn 60 – 70% (trong năm qua chúng ta liên tục đạt 90%), bệnh sẽ bùng phát. Đặc biệt là ho gà, phải tiêm 3 mũi mới đủ miễn dịch, chứ không như vắc xin sởi – chỉ 1 mũi đã có khả năng bảo vệ, tiêm nhắc lại thì được bảo vệ bền vững. 
“Với nguy cơ dịch bệnh như vậy, nếu người dân không tin tưởng tiêm vắc xin tiêm chủng mở rộng thì tôi rất đau buồn”, ông Phu bày tỏ.
Ông Phu cho rằng, việc lập kế hoạch với vắc xin dịch vụ rất khó khăn, bởi nhu cầu không ổn định. Những năm trước, chỉ có khoảng 100.000 – 150.000 trẻ được gia đình cho tiêm vắc xin dịch vụ trong năm, không dồn vào như hiện nay. Nhu cầu vắc xin dịch vụ không ổn định, nên nhà nhập khẩu – các công ty tư nhân phải cân nhắc, không để tồn đọng, vì đã có tình trạng vắc xin dịch vụ hết hạn phải tiêu huỷ.
Hà Nội sẽ cải tiến việc đăng ký tiêm vắc xin dịch vụ
Liên quan đến triển khai tiêm vắc xin “5 trong 1” trong những ngày tới, Bộ Y tế đã thống nhất với các phòng tiêm chủng, chỉ được tiêm sau khi hoàn thành việc đăng ký, lên lịch hẹn, không để tình trạng bồng bế trẻ nhỏ xếp hàng chờ tiêm. 
“Trời mưa, rét ở miền Bắc, nếu không làm chu đáo, có khi trẻ ốm, sưng phổi mà chưa kịp tiêm”, ông Phu nhấn mạnh.
“Về phương án đăng ký tiêm vắc xin Pentaxim lần này, chúng tôi vẫn đang cân nhắc, trước mắt có thể đăng ký qua website hay email. Quan điểm là không phân biệt trẻ ngoại tỉnh hay trẻ có gia đình sống ở Hà Nội, bởi cháu nào cũng có quyền như nhau. Sau khi tiếp nhận đăng ký, chúng tôi sẽ thông báo cụ thể ngày, giờ đưa trẻ đến tiêm để tránh ùn tắc và đảm bảo các trẻ được khám sàng lọc, theo dõi phản ứng sau tiêm, vì vắc xin nào cũng có nguy cơ gây phản ứng không mong muốn”, ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội, cho biết.
Người dân xếp hàng dài chờ tiêm vắc xin “5 trong 1” - Ảnh: Lương Ngọc

Người dân xếp hàng dài chờ tiêm vắc xin “5 trong 1” – Ảnh: Lương Ngọc

Ông Nguyễn Nhật Cảm cho biết thêm: “Với số vắc xin được cung cấp, đáp ứng khoảng 60 – 70% số trẻ đang chờ tiêm. Chúng tôi sẽ tiêm thay thế vắc xin Quinvaxem với các trường hợp không có đủ vắc xin Pentaxim. Trong năm 2015, riêng phòng tiêm chủng dịch vụ tại 70 Nguyễn Chí Thanh, chúng tôi đã tiêm 22.000 liều Quinvaxem an toàn”.
TP.HCM: Hàng trăm người xếp hàng chờ
Từ sáng sớm 26.12, khi biết Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM (P.1, Q.5) có tiêm vắc xin “5 trong 1”, hàng trăm người đã đến xếp hàng chờ. Theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều người dân TP.HCM và cả những người từ các tỉnh lân cận như Long An, Đồng Nai… đều tranh thủ đi rất sớm, thậm chí có người đưa con đi từ 2 giờ sáng. 
Chị Vân (30 tuổi, quê Long An) đang bế con 4 tháng tuổi đứng chờ tiêm vắc xin, cho hay: “Tối qua hai vợ chồng nghe tin trên này mới về vắc xin “5 trong 1” nên tranh thủ chở bé lên sớm để tiêm, không ngờ quá đông phải xếp hàng, cũng may đứng đoạn đầu, không là phải về tay không rồi”. Do lượng người đến ngày càng đông, để đảm bảo an ninh trật tự cũng như tránh tình trạng chen lấn, lực lượng Công an P.1 (Q.5) và dân phòng đã có mặt để hỗ trợ.
Ông Nguyễn Hoàng Thiện Tâm, Trưởng phòng Kế hoạch – Hành chính, Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM, đã đích thân ra thông báo trấn an mọi người rằng đợt này chỉ riêng trung tâm đã nhập về 2.000 liều vắc xin “5 trong 1” nên đáp ứng được nhu cầu của mọi người. Tuy nhiên, ông Tâm cho biết vì lượng trẻ đến quá đông nên những ngày đầu tiên sẽ ưu tiên cho những trẻ dưới 3 tuổi và những trẻ chưa tiêm đủ 3 mũi vắc xin “5 trong 1” cơ bản. Riêng những trường hợp trẻ đã tiêm đủ 3 mũi vắc xin “5 trong 1” cơ bản rồi sẽ được sắp xếp tiêm 1 mũi bổ sung cuối cùng sau.
Đến hơn 10 giờ cùng ngày, lượng người chờ tiêm vắc xin tại trung tâm vẫn khá đông. Dưới áp lực của phụ huynh, đặc biệt là những người đã chờ từ sáng sớm, lãnh đạo trung tâm đã phải tăng thêm 30 mũi tiêm vắc xin “5 trong 1” nữa để giải toả nhu cầu thay vì chỉ tiêm 150 mũi/ngày theo thông báo ban đầu.
Trao đổi về việc tiêm vắc xin hiện nay trên địa bàn TP, ông Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, cho biết theo kế hoạch sẽ có 74 điểm tiêm vắc xin “5 trong 1” tại các bệnh viện lớn, trung tâm y tế dự phòng trên toàn TP bắt đầu từ ngày 28.12. Viện Pasteur sẽ tùy vào tình hình cụ thể mà chọn lựa thời gian phù hợp nhất để mở tiêm. Đặc biệt Viện sẽ cân đối, đảm bảo 22 loại vắc xin khác vẫn tiêm đúng lịch, đủ lịch.
Cũng theo ông Lân, nếu các điểm tiêm vắc xin trong TP thiếu hàng, Viện Pasteur sẽ chia sẻ đến các điểm đó thông qua nhà cung ứng. “Điều này nhằm giúp giảm tình trạng người dân đổ xô đến Viện sẽ gây hỗn loạn, không thể đáp ứng được nhu cầu tiêm chủng các vắc xin còn lại”, ông Lân nói.
Một mũi tiêm hơn 4 triệu đồng
Từ nhiều tháng qua, Văn phòng Báo Thanh Niên tại Singapore nhận được rất nhiều cuộc gọi và tin nhắn hỏi thăm đường đi nước bước để đưa con, cháu sang đảo quốc sư tử tiêm phòng. Tuy giá cao hơn ở VN, việc tiêm phòng ở Singapore khá thuận tiện, do tất cả cơ sở y tế khắp đảo quốc – từ bệnh viện công, bệnh viện tư cho đến các phòng khám cộng đồng của nhà nước, phòng khám tư nhân – đều có thể tiêm vắc xin cho trẻ, lẫn người lớn. 
Dĩ nhiên, giá ở mỗi nơi có khác nhau chút ít. Theo bảng giá của SingHealth, tập đoàn quản lý một số bệnh viện và cơ sở y tế công, trẻ mang quốc tịch Singapore được miễn phí hoàn toàn, trong khi trẻ mang quốc tịch nước ngoài có cha mẹ sống và làm việc tại đây phải trả giá cao gấp đôi trẻ mang quy chế thường trú nhân, trừ mũi tiêm “6 trong 1” và mũi phòng liên cầu phổi có giá như nhau cho mọi đối tượng.
Đối với trẻ em từ nước ngoài sang, việc chích ngừa thuận lợi và ít tốn thời gian nhất là tại các bệnh viện và phòng khám tư. Với bệnh viện tư, cần đặt lịch trước. Bác sĩ trước khi tiêm sẽ kiểm tra sổ sức khoẻ và kiểm tra thể trạng của trẻ. Vì vậy, chi phí ngoài tiền mũi tiêm còn thêm tiền công khám của bác sĩ. Chị L.H.L cho biết con chị tiêm một mũi “5 trong 1” tại một bệnh viện tư tốn tổng cộng 252 SGD (hơn 4 triệu đồng).
Trước làn sóng người VN đưa con sang Singapore tiêm phòng do trong nước khan hiếm, nhiều người đặt câu hỏi vì sao Singapore không bị tình trạng này, lại có dư để phục vụ người nước ngoài. Theo PGS-BS Phan Toàn Thắng đang làm việc tại ĐH Quốc gia Singapore, việc này “không có gì đặc biệt” do ngành y tế Singapore có sự chuẩn bị tốt. Mặt khác, “làn sóng” từ VN là có nhưng không đến mức gây biến động, nên Singapore có đủ nguồn dự trữ để phục vụ. Vả lại, Singapore phản ứng rất nhanh, thủ tục nhập khẩu thông quan lại rất thuận lợi, mọi thứ minh bạch, nên vấn đề nhập khẩu thêm ngay lập tức khi có nhu cầu không có gì khó khăn.
Thục Minh
(Văn phòng Singapore)


Liên Châu – Lê Nam – Lương Ngọc