Nhiều bạn trẻ tự khởi nghiệp thành công cho rằng rất “dị ứng” với việc phải bỏ tiền để chạy chọt vào cơ quan nhà nước; khuyên các gia đình chỉ nên trang bị cho con cái mình kiến thức, để con tự tạo cơ hội, dấn thân.
Chạy vào chỗ lương thấp để làm gì?: Tự khởi nghiệp ‘thành công 99%’
Nhiều bạn trẻ tự khởi nghiệp thành công cho rằng rất “dị ứng” với việc phải bỏ tiền để chạy chọt vào cơ quan nhà nước; khuyên các gia đình chỉ nên trang bị cho con cái mình kiến thức, để con tự tạo cơ hội, dấn thân.
PGS-TS Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội – nhân văn TP.HCM, cho rằng: “Các bạn sinh viên ra trường không nhất thiết đua vào khu vực nhà nước, vì cơ hội ở khu vực tư còn rất lớn để thi thố tài năng, khởi nghiệp thành công ở đó. Các bạn trẻ phải có ý thức khởi nghiệp, tự lập, nỗ lực làm việc giỏi để có thu nhập đảm bảo cuộc sống cho mình, đem lại sản phẩm cho xã hội. Các bậc cha mẹ, các gia đình cần bỏ suy nghĩ, thậm chí đứng ra chạy chọt cho con mình vào cơ quan nhà nước, có ghế này ghế kia để oai, để thăng quan, để trông chờ đặc quyền, đặc lợi”.
Các bạn trẻ phải có ý thức khởi nghiệp, tự lập, nỗ lực làm việc giỏi để có thu nhập đảm bảo cuộc sống cho mình, đem lại sản phẩm cho xã hội. Các bậc cha mẹ, các gia đình cần bỏ suy nghĩ, thậm chí đứng ra chạy chọt cho con mình vào cơ quan nhà nước, có ghế này ghế kia để oai, để thăng quan, để trông chờ đặc quyền, đặc lợi
PGS-TS Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội – nhân văn TP.HCM
Theo TS Trịnh Hoà Bình, Giám đốc Trung tâm điều tra dư luận xã hội (Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN), nhiều người cho rằng khu vực nhà nước, cơ quan công quyền là chỗ béo bở, kiếm được nhiều lợi nhuận, bổng lộc. Vì vậy, không ít người kỳ vọng vào nhà nước, chạy vào chỗ lương thấp kỳ vọng có thể “đục khoét”. Đối với những người thích an nhàn, thiếu năng lực, thấy cái lợi chẳng phải làm gì cũng chẳng lo chết đói nên muốn vào. Điều này phản ánh sự lệch lạc của xã hội, cần phải loại bỏ quan niệm chạy chọt vào chỗ lương thấp để hưởng an nhàn, thăng quan tiến chức. TS Bình nhìn nhận: “Dù làm trong nhà nước hay tư nhân đều có giá trị cống hiến cho xã hội. Những người có ý chí tự khởi nghiệp, bản thân họ đã có một phần kiêu hãnh, dám đương đầu thì chắc chắn thành công cao hơn những người an phận thủ thường”.
Anh Lê Văn Hiểu, Tổng giám đốc Công ty Seatech (Đà Nẵng), Phó chủ tịch T.Ư Hội Doanh nhân trẻ VN, cho rằng: “Không phải vào công chức thì không có sáng tạo. Nếu có sáng tạo, công chức vẫn có thể cống hiến góp phần thay đổi phương pháp làm việc, giúp môi trường làm việc trong các cơ quan nhà nước năng động, công việc đạt hiệu quả cao hơn. Nhưng để có được sự sáng tạo, tự do tư duy trong môi trường công chức hiện nay là rất khó. Trong khi đó, ở môi trường doanh nghiệp lại cực kỳ thoáng, miễn là anh làm việc có sáng tạo và đổi mới, giúp cho doanh nghiệp gia tăng nhiều lợi nhuận, mức thu nhập, sự tưởng thưởng nhận được, thậm chí là thay đổi vị trí trong doanh nghiệp luôn đến rất nhanh”.
Anh Hiểu đưa ra lời khuyên, không nôn nóng ra trường phải khởi nghiệp ngay mà luôn tích lũy kiến thức, kinh nghiệm từ quãng thời gian đi làm việc bên ngoài trước khi đứng trên cương vị làm chủ doanh nghiệp. “Trong khi đi làm, luôn “vẽ” trong đầu một thương hiệu, ấp ủ một ý tưởng sáng tạo để mở doanh nghiệp, không ngừng học tập để chuẩn bị kiến thức tổ chức, kỹ năng quản trị cần có, gây dựng mối quan hệ xã hội… Nếu một thanh niên khi đã biết “ôm” những giấc mơ ấy, xã hội có thêm một người sáng tạo và có ích”, anh Hiểu nói.
Đặng Thanh Nga, sinh viên năm cuối Trường ĐH Thăng Long, Hà Nội thì rất thẳng thắn: “Tôi không bao giờ nghĩ sẽ phải “chạy chọt” để có một chỗ đứng là biên chế ở cơ quan nhà nước, để được yên vị suốt đời. Rất may, bố mẹ tôi cũng chia sẻ quan điểm này với tôi, mặc dù gia đình tôi cũng có “mối quan hệ”, có thể nhờ vả cho tôi trở thành một công chức. Tôi nghĩ các ông bố, bà mẹ khác cũng cần suy nghĩ như thế; trang bị cho con mình kiến thức để khi ra trường tự tạo cơ hội cho mình, ở bất kỳ cơ quan nào, quan trọng là làm đúng nghề mình thích, để làm nghề hết mình”. “Có người khuyên tôi, là con gái nên tìm việc làm ở cơ quan nhà nước, vừa ổn định đến cuối đời, vừa nhàn hạ chứ làm việc hợp đồng ở các doanh nghiệp, vừa áp lực vừa dễ bị sa thải. Tôi thì nghĩ, phải làm được công việc mình yêu thích, thứ hai là phải có áp lực thì mình mới phấn đấu và trưởng thành được. Trong quá trình học, tôi đã tự mày mò bán hàng qua mạng, đến nay tôi đã có một số vốn nho nhỏ và lượng khách hàng thân thiết. Mặt khác, tôi dành thời gian học ngoại ngữ, tìm học bổng để học cao học 1 – 2 năm ở nước ngoài ngay sau khi tốt nghiệp ĐH trong nước”, Nga cho biết thêm.
Anh Hoàng Hậu Dương, Giám đốc Công ty TNHH MTV dịch vụ du lịch Đại Lục (Hà Nội) chia sẻ: “Khi quyết định ra ngoài làm việc, tôi suy nghĩ rất nhiều, nhưng đến bây giờ thì thấy đó là quyết định rất đúng đắn. Công việc hiện tại của tôi giúp mình năng động, chín chắn lên rất nhiều. Cùng một thời gian nhưng làm ở khu vực tư nhân sẽ cho năng suất và thu nhập cao hơn hẳn”. Theo anh Dương, nhiều bạn trẻ gần đây đã thay đổi suy nghĩ, thay vì làm trong nhà nước, họ đã ra làm ở công ty tư nhân, công ty nước ngoài để tìm kiếm cơ hội phát triển. “Trong số các bạn bè của tôi, những người dám từ bỏ cơ quan nhà nước để tự khởi nghiệp, tỷ lệ thành công 99%”, anh Dương nói.