29/11/2024

Giải mật kế hoạch dội bom hạt nhân của Mỹ

Trong thời Chiến tranh lạnh, nhiều thành phố đông dân cư như Moscow và Bắc Kinh từng lọt vào tầm ngắm xoá sổ bằng bom hạt nhân của Mỹ.

 

Giải mật kế hoạch dội bom hạt nhân của Mỹ

 

 

Trong thời Chiến tranh lạnh, nhiều thành phố đông dân cư như Moscow và Bắc Kinh từng lọt vào tầm ngắm xoá sổ bằng bom hạt nhân của Mỹ.





Oanh tạc cơ B-52 của Mỹ năm 1957 - Ảnh: Không lực Mỹ

Oanh tạc cơ B-52 của Mỹ năm 1957 – Ảnh: Không lực Mỹ


Theo yêu cầu từ Viện Nghiên cứu Trung tâm lưu trữ an ninh quốc gia (NSA) thuộc Đại học George Washington, Cục Văn khố và hồ sơ Mỹ đã lần đầu tiên trong lịch sử giải mật danh sách các mục tiêu tấn công bằng bom hạt nhân của quân đội Mỹ vào thập niên 1950.

Tài liệu 800 trang này do Bộ Tư lệnh không quân chiến lược (SAC) vạch ra vào tháng 6.1956 nhằm chuẩn bị cho nguy cơ bùng nổ chiến tranh với Liên Xô. Trong đó, những đô thị lớn nhất của các nước thuộc khối xã hội chủ nghĩa như Moscow, Leningrad (nay là Saint Petersburg), Bắc Kinh, Đông Berlin, Warsaw… đều bị liệt vào dạng ưu tiên huỷ diệt. “Danh sách của SAC gồm hơn 1.200 địa điểm trải từ Đông Đức tới tận Trung Quốc, cùng với các ưu tiên”, tờ The New York Times dẫn hồ sơ vừa giải mật viết.
Huỷ diệt có hệ thống
 
 
Tờ The New York Times dẫn lời một số sử gia quân sự cho biết nguyên tắc chung về không tấn công dân thường trong chiến tranh đã xuất hiện trước Thế chiến 1. Tuy nhiên, việc áp dụng trong thực tế lại tuỳ theo nhu cầu của từng thời điểm.
Trong Thế chiến 2, phe Đồng minh ban đầu cũng tuân thủ nguyên tắc này nhưng cuối cùng vẫn có những thành phố bị ném bom để phục vụ ý đồ quân sự. Cụ thể, tấn công dân thường được xem là phương pháp giúp tiêu diệt nhuệ khí và tinh thần của phe địch, từ đó dẫn đến nổi loạn hoặc đầu hàng. Có thể kể đến vụ ném bom rải thảm xuống Tokyo (Nhật Bản) và Dresden (Đức) cũng như 2 vụ thả bom nguyên tử Hiroshima và Nagasaki.
 

Trong thời điểm thập niên 1950, tên lửa liên lục địa mang đầu đạn hạt nhân và hệ thống phóng từ tàu ngầm vẫn chưa ra đời nên máy bay là công cụ chủ yếu để triển khai vũ khí hạt nhân. Vì thế, trong hồ sơ mang tên “Nghiên cứu những điều kiện cần thiết sử dụng vũ khí hạt nhân cho 3 năm tới”, SAC đặt mục tiêu ra tay phủ đầu huỷ diệt không quân Liên Xô trước khi máy bay của đối thủ có thể chở bom hạt nhân tấn công Mỹ và đồng minh trong trường hợp chiến tranh toàn diện.

Các tướng lĩnh Mỹ quyết định rằng căn cứ đặt máy bay ném bom là mục tiêu cần phải tiêu diệt đầu tiên và liệt kê hơn 1.100 sân bay của Liên Xô có thể dùng để triển khai oanh tạc cơ TU-16. Trong số này, ưu tiên số 1 và số 2 là các căn cứ Bykhov và Orsha ở Belarus rồi đến các sân bay đặt tại Đông Đức như Briesen, Welzow, Werneuchen và Gross Dolln. Theo nhận định của SAC, cơ sở hạ tầng không lực Liên Xô khá rộng, gồm bất kỳ trung tâm chỉ huy và cơ sở công nghiệp nào có thể hỗ trợ chiến dịch của không quân. Vì thế, mục tiêu tiếp theo sẽ là các trung tâm chỉ huy quân sự, nhà máy sản xuất máy bay, tên lửa và phòng thí nghiệm vũ khí hạt nhân.
Sau đợt tấn công đầu tiên, nếu chiến tranh vẫn tiếp diễn, Mỹ sẽ tiếp tục dội bom vào cơ sở hạ tầng công nghiệp, kinh tế và cả các đô thị đông dân cư của Liên Xô và đồng minh thông qua một chiến dịch “huỷ diệt có hệ thống”. The New York Times trích tài liệu mật của SAC cho biết trong bản đồ còn ghi rõ các khu vực đông dân cư cần tấn công. Kể cả thành phố nằm cách chiến trường gần nửa vòng trái đất là Bắc Kinh cũng bị đưa vào tầm ngắm “vì các tác dụng chính trị”.
Cuối cùng, Mỹ còn dự tính tung loạt “đòn quyết định” bằng những quả bom hạt nhân có sức công phá gấp 8 lần quả Little Boy đã huỷ diệt TP.Hiroshima của Nhật Bản năm 1945 và lớn gấp nhiều lần mức cần thiết để phá hủy các mục tiêu cụ thể. CNN dẫn lời chuyên gia William Burr thuộc NSA nhận định điều này cho thấy các tác giả của tài liệu này đã tính đến cả gây thiệt hại lây lan.
Để chỉ cụ thể các mục tiêu cần huỷ diệt, tài liệu sử dụng thuật ngữ “Vùng bình địa chỉ định – DGZ”. Trong đó, Moscow có 149 DGZ, Leningrad (145), Đông Berlin (91), Bắc Kinh (23)…
Chiến thắng bằng mọi giá
Các nhà hoạch định của SAC dự tính triển khai kế hoạch hủy diệt bằng 2.130 oanh tạc cơ B-52 và B-47, máy bay do thám RB-47 và chiến đấu cơ hộ tống F-101. Ngoài ra, còn có 376 tên lửa hành trình gắn đầu đạn hạt nhân, tên lửa phóng từ máy bay ném bom cùng tên lửa tầm trung. SAC thậm chí tính đến phương án sử dụng bom nhiệt hạch, có sức công phá gấp nhiều lần bom nguyên tử và dự định sẽ cho nổ trên mặt đất, thay vì trên không để nhanh chóng hủy diệt mục tiêu, bất chấp tác dụng phụ không mong muốn là huỷ diệt trên diện rộng.
Chưa hết, tờ Local (Đức) dẫn lời chuyên gia Burr chỉ rõ với sức tàn phá của bom hạt nhân và các hậu quả phóng xạ khủng khiếp kéo dài thì không chỉ Đông Berlin mà cả Tây Berlin, bao gồm các khu vực do Mỹ, Anh và Pháp kiểm soát, cũng sẽ bị dìm vào thảm hoạ. “Dội bom hạt nhân vào Đông Berlin và các khu lân cận sẽ gây nhiều hậu quả khủng khiếp, chẳng hạn như bão lửa và bụi phóng xạ, đối với Tây Berlin”, ông Burr nói và khẳng định thêm: “Cố tình tấn công người dân sẽ đi ngược các chuẩn mực quốc tế và luật lệ chiến tranh”.
Theo hồ sơ vừa giải mật thì SAC cũng đã tính đến khả năng này nhưng cuối cùng vẫn quyết phải chiến thắng bằng mọi giá. “Vị trí của các mục tiêu ưu tiên và chiến thuật dội bom nguyên tử sẽ khiến dân thường và các lực lượng đồng minh hứng phải lượng phóng xạ chết người”, tài liệu viết nhưng lại khẳng định: “Yêu cầu giành chiến thắng là quan trọng nhất, vượt trên mọi cân nhắc khác”.
Đến nay, đây là hồ sơ liệt kê mục tiêu chi tiết nhất từng được công bố về kế hoạch huỷ diệt bằng vũ khí hạt nhân của Mỹ. Tuy nhiên, The New York Times dẫn lời chuyên gia Burr của NSA cho biết còn có một bộ hồ sơ khác tuyệt mật hơn mang tên “Toàn thư về bom” chứa địa chỉ chính xác cùng tên các mục tiêu, và ông đang nỗ lực yêu cầu giải mật luôn tài liệu này.

Thuỵ Miên