09/01/2025

Bỏ học vì sợ thất nghiệp

Các đơn vị không có nhu cầu tuyển dụng, sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm nên nhiều sinh viên, đặc biệt khối ngành sư phạm, bỏ học giữa chừng.

 

Bỏ học vì sợ thất nghiệp

 

Các đơn vị không có nhu cầu tuyển dụng, sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm nên nhiều sinh viên, đặc biệt khối ngành sư phạm, bỏ học giữa chừng.





Sinh viên một trường ĐH ở TP.HCM xem thông tin tại Ngày hội việc làm - Ảnh: Đăng Nguyên

Sinh viên một trường ĐH ở TP.HCM xem thông tin tại Ngày hội việc làm – Ảnh: Đăng Nguyên

Tốt nghiệp không có việc làm

Trong khi đại đa số các trường ĐH đều công bố tỷ lệ sinh viên (SV) có việc làm “đẹp” đến khó tin thì Trường ĐH Hà Tĩnh là một trong số ít trường dám công khai chất lượng đào tạo thực tế với những con số rất thực. Trong số 636 SV tốt nghiệp ĐH chính quy khoá 2010 – 2014, nhiều ngành tỷ lệ SV có việc làm sau một năm ra trường ở mức rất thấp. Cụ thể ngành sư phạm vật lý chỉ đạt 20%, giáo dục chính trị 20,7%, sư phạm hoá 24,1%. Nhiều ngành chỉ đạt trên mức 30% như: sư phạm toán, kế toán, quản trị kinh doanh, giáo dục mầm non, công nghệ thông tin. Ngành có tỷ lệ việc làm cao nhất là sư phạm tiếng Anh cũng ở mức 63,2%. Có nghĩa, tỷ lệ sinh viên chưa tìm được việc làm ở trường này lên tới 80%.
Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng khoá 2009 – 2014, nhiều ngành tỷ lệ SV tốt nghiệp đạt từ loại khá trở lên gần như tuyệt đối như: kế toán 98,7%; thiết kế đồ họa trên 96%; tài chính ngân hàng gần 90%… Thế nhưng, tỷ lệ SV không tìm được việc làm sau 1 năm tốt nghiệp lại đối nghịch với các con số trên, lên tới gần 60%. Tất cả 11 ngành ĐH và 2 ngành CĐ đều chỉ có trên dưới 40% SV tìm được việc làm.
Theo tiến sĩ Trần Ngọc, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Quảng Bình, tỷ lệ SV có việc làm trong năm đầu tiên tốt nghiệp đạt khoảng 50 – 60%. Trong đó, các ngành đào tạo giáo viên mầm non và tiểu học ra trường gần như tìm được việc làm đúng chuyên ngành. Tuy nhiên, cũng theo tiến sĩ Ngọc, các ngành sư phạm khác và khối ngành kinh tế, tỷ lệ SV có việc làm sau năm đầu tiên chỉ khoảng 25%. Đặc biệt, một số ngành sư phạm năng khiếu (âm nhạc, mỹ thuật) dù số lượng SV theo học không nhiều (khoảng 5 – 7 SV/lớp) nhưng chỉ 1 – 2 người tìm được việc làm đúng chuyên ngành.
Còn đại diện Trường ĐH Tây Nguyên cho biết trường không thể thực hiện khảo sát việc làm do SV không hợp tác. Ngay trong ngày phát bằng tốt nghiệp, trường phát phiếu khảo sát, nhưng chỉ sau một lúc phiếu khảo sát đầy khắp sân trường.
Giảm dần số lượng, ngưng đào tạo nhiều ngành
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hoà, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Tây Nguyên, thông tin tỉnh Đắk Lắk mới đây thông báo tuyển giáo viên nhưng chỉ 2 – 3 vị trí, trong khi đó có tới mấy trăm hồ sơ nộp vào. Tương tự, theo đại diện Trường ĐH Hà Tĩnh, nhu cầu tuyển dụng giáo viên của tỉnh này hiện chỉ còn ở bậc mầm non và tiểu học. Do vậy, SV tốt nghiệp từ trường này phải đi tới nhiều địa phương khác như Lạng Sơn, Lai Châu hoặc vào tận miền Nam để xin việc.
Cũng theo vị này, SV không lựa chọn ngành sư phạm nhiều như trước đây. Mặt khác, trường cũng phải giảm bớt chỉ tiêu theo yêu cầu của UBND tỉnh. Trường cũng ngưng đào tạo các ngành giáo viên bậc THCS. Còn với bậc THPT, trường giảm chỉ tiêu tuyển sinh từ 45 – 50 SV/khóa xuống còn 30 – 35.
Trong khi đó, thời gian qua một số SV ngành sư phạm Trường ĐH Tây Nguyên nghỉ học sau 3 tháng nhập học vì lo sợ thất nghiệp. Theo đó, lớp sư phạm văn K15 có 53 SV thì 11 người bỏ học, lớp sư phạm toán có 5 trong số 57 SV bỏ học, các lớp sư phạm Anh và sư phạm sinh thì mỗi lớp cũng có 4 SV bỏ học… Tiến sĩ Nguyễn Văn Hoà cho biết trường chưa có số liệu SV bỏ học ở học kỳ 1 năm nay. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê hết học kỳ 2 năm học 2014 – 2015, trong 10 ngành sư phạm chỉ có 53 SV thuộc diện cảnh báo bị thôi học và tự ý thôi học. Trong đó SV sư phạm chính thức tự ý bỏ học khoảng 20 người. Theo tiến sĩ Hoà, các SV này nghỉ học có nhiều nguyên nhân, trong đó có lý do sợ học ngành sư phạm ra trường không xin được việc làm.
Trong khi đó, tại Trường ĐH Hà Tĩnh, số SV tự bỏ học thường rơi vào nhóm ngành kinh tế. Theo đại diện nhà trường, có thể do khó khăn đầu ra nên SV trúng tuyển rồi nhưng lại thi tiếp vào ngành khác.

Hà Ánh