Người Thái thâu tóm thị trường bán lẻ Việt
Tập đoàn Casino (Pháp) chính thức công bố sẽ bán chuỗi siêu thị Big C ở VN và theo dự đoán của một số chuyên gia trong ngành bán lẻ, khả năng một tập đoàn Thái Lan sẽ trở thành chủ mới của chuỗi siêu thị này.
Người Thái thâu tóm thị trường bán lẻ Việt
Tập đoàn Casino (Pháp) chính thức công bố sẽ bán chuỗi siêu thị Big C ở VN và theo dự đoán của một số chuyên gia trong ngành bán lẻ, khả năng một tập đoàn Thái Lan sẽ trở thành chủ mới của chuỗi siêu thị này.
Sở hữu hàng loạt cửa hàng, siêu thị
Các tập đoàn kinh doanh, bán lẻ của Thái Lan trong vòng 2 năm qua đã có mặt dày đặc tại VN, từ mở cửa hàng tiện lợi, siêu thị mi ni đến các siêu thị hoành tráng. Đặc biệt, ba tập đoàn bán lẻ đã thâu tóm thành công ngành bán lẻ Thái Lan và đang tiếp tục tham vọng tương tự ở thị trường VN. Đó là Berli Jucker Plc (BJC) đã mua hệ thống 42 cửa hàng FamilyMart (Nhật Bản) tại VN và đổi tên thành B’mart. BJC cũng là đơn vị thoả thuận mua lại chuỗi siêu thị Metro tại VN với giá gần 880 triệu USD trong năm 2014. Trước đó, BJC đã chuẩn bị cho kế hoạch chiếm lĩnh thị trường VN từ năm 2012 thông qua việc mở một nhà máy sản xuất chai thủy tinh, lon đựng đồ uống. Hãng này cũng nắm cổ phần chi phối tại Công ty Thái An – nhà phân phối, xuất nhập khẩu các sản phẩm tiêu dùng tại miền Nam; Hãng giấy Cellox; Công ty sản xuất đậu phụ Ichiban…
Tiếp theo là Tập đoàn Central Group, đầu năm nay mua lại gần một nửa cổ phần công ty sở hữu chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim. Central Group cũng là đơn vị sở hữu hệ thống bán lẻ Robins và trong năm 2014 đã khai trương hai siêu thị lớn mang thương hiệu này ở Hà Nội và TP.HCM. Quyết định mở rộng kinh doanh vào VN của tập đoàn được đưa ra sau sự ra mắt thành công của các cửa hàng SuperSports, Crocs và New Balance tại thị trường VN trước đó, thông qua mạng lưới phân phối của các công ty con.
Thứ ba là Tập đoàn C.P Group mà tại VN, công ty con C.P VN đang nắm thị phần chi phối trong lĩnh vực trứng gà công nghiệp, thịt gà công nghiệp và thức ăn chăn nuôi, cũng như dần lấn sân lĩnh vực thức ăn thuỷ sản. Chưa hết, công ty này đang mở rộng hệ thống thức ăn nhanh Five Star với mô hình xe đẩy và ki ốt, nhượng quyền thương hiệu cho nhiều hộ kinh doanh nhỏ, vốn ít tại VN. Chuỗi này tập trung bán gà rán, gà quay tương tự như sản phẩm của Lotteria hay KFC. Ngoài mô hình kinh doanh thức ăn nhanh gà rán, gà quay… C.P VN còn đầu tư cho các hệ thống bán lẻ thông qua các kênh như C.P Shop, Fresh Mart. Chắc chắn C.P Group sẽ không dừng ở đó bởi trong lĩnh vực bán lẻ, họ đang sở hữu thương hiệu 7-Eleven tại Thái Lan, dự kiến sẽ mở cửa hàng đầu tiên ở TP.HCM. Trong thương vụ đàm phán mua hệ thống Metro tại VN, C.P Group cũng tham gia nhưng chưa thành công. Vì thế, tham vọng muốn thâu tóm bằng được các hệ thống bán lẻ của ông chủ C.P Group sẽ không dừng lại.
Hàng Thái vào tận gia đình Việt
Nhiều sản phẩm Thái Lan đã cạnh tranh và đánh bật được hàng VN ngay trên thị trường nội địa. Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, cho rằng nhiều gia đình VN đều đang sử dụng từ một đến vài sản phẩm của Thái Lan. Mẫu mã, chất lượng và giá cả phù hợp, cộng với các chương trình khuyến mãi, tiếp thị liên tục thì có lẽ không lâu nữa các mặt hàng tiêu dùng, gia dụng của Thái sẽ hiện diện ở tất cả gia đình Việt.
Đánh giá của riêng ông Phú là tỷ lệ hàng hoá VN ở các siêu thị lớn tại Hà Nội hiện chỉ còn khoảng 10 – 15% và “nếu không thay đổi thì sẽ ngày càng giảm dần”. Ông Phú nhận định: “80% khả năng toàn bộ chuỗi kinh doanh Big C ở VN sẽ được chuyển nhượng cho một trong những tập đoàn bán lẻ Thái Lan nêu trên. Điều này chắc chắn sẽ đẩy các doanh nghiệp nội địa kinh doanh bán lẻ vào cuộc đua đầy cam go và không cân sức. Nếu chuỗi siêu thị Big C rơi vào tay các tập đoàn Thái Lan thì sức ảnh hưởng của họ đến thị trường VN sẽ khá lớn. Hiện ở VN, các thương hiệu bán lẻ như Hapro, Fivimart… đã co cụm hoặc bán bớt rất nhiều. Doanh nghiệp VN đang đuối sức và chỉ còn hai gương mặt là Co.opmart và Vingroup. Nếu các đại gia Thái Lan nắm được hệ thống siêu thị rộng lớn ở VN như Big C thì họ có thể hoàn thành được vòng chu trình, từ sản xuất tới phân phối, gây ra sức ép không nhỏ với hàng trong nước, cũng như các nhà bán lẻ khác”, ông Phú nói và khuyến cáo: “Một bài học chúng ta từng trải qua là Công ty C.P từng tăng giá trứng 2 lần trong vòng một tuần, bởi họ nắm tới 30 – 40% thị phần cung cấp trứng cho hệ thống siêu thị. Nên nếu các doanh nghiệp này có thể nắm 50 – 60 điểm phân phối lớn tại thị trường VN thì đó sẽ là một thách thức lớn với doanh nghiệp nội”.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng nhiều sản phẩm VN đang thua toàn diện so với hàng Thái và người tiêu dùng trong nước thích sử dụng hàng Thái là điều dễ hiểu. “Chắc chắn khi các tập đoàn Thái sở hữu các hệ thống bán lẻ, các siêu thị, cùng những hoạt động quảng bá, tiếp thị thường xuyên từ trước đến nay, hàng Thái dần chiếm được chỗ đứng ở thị trường VN. Đây là nguy cơ cao cho doanh nghiệp trong nước. Bên cạnh việc doanh nghiệp bị mất thị phần thì người lao động bị mất việc làm. Do đó, tự bản thân các doanh nghiệp cần có sự thay đổi mạnh mẽ hơn, từ khâu sản xuất đến tiếp thị, lưu thông hàng hoá”, chuyên gia Ngô Trí Long nói.
Big C có giá khoảng 810 triệu USD ?
Hãng tin Bloomberg dẫn nguồn từ các chuyên gia tài chính cho biết, việc chuyển nhượng tài sản của tập đoàn tại VN (chủ yếu là hệ thống siêu thị Big C) có thể mang về cho Casino khoảng 750 triệu euro (khoảng 810 triệu USD). Big C là chuỗi bán lẻ đầu tư nước ngoài hiện có nhiều điểm bán nhất với 32 siêu thị, đại siêu thị và trung tâm thương mại trải dài trên nhiều tỉnh thành.
|
Mai Phương