10/01/2025

Xuất khẩu lao động: Không phép vẫn tuyển người

Hàng loạt công ty dù không được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động (XKLĐ) nhưng vẫn thông báo tuyển dụng người lao động đi làm việc tại các nước, vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Singapore, Đài Loan, Saudi Arabia…

 

Xuất khẩu lao động: Không phép vẫn tuyển người

 

 

Hàng loạt công ty dù không được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động (XKLĐ) nhưng vẫn thông báo tuyển dụng người lao động đi làm việc tại các nước, vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Singapore, Đài Loan, Saudi Arabia…



 


Là công ty hoạt động trong lĩnh vực du học nhưng văn phòng Công ty cổ phần Nhật Tinh Vương tại Q.Gò Vấp, TP.HCM thông báo tuyển XKLĐ đi Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Đức, Úc, Đài Loan, Malaysia, các nước Trung Đông - Ảnh: Quang Phương
Là công ty hoạt động trong lĩnh vực du học nhưng văn phòng Công ty cổ phần Nhật Tinh Vương tại Q.Gò Vấp, TP.HCM thông báo tuyển XKLĐ đi Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Đức, Úc, Đài Loan, Malaysia, các nước Trung Đông – Ảnh: Quang Phương

Sau nhiều ngày tìm hiểu chuyện đăng ký đi XKLĐ, chúng tôi phát hiện hàng loạt công ty hoạt động tư vấn, tuyển dụng XKLĐ trái pháp luật. Những đơn vị này hoàn toàn không có tên trong danh sách 247 doanh nghiệp được Bộ LĐ-TB&XH cấp phép XKLĐ.

Rần rần tuyển dụng

Lần theo thông báo cần tuyển gấp 100 người đi XKLĐ Nhật Bản và Hàn Quốc, chúng tôi tìm đến trụ sở Công ty TNHH TM DV New World tại một con hẻm nhỏ trên đường Thành Thái (Q.10, TP.HCM). Tại đây nhân viên của công ty giới thiệu đi Nhật chi phí 150 triệu đồng, mức lương 30-50 triệu đồng/tháng; đi Hàn Quốc chi phí 50 triệu đồng, mức lương 40-50 triệu đồng.

Tương tự, văn phòng Công ty cổ phần Nhật Tinh Vương (Q.Gò Vấp, TP.HCM) cũng giới thiệu tuyển dụng lao động đi Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Đức, Úc, Đài Loan, Malaysia và các nước Trung Đông… Một nữ nhân viên ở đây tư vấn chương trình đi Saudi Arabia là chương trình miễn phí, “chỉ mất 3 triệu đồng để bên công ty làm hồ sơ dịch thuật” – nhân viên này cho biết.

“Đi Nhật phải mất 4-6 tháng, nộp cọc 1.000 USD rồi học tiếng Nhật, nếu đậu sau phỏng vấn thì tiếp tục học hướng nghiệp thêm ba tháng nữa. Thời gian này tuỳ theo đơn hàng sẽ đóng tiếp cho công ty tiền chống trốn, khoảng 150 triệu đồng” – nữ nhân viên này tư vấn thêm.

Công ty TNHH TM DV Nhị Gia (Q.10) cũng thông báo tuyển dụng lao động đi Saudi Arabia, Singapore, Nhật Bản. Ông Đặng Quang Minh, nhân viên tư vấn công ty, cho biết chi phí đi Nhật khoảng 7.000 USD. “Khi mới vào nộp hồ sơ học tiếng Nhật thì đóng khoảng 1.000 USD. Công ty sẽ đưa ra Hà Nội để học. Trong Sài Gòn nếu đông mới tổ chức học được và yêu cầu phải có bằng ĐH hoặc CĐ”, ông Minh nói.

Trường CĐ Lê Quý Đôn (Đồng Nai) cũng thông báo tuyển thực tập sinh đi Nhật Bản làm việc ở nhiều nghề: cơ khí, điện, điện tử, xây dựng, may mặc… từ nhiều tháng nay.

Một nhân viên ở đây tư vấn khi bắt đầu nhập học thì đóng trước 30 triệu đồng phí đào tạo, phỏng vấn đậu đóng tiếp 70 triệu đồng.

Trước khi qua Nhật đóng tiếp 100 triệu đồng. Thời gian đi từ 3-5 năm. Được biết, trường này đăng thông báo tuyển dụng đóng dấu đỏ của Công ty cổ phần Anh Vinh (chủ đầu tư trường).

Lại “đánh nhầm văn bản”?

Dù không có phép nhưng vẫn thông báo tuyển dụng, thu hồ sơ, phí của người lao động. Các nhân viên tư vấn đều khẳng định công ty trực tiếp đưa người lao động đi XKLĐ chứ không thông qua nơi nào khác.

Tuy nhiên, khi chúng tôi tìm gặp lãnh đạo các đơn vị này thì lại có câu trả lời khác. Ông Phùng Đình Hoà, giám đốc Công ty TNHH TM DV New World, cho biết đơn vị ông chỉ tuyển giúp cho một công ty XKLĐ khác ở quận Tân Bình. Tuy nhiên khi hỏi đơn vị đó là đơn vị nào, ông Hòa nói: “Không cho biết tên được đâu…”.

Tương tự, giám đốc Công ty TNHH TM DV Nhị Gia Nguyễn Thanh Huy thừa nhận công ty chưa có phép hoạt động XKLĐ và đơn vị ông thông báo tuyển dụng cho công ty XKLĐ ở Hà Nội.

Ông Lê Đặng Hải, đại diện Công ty CP Nhật Tinh Vương (trụ sở chính tại Đà Nẵng), cho biết do công ty ông mua cổ phần của Công ty CP XKLĐ – TMDV Colecto (Bắc Giang, công ty này có phép XKLĐ – PV) nên… tuyển dụng giùm.

Ông Hải thừa nhận Công ty CP Nhật Tinh Vương là công ty du học, chưa được cấp phép XKLĐ. Khi chúng tôi hỏi chưa được cấp phép XKLĐ nhưng tại sao thông báo tuyển XKLĐ, ông Hải lý giải: “Có lẽ các em nó đánh văn bản bị sai đó! Tôi sẽ cho các em nó sửa lại”.

Tương tự, bà Ngô Thị Kim Quyên, giám đốc chi nhánh của Công ty cổ phần Việt Hà – Hà Tĩnh (Vihatico, công ty có phép XKLĐ – PV), cho biết giữa OECC (Công ty TNHH tư vấn nghề nghiệp và giáo dục Overseas, Q.3, TP.HCM) và chi nhánh của Vihatico tại TP.HCM có mối quan hệ “chung chủ” với nhau. Chi nhánh Vihatico tại TP.HCM chưa có trang web riêng nên mới nhờ OECC đăng tuyển.

“OECC đăng thông báo tuyển dụng XKLĐ, còn làm hợp đồng XKLĐ là bên Vihatico”, bà Quyên nói.

Sai quy định

Trước vấn đề trên, ông Tống Hải Nam, cục phó Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), cho biết theo quy định của Luật người lao động VN đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, chỉ các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, có hợp đồng cung ứng lao động cho đối tác nước ngoài đã được Bộ LĐ-TB&XH chấp thuận thì mới được phép tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài, và các doanh nghiệp này phải trực tiếp tuyển chọn lao động, không được uỷ quyền hoặc hợp tác với các doanh nghiệp không có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để tuyển chọn lao động.

“Do vậy, việc các công ty không được Bộ LĐ-TB&XH cấp phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài nhưng vẫn thông báo tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài, tư vấn, thu tiền của người lao động là sai quy định của pháp luật”, ông Nam khẳng định.

Ông Nam cũng khuyên đối với những lao động đã lỡ nộp tiền cho các công ty không có chức năng hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, cần làm đơn gửi cơ quan công an phường/xã nơi công ty đó đặt trụ sở, kèm theo toàn bộ các giấy tờ chứng minh hành vi vi phạm của công ty đó (giấy biên nhận và bất kỳ loại hợp đồng liên quan nào có đóng dấu của công ty và chữ ký người lao động) để cơ quan công an vào cuộc điều tra và xử lý.

Những lao động có nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài có thể tìm hiểu danh sách các doanh nghiệp có giấy phép hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước (www.dolab.gov.vn), hoặc có thể tìm tới sở LĐ-TB&XH tỉnh/thành phố nơi người lao động cư trú để được tư vấn, hoặc gọi điện thoại tới đường dây nóng của Cục Quản lý lao động ngoài nước (04-38249517 máy lẻ 512, 513) để được tư vấn.

Sẽ kiểm tra xử lý

Chúng tôi đã chuyển thông tin các doanh nghiệp tại TP.HCM tuyển dụng XKLĐ sai quy định đến Sở LĐ-TB&XH TP.HCM. Phòng việc làm của sở cho biết tại thành phố có 41 doanh nghiệp và 17 chi nhánh công ty có thông báo với sở về hoạt động XKLĐ đã được Bộ LĐ-TB&XH cấp giấy phép. Phòng việc làm thừa nhận có tình trạng các doanh nghiệp không thực hiện đúng quy định của pháp luật về hoạt động XKLĐ.

Bà Trần Lê Thanh Trúc, phó phòng việc làm của sở, cho biết: “Một số doanh nghiệp không có giấy phép hoạt động XKLĐ đưa ra các lời hứa hẹn đảm bảo người lao động sẽ được đưa đi làm việc trong thời gian ngắn với chi phí rẻ, dẫn đến sự mất cảnh giác của người lao động. Đối với các doanh nghiệp báo chí đề cập, sở sẽ xác minh và có kế hoạch thanh tra”.

QUANG PHƯƠNG ([email protected])