10/01/2025

Bỏ nghề vì lương bèo bọt

Với đồng lương hằng tháng bèo bọt lại không có thêm một khoản thu nào, nhiều giáo viên môn phụ đành chuyển việc, bỏ nghề.

 

Bỏ nghề vì lương bèo bọt

 

Với đồng lương hằng tháng bèo bọt lại không có thêm một khoản thu nào, nhiều giáo viên môn phụ đành chuyển việc, bỏ nghề.



 


Cô Nguyễn Thị Lý (phải) dạy học không đủ sống phải chuyển qua bán quần áo  - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cô Nguyễn Thị Lý (phải) dạy học không đủ sống phải chuyển qua bán quần áo – Ảnh: Nhân vật cung cấp


Cùng là giáo viên nhưng… một trời một vực

Mặc dù đã lường trước được những thiệt thòi của giáo viên (GV) dạy môn phụ nhưng nhiều người vẫn chọn học các ngành sư phạm như: công dân, địa lý, thể chất… Tuy nhiên, tốt nghiệp được một thời gian, nhiều GV mới buồn chán và cảm nhận hết sự chênh lệch về chế độ, sự phân biệt đối xử và đặc biệt thu nhập chênh lệch khá xa với GV dạy các môn chính.
Vì không nằm trong các môn thi đại học nên hiện tại những môn như: giáo dục công dân, thể dục… học sinh (HS) xem là môn học “cho có”. Phan Thị Trang, GV môn giáo dục công dân Trường THPT Lê Xoay (Vĩnh Phúc), cho biết: “Để HS chú ý tới môn học, ngoài việc đảm bảo kiến thức, GV phải xây dựng bài giảng khá công phu, xây dựng tình huống cho HS đóng kịch… Tuy nhiên, HS cũng chỉ hào hứng trong giờ học ấy chứ rất ít khi để tâm nhiều. Nhiều em còn coi tiết học công dân như giờ giải lao sau khi học toán, lý mệt mỏi”.
Không chỉ buồn vì HS thờ ơ mà GV dạy môn phụ còn đối diện với tình trạng thu nhập thấp. Một GV ở Vĩnh Phúc cho biết: “Là đồng nghiệp cùng chủ nhiệm khối 10 nhưng thu nhập của tôi và một GV dạy toán một trời một vực. Hiện tại thầy có 7 lớp dạy kèm, thu nhập không dưới 50 triệu đồng/tháng”. Đối lập với mức thu nhập này, cô Trang buồn nói: “Tôi tốt nghiệp bằng giỏi rồi học lên thạc sĩ nhưng vẫn loay hoay với mức lương vài triệu đồng/tháng trong khi đó những đồng nghiệp dạy toán, tiếng Anh có mức thu nhập gấp mấy chục lần. Người ta nói dạy môn phụ ít tiết thì nhàn, có thời gian để đi làm việc khác. Nhưng thực tế thì thời khoá biểu sáng, chiều đan xen. GV môn phụ hay chính đều phải soạn giáo án, hồ sơ, sổ sách giống hệt nhau nên rất khó có thời gian để làm thêm”.
Bên cạnh đó, nhiều GV cũng tâm tư về cái nhìn của xã hội dành cho họ. Cô Lê Thị Xuân, GV môn giáo dục công dân một trường ở Q.Tân Phú, TP.HCM, cho biết: “Người ta cho rằng vì không có năng lực nên chúng tôi mới phải dạy môn phụ. Họ đâu biết rằng chọn ngành này chúng tôi yêu thích, tâm huyết”. Không ít trường hợp còn xem những môn phụ chỉ là môn vớt điểm khi cần. Cô Xuân cho biết: “Hầu như năm nào cũng có GV và HS ở các lớp tới xin điểm tôi. Lý do chủ yếu là vì các em không đủ điều kiện thi HS giỏi”.
Chuyển ngành, bỏ nghề
Sau một thời gian trầy trật với nghề, một số GV phải học thêm văn bằng 2, học lên cao học. Số khác phải chuyển nghề.
Nguyễn Thị Giang, GV dạy môn địa ở Q.Bình Tân, TP.HCM, cho biết: “Thu nhập thấp nên ngoài thời gian dạy ở trường, tôi phải chạy sô ở các trường tư. Đầu học kỳ tôi trình bày với hiệu trưởng nhờ sắp xếp lịch học của HS dồn vào những buổi cố định để những buổi trống đi dạy bên ngoài. Vì thấy hoàn cảnh của tôi khó khăn nên thầy tạo điều kiện. Mỗi tiết dạy ở trường tư tôi nhận được từ 20.000 – 30.000 đồng. Nhiều khi trường chỉ sắp xếp được có 1 – 2 tiết cũng tranh thủ đi”.
Cô Giang kể tiếp: “Gia đình thấy vất vả, thu nhập lại chẳng đáng là bao nên khuyên tôi chuyển nghề nhưng tôi yêu nghề giáo, muốn bám trụ tới cùng nên năm 2013 thi lại sư phạm toán, mong muốn cải thiện tình hình. Tôi theo khối C nên khi thi lại khối khác phải nỗ lực nhiều. Tuy nhiên, vì thấm sự vất vả và cái nhìn thiếu tôn trọng của nhiều người với GV môn phụ nên tôi quyết tâm thay đổi”.
Hoàn cảnh của Huỳnh Thị Ánh Hồng, GV môn giáo dục công dân ở Q.7, TP.HCM, còn đáng ngại hơn. Cô Hồng tâm sự: “Gia đình nghèo, không có khả năng xin việc nên tôi chọn ngành sư phạm. Ra trường không xin được biên chế tôi đi dạy hợp đồng gần chục năm nay. Chạy hết trường này tới trường khác với mức lương hợp đồng thấp. Ngoài lương ra lại không có một khoản gì khác nên ngoài giờ dạy ở trường, tôi đi tiếp thị thêm cho một hãng xà bông. Lúc đầu gặp đồng nghiệp, HS thậm chí nhiều khi gặp phụ huynh cũng ngại nhưng cũng phải làm”.
Tương tự là trường hợp cô Nguyễn Thị Lý, tốt nghiệp Khoa Địa – Sử Trường CĐ Sư phạm Vĩnh Phúc. “Ngay sau khi ra trường, tôi xin vào dạy hợp đồng ở một trường gần nhà với mức lương khởi điểm 800.000 đồng/tháng. Những năm tiếp theo tăng lên khoảng hơn 1 triệu đồng. Với mức lương này tôi phải lên trường từ thứ hai tới thứ bảy. Nhiều khi trường sắp xếp lịch dạy sáng một tiết, chiều một tiết. Vậy là mất cả ngày chỉ với 2 tiết dạy”.
Khi nói những khoản thu ngoài lương, cô Lý ngậm ngùi: “Trường quy định GV không được dạy tăng tiết. HS thì chẳng khi nào học thêm môn địa. Ngoài lương ra, chúng tôi chỉ nhận được thêm khoảng 200.000 đồng/năm tiền giấy bút do nhà trường cấp”. Lý cho biết: “Gần 5 năm gắn bó với nghề, tôi yêu trường, yêu lớp, yêu học trò. Tuy nhiên đành phải bỏ nghề chuyển sang buôn bán quần áo. Nhiều lúc thấy nhớ bục giảng ghê lắm nhưng có ai chỉ uống nước mà dạy học được đâu nên đành bỏ”.
Trước thực tế này, hiệu trưởng một trường THPT cho biết lương GV mới ở TP.HCM khoảng hơn 2 triệu đồng và quy định là không được dạy quá số tiết cho phép. Tuy nhiên để tăng thu nhập, trường tạo điều kiện bằng cách tuyển ít GV bộ môn để giúp GV dạy môn phụ tăng tiết dạy kiếm thêm thu nhập.
50% GV hưởng dưới mức lương bình quân
Theo quy định về thang bảng lương đối với GV hiện nay thì GV mới ra trường có hệ số lương là 2,34, tương đương 3.633.000 đồng/tháng; có thâm niên 15 năm thì hệ số lương là 3,66, tương đương 5.767.000 đồng/tháng và có thâm niên hơn 25 năm trong nghề (sắp về hưu) được hưởng hơn 8 triệu đồng/tháng. Đề tài khoa học cấp nhà nước “Các giải pháp cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng GV phổ thông” do nhóm nghiên cứu của bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó chủ tịch nước, làm chủ nhiệm, chỉ ra rằng với số lượng GV như hiện nay, chỉ khoảng 50% số GV các cấp có thâm niên dạy học từ 13 năm trở lên và được hưởng mức lương bình quân, 50% còn lại được hưởng dưới mức lương bình quân.
Việc dạy thêm để tăng nguồn thu, dù với GV dạy các môn “chính” như: toán, văn, ngoại ngữ… cũng chỉ có ở khu vực thành thị, còn hầu hết GV ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa chỉ trông vào đồng lương ít ỏi. Những GV “cắm bản” thậm chí còn phải bỏ tiền túi để mua sách vở, đồ dùng học tập cho HS…
Ông Trần Kim Tự, Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ GD-ĐT, nhận định: “Với các quy định chung về thang bảng lương như các ngành nghề khác, mức lương của một bộ phận nhà giáo vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu đời sống nói chung. Trong những năm qua, Bộ đã đề xuất và phối hợp với các bộ, ngành để đưa vào thực hiện một số chính sách nhằm nâng thu nhập cho nhà giáo nói chung và GV đang đứng lớp nói riêng”.
Một công chức ngoài mức lương theo quy định trong thang bảng lương chung, có thêm phụ cấp công vụ 25% thì các nhà giáo ngoài lương có thêm phụ cấp ưu đãi (phụ cấp đứng lớp) với tỷ lệ bằng 25 – 70% mức lương, tuỳ theo địa bàn – lĩnh vực công tác và phụ cấp thâm niên (được tính cả khi GV đang công tác và khi nghỉ hưu).
Cũng theo ông Tự, theo khảo sát của Bộ với mẫu trên 30.000 GV thì mức bình quân phụ cấp ưu đãi là 36% và phụ cấp thâm niên là 18% so với lương đang hưởng. Ngoài ra, với tham mưu của Bộ, Thủ tướng đã ban hành quyết định bảo lưu phụ cấp ưu đãi (tối đa 3 năm) cho các nhà giáo được điều động về các cơ quan quản lý (phòng GD-ĐT, sở GD-ĐT) làm công tác chuyên môn. Bộ cũng tham mưu để Thủ tướng ban hành quyết định hỗ trợ một lần cho các nhà giáo đã nghỉ hưu mà chưa được hưởng phụ cấp thâm niên trong lương lưu. Tính đến nay có hơn 191.500 nhà giáo trong diện này được hưởng trợ cấp 1 lần, tổng kinh phí là 2.236 tỉ đồng. Trung bình mỗi nhà giáo nhận được 11,5 triệu đồng.
Theo PGS-TS Ngô Minh Oanh (Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), kết quả khảo sát ở 9 quận, huyện trên địa bàn TP.HCM với gần 1.000 GV tiểu học cho thấy: 37% GV có mức thu nhập từ 4 – 6 triệu đồng; 37% trên 6 triệu đồng. Mức thu nhập này có phần lý tưởng hơn so với các tỉnh, thành khác nhưng có đến 66,9% GV cho rằng thu nhập hiện tại không đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống gia đình. Trong đó, chỉ có 39% GV có nhà ở riêng, 51,5% ở nhờ nhà của bố mẹ. 23,3% GV ít có điều kiện đi tham quan du lịch, nghỉ mát hằng năm. Ngoài giờ dạy chính khoá, 53,8% GV phải dạy thêm để tăng thu nhập, một bộ phận còn lại có làm thêm nhưng công việc không gắn với chuyên môn.
Tuệ Nguyễn


Lam Ngọc