10/01/2025

“Mê hồn trận” Trung Đông

Mối đan xen lợi ích trong khu vực Trung Đông đầy biến động đã khiến tình hình rất khó đoán định.

 

“Mê hồn trận” Trung Đông

 

 

Mối đan xen lợi ích trong khu vực Trung Đông đầy biến động đã khiến tình hình rất khó đoán định.





Người dân Iraq biểu tình đòi Thổ Nhĩ Kỳ rút quân khỏi nước này - Ảnh: Reuters
Người dân Iraq biểu tình đòi Thổ Nhĩ Kỳ rút quân khỏi nước này – Ảnh: Reuters

Việc nước Nga tham chiến diệt khủng bố ở Syria đã làm đảo lộn bàn cờ địa – chính trị Trung Đông. Sự phân hoá trong hàng ngũ các quốc gia Ả Rập sau thoả thuận hạt nhân Iran tháng 7-2015 cũng đã phát triển thành những tập hợp lực lượng mới ở Trung Đông.

Cuộc chiến chống lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và các quan hệ quốc tế xung quanh nó trở thành một “mê hồn trận”.

Tổng thống Syria có lợi

Việc chiến đấu cơ của Thổ Nhĩ Kỳ – một thành viên NATO – bắn hạ máy bay Su-24 của Nga ngày 24-11 tạo cớ để ngay sau đó Nga tuyên bố đưa dàn phóng tên lửa S-400 vào Syria.

Một nhà bình luận Trung Đông dí dỏm: “Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã giúp thực hiện giấc mơ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad muốn Nga triển khai S-400 từ rất lâu rồi”.

Đây là một bước ngoặt của cuộc chiến vì với S-400, Nga có thể “khoá” bầu trời Syria đối với các thành viên NATO.

Từ trên không, không quân Nga muốn tiêu diệt các vị trí IS nào thì tiêu diệt, muốn đánh vào các vị trí nào do phe đối lập Syria thân phương Tây kiểm soát thì đánh.

Dưới đất, quân đội chính quyền al-Assad được một lưới phòng không đáng tin cậy bảo vệ, có thể tổ chức lại và tiến công các đối thủ của mình.

Lực lượng đối lập tại Syria vốn hoạt động ít hiệu quả. Nếu chiến sự kéo dài, yếu càng thêm yếu và nếu bị tiêu hao nặng nề thì sẽ có ít tương lai chính trị ở Syria.

Cho nên ngoại trưởng Mỹ đã đề nghị Nga tập trung đánh các vị trí IS chứ không nhằm vào lực lượng đối lập Syria, rồi còn vận động Nga đồng bảo trợ cho nghị quyết ngăn chặn các nguồn thu nhập tài chính của IS, đánh vào dạ dày của IS.

Đổi lại như một cái giá phải trả, Tổng thống Barack Obama đành từ bỏ việc đòi Tổng thống al-Assad ra đi như điều kiện tiên quyết cho các cuộc thương lượng và chấp nhận nguyên tắc tương lai của Syria do người dân Syria tự quyết định.

Ràng buộc ba chiều

Bằng cách mở đột phá quân sự tại Syria, Matxcơva đã thành công trong việc kéo Mỹ vào bàn thương lượng Nga – Mỹ, mà mục tiêu cuối cùng vẫn là nới lỏng hoặc xoá bỏ lệnh cấm vận của phương Tây đối với Nga.

Nhưng Mỹ chưa đến mức hi sinh Ukraine cho việc giải quyết cuộc khủng hoảng Trung Đông. Từ đây đã xuất hiện một sự ràng buộc ba chiều – việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine và giải pháp chính trị cho vấn đề Syria với việc Mỹ và phương Tây nới lỏng hoặc xóa bỏ cấm vận đối với Nga.

Trong những cuộc thương lượng kéo dài tại Matxcơva với ngoại trưởng Mỹ, hai bên hẳn đã xác định những đường hướng lớn cho các thoả hiệp mang tính ràng buộc ba chiều ấy.

Có không ít hi vọng các vấn đề sẽ được giải quyết trong năm còn lại của chính quyền Obama nhằm làm tăng điểm cộng đối ngoại cho chính quyền này.

Nhưng cũng không ít khả năng quả bóng sẽ chuyển sang sân chính quyền mới ở Mỹ sau cuộc bầu cử tổng thống cuối năm 2016. Thường thì chính quyền mới sẽ có cách tiếp cận mới đối với những vấn đề đối ngoại khó “xơi”.

Thổ Nhĩ Kỳ hưởng lợi

Một trong những quốc gia Trung Đông được hưởng lợi từ cuộc xung đột Trung Đông là Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ vốn là một trong “tứ cường” Trung Đông (cùng với Saudi Arabia, Iran và Israel).

Những năm xung đột Iraq – Syria, nước này đã khôn khéo chơi trò nước đôi, với mối quan tâm chính là ngăn chặn sự hình thành nhà nước Kurdistan của người Kurd nằm giữa các vùng biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và Iraq.

Thổ Nhĩ Kỳ còn là tác nhân của một vấn đề nóng liên quan đến châu Âu. Một phần đáng kể người Syria sống tại các trại tị nạn trên lãnh thổ nước này cùng với dân chạy loạn khác đã mượn đường Thổ Nhĩ Kỳ vượt biển sang châu Âu, tạo nên cuộc khủng hoảng di cư nghiêm trọng đối với châu Âu.

Cuộc đàm phán về việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Liên minh châu Âu có một động lực mới, khi người châu Âu nhận thấy muốn “giải quyết tận gốc những rối loạn” trong thời gian qua, không thể không có Thổ Nhĩ Kỳ tham gia như một thành viên.

Trong những tháng tới, người ta sẽ chứng kiến cuộc xung đột Syria bước vào giai đoạn nước rút với việc các bên nỗ lực làm chuyển biến tương quan lực lượng trên chiến trường theo cách có lợi nhất cho mình.

Bởi vì lực lượng nào chiếm thế thượng phong trên chiến trường sẽ có con bài lớn hơn trong một giải pháp chính trị, ngoại giao.

Ba động cơ của liên minh Ả Rập

Sự ra đời của liên minh 34 nước Ả Rập dòng Sunni vừa qua ít nhất có ba động cơ: Một là, đối phó với sự lũng đoạn và câu kết có thể xuất hiện giữa Mỹ và Nga.

Hai là, đối phó với lực lượng IS tan rã hoặc bị ép bật khỏi chiến trường chính Iraq – Syria tràn sang các nước láng giềng Trung Đông, trong đó có các nước thành viên của liên minh Sunni.

Ba là, tập hợp lực lượng để đối phó với kẻ địch của mỗi nước, trong đó Saudi Arabia đang vật lộn trên chiến trường chống lại phiến quân Hồi giáo Yemen được Iran – nước cầm đầu khối Ả Rập thuộc dòng Shiite – ủng hộ…

TS NGUYỄN NGỌC TRƯỜNG