10/01/2025

Người Việt ở Úc

Cộng đồng người Việt ở Úc hiện có hơn 300.000 người, chủ yếu tập trung ở hai thành phố lớn là Sydney và Melbourne.

 

Người Việt ở Úc

 

Cộng đồng người Việt ở Úc hiện có hơn 300.000 người, chủ yếu tập trung ở hai thành phố lớn là Sydney và Melbourne.




Khu Footscray được xem là “thủ phủ” của cộng đồng người Việt ở Melbourne

Khu Footscray được xem là “thủ phủ” của cộng đồng người Việt ở Melbourne

 

Đất nước rộng lớn nhưng dân số chỉ khoảng 24 triệu người, nên Úc có chính sách di dân rộng mở. Người Việt có mặt đông đúc ở Úc trong quãng thời gian 30 năm trở lại đây và được đánh giá là cộng đồng năng động. Bằng chứng là chỉ trong vòng mươi năm định cư, người Việt đã biến vùng đất nửa nông thôn nửa thành thị như khu Cabramatta (Sydney) hay Footscray (Melbourne) thành đô thị buôn bán tấp nập, sầm uất. Có nhiều khu người Việt ở Úc, như Cabramatta, Bankstown, Marrickville tại Sydney hoặc Richmond, Sunshine, Footscray ở Melbourne. Ngoài ra, họ cũng sinh sống, buôn bán rải rác trong trung tâm thành phố, khi thỉnh thoảng du khách bất chợt bắt gặp những nhà hàng phở, quán cơm bảng hiệu tiếng Việt trên những con phố sầm uất bậc nhất như Oxford (Sydney), Swanson (Melbourne).

Chiếc thuyền VN ở bảo tàng hàng hải
Nhưng sẽ thiếu sót nếu không ghé thăm Bảo tàng Hàng hải quốc gia Úc nằm ở vịnh Darling trong trung tâm thành phố Sydney. Bảo tàng có một phần ngoài trời này nằm bên cạnh cầu cổ Pyrmont xây dựng từ năm 1899 và đối diện với Bảo tàng Sáp Madame Tussades.
Rất dễ dàng tìm ra Bảo tàng Hàng hải quốc gia Úc, khi từ trên cầu Pyrmont có thể thấy rất nhiều chiếc tàu, thuyền lớn nhỏ neo đậu trong vịnh, như tàu chiến, tàu ngầm, tàu đánh cá… có nguồn gốc ở nhiều quốc gia, bao gồm phiên bản chiếc thuyền mà thuyền trưởng người Anh James Cook sử dụng trong hành trình tìm ra nước Úc. Tuy nhiên, một hiện vật trưng bày trên vịnh khiến chúng tôi tập trung nhiều nhất có ký hiệu “VN, KG, 1062A, ĐC”.
Chiếc thuyền có nguồn gốc từ VN, còn chữ KG được giải thích là Kiên Giang. Chúng tôi háo hức tìm đường xuống chiếc thuyền của VN. Một nhóm thợ đang tiến hành thay các cây cột buồm trên thuyền, dưới sự giám sát của nhân viên bảo tàng. Khi nghe tôi hỏi về chiếc thuyền bằng tiếng Anh, bỗng nhiên có một giọng Việt đặc sệt miền Nam vang lên từ một phụ nữ tóc vàng, da trắng. Chị xưng tên là Dominique Anderson và giới thiệu có bà ngoại người Việt, cha người Pháp, định cư ở Úc.
Theo lời của Dominique, chiếc thuyền này là của những người Việt di dân vào năm 1977, chở 31 người, khi đến bờ biển Darwin miền bắc nước Úc thì thuyền chết máy và được cứu đưa vào bờ. Gia đình người Việt ấy ở lại Úc, tới năm 1988 đã bàn giao chiếc thuyền lại cho bảo tàng để trưng bày như một chứng tích lịch sử di dân của nước Úc.
“Có nhiều du khách VN đến tham quan bảo tàng và tìm hiểu về con thuyền này. Ông chủ của con thuyền giờ đã mất. Con thuyền này là một phần kỷ niệm, quá khứ của người Việt ở Úc và không thể tìm được một chiếc thuyền thứ hai như thế ở đây”, Dominique kể. Chị đã về quê mẹ ở VN hai lần, mới đây nhất là năm 2012. Hỏi vì sao chị vẫn giữ được giọng nói tiếng Việt “chuẩn”, rất dễ nghe như vậy, chị trả lời do vẫn thường xuyên nói tiếng Việt với mẹ.
Người Việt ở Úc - ảnh 1

Bảo tàng Hàng hải Úc có hiện vật là chiếc thuyền của di dân người Việt – Ảnh: N.T.Tâm


Cộng đồng gắn kết
Người Việt ở Úc gắn kết với nhau không chỉ bằng giọng nói, mà bằng tình thân trong công việc làm ăn. Danko Tran, tên tiếng Việt là Khoa, Giám đốc Công ty du lịch Cockatoo Adventures có trụ sở ở Sydney cho biết, anh vận hành doanh nghiệp trên cơ sở kết nối của cộng đồng người Việt. Chẳng hạn, hầu hết tài xế lái xe chở du khách đều là người Việt; các nhà hàng, quán ăn mà anh đưa khách Việt tới trong hành trình cũng đa phần có chủ người Việt. Điều đó tạo cho du khách đến từ VN cảm giác gần gũi ở xứ người.
Trong chương trình khám phá nước Úc do Vietravel tổ chức cho đoàn phóng viên VN, chúng tôi có dịp thưởng thức ẩm thực quê nhà ở 3 nhà hàng VN, bao gồm cơm Việt ở Sydney, phở Phú Quốc ở thủ đô Canberra và phở Thuận An ở Melbourne. Ông chủ nhà hàng phở Thuận An là Phương Nguyễn còn rất trẻ, thành công có tiếng trong cộng đồng người Việt tại Melbourne. Ngoài nhà hàng phở, gia đình anh còn sở hữu cơ sở giết mổ gia súc và sắp tới mở rộng nhà hàng bằng chi nhánh thứ hai. Phở Thuận An nằm trên đường từ sân bay Melbourne vào trung tâm thành phố nên hầu hết đoàn khách Việt nào qua Melbourne cũng ghé tới. Quán không chỉ phục vụ phở mà còn có cả cơm với những món đặc trưng của người Việt, thực khách chiếm phần lớn là người nước ngoài. “Bánh phở mà nhà hàng đang bán là bánh phở tươi, được cung cấp bởi một cơ sở sản xuất của người Việt ở Melbourne. Vì thế, du khách đến từ VN sẽ cảm thấy phở ở Úc không thua gì phở ở quê nhà”, Phương Nguyễn cười nói.
Khu Sunshine có nhiều nhà hàng món Việt, nhưng không bằng khu Footscray. Từ trung tâm thành phố, nếu đi bằng xe lửa mất khoảng 15 phút sẽ tới được “thủ phủ” người Việt ở Melbourne. Trên một diện tích rộng lớn, khu Footscray khiến khách cảm thấy như mình đang lạc vào chợ Bến Thành ở TP.HCM. Nếu so với Q.13 ở Paris, nơi đông người Việt sinh sống nhất châu Âu, Footscray nhỏ hơn nhưng không kém về “bản sắc”. Quán ăn thì có rất nhiều chọn lựa như phở Hiền Vương, bún bò Huế Đông Ba, Bún Ta, Như Lan, giò chả Ba Lẹ, quán cơm Tân Thành Lợi; Công ty du lịch Viễn Đông; siêu thị có Little Sài Gòn, Thành Phát; có nệm KymDan; tiệm vàng; nha khoa; phòng khám… Trong số các siêu thị, thương xá Sài Gòn là nhộn nhịp nhất, thậm chí dù đã qua mùa nhưng nơi đây vẫn còn treo băng rôn kêu gọi “Ngày vải thiều Việt Nam tại Australia – Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Thương xá Sài Gòn bán rất nhiều “sản vật” tiêu biểu cho ẩm thực Việt như rau muống, rau húng, hoa chuối, bắp, giá, rau má, cà bi…
Nhiều người đến Footscray có khi chẳng mua thứ gì, chỉ muốn dạo quanh để nghe tiếng chào mời mua hàng bằng tiếng Việt, gọi nhau í ới như trong chợ ở quê nhà. Tấp vào một siêu thị nhỏ bên đường, chúng tôi bắt gặp rất nhiều thương hiệu hàng hoá nhập từ VN như cà phê, mì gói, mắm… Anh Bá, một cư dân của khu Footscray cho biết, nơi này xưa kia có một khách sạn lớn, di dân người Việt được đưa vào sinh sống và dần hình thành khu đặc trưng của người VN ở Melbourne. Nhưng thực ra, người Việt có mặt ở nhiều nơi trong thành phố Melbourne, nhất là trong chợ Victoria. Vào đây, thế nào cũng gặp các chủ cửa hàng người Việt và được giảm giá đặc biệt nếu phát hiện là đồng hương.

Nhiều người thành công

Người Việt ở Úc thành công trong nhiều lĩnh vực. Năm 2014, ông Lê Văn Hiếu được bổ nhiệm làm Toàn quyền tiểu bang Nam Úc, một chức vụ mang tính biểu tượng, đại diện Nữ hoàng Anh ở các bang của Úc. Trước đó, từ năm 2007, ông là Phó toàn quyền tiểu bang này, là niềm hãnh diện của cộng đồng người Việt ở Úc. Tiến sĩ Vũ Thị Ngọc Trang là phụ nữ đầu tiên được bổ nhiệm vào Viện Khoa học kỹ thuật hoàng gia, kiêm Giám đốc Trung tâm nghiên cứu xã hội thực nghiệm Úc. Ông Sang Nguyễn từng là Thị trưởng quận Richmond ở Melbourne và sau đó làm Thượng nghị sĩ trong quốc hội Úc. Hai anh em nghệ sĩ nổi tiếng Anh Đỗ và Khoa Đỗ…

N.Trần Tâm