10/01/2025

Không có hoài bão vì không biết đó là gì

42,7% thiếu lý tưởng và hoài bão lập thân, lập nghiệp là kết quả khảo sát do Viện nghiên cứu giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đưa ra. Đã có nhiều ý kiến bàn luận xung quanh vấn đề này…

 

Không có hoài bão vì không biết đó là gì

 

 

42,7% thiếu lý tưởng và hoài bão lập thân, lập nghiệp là kết quả khảo sát do Viện nghiên cứu giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đưa ra. Đã có nhiều ý kiến bàn luận xung quanh vấn đề này…




Giới trẻ sống có lý tưởng và hoài bão lập thân, lập nghiệp là phúc của đất nước - Ảnh: Hữu Khoa
Giới trẻ sống có lý tưởng và hoài bão lập thân, lập nghiệp là phúc của đất nước – Ảnh: Hữu Khoa

 

 

 

 

* HOÀNG THỊ HOÀI THƯƠNG (sinh viên năm 2 Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM):

Đó có phải 
là hoài bão?

Tôi có một người bạn thi không đậu đại học. Nhiều năm liên tục phấn đấu với ước mơ được vào Trường ĐH An ninh, nhưng kết quả vẫn không đạt được. Khi tôi nói chuyện với bạn, bạn cũng chỉ cười và bảo đã cố gắng. Trong trường hợp này bạn có phải là người sống có hoài bão không?

Từ nhỏ, Hoa – người bạn khác của tôi – đã đam mê trở thành cô giáo và ước mơ đó kéo dài cho đến những ngày học cấp III. Nhưng khi nộp hồ sơ xét đại học, Hoa lại nộp vào ngành báo chí vì sư phạm khó xin được việc làm! Vậy có ước mơ mà không thực hiện thì đó có phải là “hoài bão” không?

Nếu cố gắng, quyết tâm thực hiện hoài bão phù hợp với mình nhưng không phù hợp với môi trường, hoàn cảnh thực tế thì có nên hay không?

* Trương Minh Đức (giáo viên môn văn Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM):

Nghĩ cho bản thân, sống thực dụng

Thật ra, nếu hỏi học sinh THPT về lý tưởng sống, các em sẽ nói rất hay. Tuy nhiên thái độ sống, cách hành xử, sinh hoạt của các em thì gần như ngược lại. Học sinh THPT bây giờ có xu hướng nghĩ cho bản thân mình và sống khá thực dụng.

Tôi đã nói chuyện với nhiều học sinh, tôi cũng đã từng hỏi học sinh: “Em du học để làm gì?”, em trả lời để sau này có công việc tốt hơn, thu nhập cao hơn chứ các em chưa nghĩ tới công việc của mình sau này mang lợi gì cho cộng đồng, cho xã hội.

Khi tôi thắc mắc là tại sao con không nghĩ tới những người xung quanh mình như ba mẹ, ông bà thì có học sinh đã trả lời tôi rằng: “Bản thân mình còn lo chưa xong thì làm sao lo được cho ai thầy ơi”.

Về nguyên nhân của tình trạng trên trước hết là do gia đình, nhất là những gia đình chỉ có 1 con. Các bậc cha mẹ quá nuông chiều, bảo bọc con cái, sắp đặt hết mọi bước đi của con mình khiến các em sống theo lối sống ích kỷ, thiếu ước mơ, hoài bão và dựa dẫm vào cha mẹ mình.

Nhiều em tâm sự với tôi: “Đâu cần phải ước mơ gì nữa thầy. Cha mẹ lo hết cho con rồi”.

Do đó, nếu muốn thay đổi tình hình trên, tôi cho rằng trước hết phải thay đổi cách giáo dục con cái của phụ huynh học sinh.

Sau đó là đến cách giáo dục trong nhà trường: chương trình môn văn và chương trình giáo dục ngoài giờ lên lớp cũng có nội dung giáo dục học sinh về lý tưởng sống, ước mơ, hoài bão lập thân, lập nghiệp (mặc dù không nhiều), nhưng để truyền tải một cách có hiệu quả những nội dung ấy thì tuỳ thuộc vào mỗi trường.

Cuối cùng, tôi mong rằng Đoàn thanh niên trong trường phổ thông cần có những hoạt động thiết thực với cuộc sống của giới trẻ hơn, tác động được đến lối sống của các em theo hướng 
tích cực.

* Nguyễn Minh Tâm (giáo viên môn địa lý, thành viên ban ngoài giờ lên lớp và hướng nghiệp, Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, TP.HCM):

Ba mẹ bận rộn 
với vòng quay 
cuộc sống

Trước đây, tôi có làm một cuộc khảo sát về vấn đề hướng nghiệp và dạy nghề, kết quả cho thấy: học sinh THPT thiếu lý tưởng và hoài bão lập thân, lập nghiệp là do người lớn chưa làm tốt công tác hướng nghiệp và tư vấn nghề cho các em.

Người lớn ở đây chính là các bậc cha mẹ và giáo viên. Do bận rộn với guồng quay của cuộc sống, nhiều phụ huynh chỉ yêu cầu con mình phải học thật nhiều, học thật giỏi chứ không định hướng được cho con mình rằng sau này con sẽ làm nghề gì cho phù hợp với khả năng của mình.

Về phía giáo viên cũng vậy, lâu nay nhiều người cứ quan niệm chỉ có giáo viên chủ nhiệm mới làm công tác hướng nghiệp, chứ thật ra tất cả giáo viên bộ môn đều có thể làm và tác động được đến lý tưởng và hoài bão của học sinh.

Vì vậy, giải pháp tốt nhất và lâu dài nhất là cần chú trọng nhiều hơn đến công tác hướng nghiệp cho học sinh.

* Trịnh Thị Thu Thảo (sinh viên năm 2 Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM):

Để mai tính

Từ việc học hành, lựa chọn nghề nghiệp, từ việc ăn uống sinh hoạt, việc chọn người yêu… nhiều phụ huynh đều sắp xếp và lo cho con, không để cho con cái tự quyết định, chính điều đó đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc hoạch định tương lai và hoài bão của nhiều thanh niên hiện nay.

Từ đó người trẻ mắc phải “căn bệnh” ỷ lại, thụ động, thiếu bản lĩnh và không đủ chín chắn, cứ để mặc cho cha mẹ, gia đình lo hay cứ sống hôm nay đã rồi “để mai tính”, những ước mơ, hoài bão chưa kịp nhen nhóm đã vội tắt.

Xét theo tính chủ quan thì do người trẻ chưa định hướng được tương lai cho mình, chưa xác định được điều mình muốn là gì, như thế nào.

Phần vì lười biếng, muốn hưởng thụ cuộc sống an nhàn, không lo nghĩ dẫn đến không dám ước mơ, sợ thất bại, sợ thua cuộc, sợ những điều mình muốn, mình nghĩ là viển vông, không thực hiện được.

* PGS.TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn:

Sống không hoài bão là sống hời hợt

Nhiều bạn trẻ sống không có hoài bão vì họ không có những giá trị sống đích thực hay nếu có, đều có phần hời hợt. Các bạn có sẵn nhiều thứ, ngay cả mục tiêu cũng được người khác đặt sẵn. Sự thách thức để hướng đến mục tiêu không quá lớn dẫn đến sự sống không hết lòng phấn đấu.

Trên thực tế có nhiều thanh niên quá “dễ dãi” đối với bản thân trong việc đặt mục tiêu phấn đấu, thụ động, không chịu dấn thân, không nuôi lý tưởng và có hoài bão, luôn mang tâm lý “chẳng cần phải vượt khó, chẳng cần phải có hoài bão”. Nhiều bạn trẻ tự trốn vào cái vỏ bọc của gia đình hoặc của chính bản thân.

Xã hội có sự tiến bộ và phát triển, cũng là khi con người ta phải đối mặt với nhiều sự cám dỗ, cám dỗ vì vật chất, quyền lực… trong đó có sự cám dỗ của chính mình.

Khảo sát một vòng các bạn trẻ, phần nhiều là sinh viên, các bạn băn khoăn nhiều 
câu hỏi:

– Sống không có hoài bão là sống như thế nào?

– Như thế nào mới được gọi là hoài bão? Làm sao để các bạn trẻ biết được đâu là hoài bão của bản thân?

– Nguyên nhân nào dẫn đến hiện tượng một bộ phận giới trẻ “sống không có hoài bão”?

– Sống không có hoài bão gây ra hậu quả gì?

– Cần làm gì để thay đổi được hiện trạng này?

Còn bạn, bạn có hoài bão, lý tưởng không? Bạn suy nghĩ thế nào khi gần nửa số học sinh của cuộc khảo sát nói họ sống thiếu lý tưởng, hoài bão? Mời bạn gửi ý kiến về [email protected].

H.HG. – TH.HOÀNG – M.NƯƠNG ghi