10/01/2025

Cuộc đua tam mã chế tạo chiến binh robot

Mỹ, Nga và Trung Quốc đều đang cấp tập phát triển robot quân sự do lo ngại có thể bị đối thủ vượt mặt trên đường đua mới.

 

Cuộc đua tam mã chế tạo chiến binh robot

 

Mỹ, Nga và Trung Quốc đều đang cấp tập phát triển robot quân sự do lo ngại có thể bị đối thủ vượt mặt trên đường đua mới.



 


Robot WildCat đang được DARPA phát triển - Ảnh: Boston Dynamics

Robot WildCat đang được DARPA phát triển – Ảnh: Boston Dynamics


Từ lâu, nhiều nước đã xác định robot sẽ trở thành lực lượng quan trọng của chiến tranh trong tương lai. Chẳng hạn như theo trang tin Russia Beyond The Headlines (RBTH), Bộ Quốc phòng Nga dự đoán robot sẽ bắt đầu hoạt động tích cực từ năm 2017 – 2018 và đến năm 2025 sẽ chiếm khoảng 30% toàn bộ công nghệ quân sự trong lực lượng vũ trang nước này. Trung Quốc cũng được cho là ráo riết theo đuổi các dự án robot tự hành đủ sức thực hiện các hoạt động quân sự độc lập.

Trong bối cảnh này, trên chuyên trang Defense One Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Work cảnh báo nước này cần có động thái ứng phó nếu không muốn đối diện nguy cơ bị bỏ lại đằng sau.
Những cỗ máy giết người
Hiện nay, các dự án chế tạo robot quân sự của Lầu Năm Góc được giao cho Cơ quan Các dự án nghiên cứu quốc phòng hiện đại (DARPA) với nhiệm vụ hướng đến thay thế binh sĩ bằng robot và thiết bị điều khiển từ xa nhằm tăng cường năng lực chiến đấu cơ động và hiệu quả.
Hiện nay, cơ quan này chưa nghĩ đến việc chế tạo các robot có hình dạng giống người, cầm súng bắn loạn xạ như trong các bộ phim viễn tưởng. Thay vào đó, các nhà thầu vũ khí và công nghệ đang nỗ lực giới thiệu với DARPA các mẫu robot có thể di chuyển trên nhiều địa hình, mang vác được khối lượng lớn, khả năng phản ứng và được trang bị thiết bị cảm biến cực nhạy để phục vụ nhu cầu vận chuyển, dò mìn và ứng cứu binh sĩ bị thương.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là những “cỗ máy giết người” sẽ không bao giờ xuất hiện, khi theo tạp chí TIME, DARPA đang theo đuổi một chương trình đầy tham vọng mang tên chung là hệ thống vũ khí sát thương tự động (LAWS), bao gồm các loại robot có thể theo dõi, lựa chọn và tiêu diệt mục tiêu mà không cần nhận mệnh lệnh từ con người hoặc do con người giám sát.
Hồi cuối năm 2013, lục quân Mỹ đã tổ chức một cuộc thử nghiệm robot kéo dài 4 ngày tại căn cứ Fort Benning (bang Georgia). Trong đó, robot của nhiều công ty và tập đoàn phô diễn khả năng bắn đạn thật trúng mục tiêu ở cách khoảng 150 m. Hãng Boston Dynamics đang hoàn thiện robot 4 chân mang tên WildCat di chuyển với vận tốc 26 km/giờ, mang được vũ khí và có thể truy đuổi, tiêu diệt kẻ thù. Song song đó, Lầu Năm Góc còn thúc đẩy dự án nghiên cứu robot BigDog cũng của Boston Dynamics. Tuy đây là robot vận tải chuyên dụng cho các nhiệm vụ ở địa hình đồi núi hiểm trở nhưng các hình ảnh thiết kế ban đầu cho thấy rõ ràng BigDog có thể được trang bị hoả lực mạnh.
Ngoài ra, theo Hãng thông tấn Sputnik, DARPA hiện có 2 dự án thuộc khuôn khổ LAWS. Thứ nhất là quân đoàn robot hạng nhẹ tốc độ cao được gọi là FLA có khả năng di chuyển cơ động trong các tòa nhà và chiến trường đô thị. Thứ hai là dự án CODE với mục tiêu xây dựng các phi đội máy bay không người lái nhỏ có thể tự tiến hành không kích ngay cả trong trường hợp mất liên lạc với người điều khiển.
Cuộc đua tam mã chế tạo chiến binh robot - ảnh 1

Robot chiến đấu Wolf-2 của Nga – Ảnh: RBTH

Nga, Trung ráo riết
Phát biểu tại một diễn đàn an ninh quốc gia hồi đầu tuần tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược CNAS (Washington D.C), Thứ trưởng Work cảnh báo: “Chúng tôi biết Trung Quốc đang chi đậm vào mảng robot và những cỗ máy không cần người điều khiển, trong khi Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga Valery Gerasimov gần đây khẳng định nước này đang chuẩn bị cho môi trường chiến tranh robot hóa”. Trước đó, bản thân tướng Gerasimov tuyên bố: “Trong tương lai gần, Nga hoàn toàn có thể chế tạo một đơn vị tác chiến gồm toàn robot, đáp ứng được yêu cầu triển khai độc lập các chiến dịch quân sự”.
Theo suy đoán của chuyên gia Patrick Tucker trên Defense One, Nga có thể sẽ tập trung vào “phiên bản tương lai của Armata T-14”, chỉ dòng xe tăng hiện đại nhất hiện nay của nước này. Hiện Armata T-14 đã được tích hợp hệ thống điện tử hiện đại để tăng cường tính độc lập trong chiến đấu. Vì thế, việc trong vòng 1 hoặc 2 năm tới, loại xe tăng này có phiên bản ưu việt hơn, hoạt động ở chế độ tự tác chiến, hoàn toàn có thể xảy ra. Hơn nữa, để cạnh tranh với chương trình LAWS của Mỹ, nhiều nguồn tin tiết lộ Nga đang nghiên cứu các dòng robot canh gác tự lựa chọn mục tiêu mà không cần sự can thiệp của con người.
Hiện tại, một số robot chiến trường đã gần như hoàn thiện và sẽ sớm đi vào hoạt động với các nhiệm vụ đa dạng như trinh sát, phát hiện và tiêu diệt các mục tiêu tĩnh lẫn động, chi viện hỏa lực cho các đơn vị, tuần tra và bảo vệ các mục tiêu quan trọng.
Theo RBTH, Wolf-2 là hệ thống robot chiến đấu mới nhất đang được Moscow tích cực thử nghiệm và đã phần nào chứng tỏ được năng lực. Có hình dạng như một chiếc xe tăng nhỏ, robot này nặng hơn 1 tấn, di chuyển với tốc độ 35 km/giờ, được trang bị nhiều vũ khí như súng phóng lựu và các loại súng máy Utes và Kord cỡ nòng lớn. Khung gầm đặc biệt giúp Wolf-2 vượt qua mọi địa hình gồ ghề mà không ảnh hưởng đến tốc độ trong khi cơ chế bắn tự động có thể cùng lúc tấn công nhiều mục tiêu mà không cần sự trợ giúp của con người. Robot này được kỳ vọng sẽ đóng vai trò “vệ sĩ” cho các hệ thống tên lửa Topol-M và Yars trên chiến trường.
Nếu Wolf-2 chuyên hoạt động trong môi trường mở có địa hình phức tạp thì robot biệt kích Shooter được thiết kế riêng cho chiến tranh đô thị với kích thước nhỏ gọn. Tuy di chuyển khá chậm, vận tốc chỉ 4 km/giờ nhưng Shooter sở hữu khả năng đâm xuyên cửa và leo cầu thang, được trang bị súng máy lẫn súng ngắn đa năng.
Về phần Trung Quốc, Viện Công nghệ Harbin vừa trình làng bộ ba robot cơ giới hoá nhỏ gọn tại hội thảo Robot thế giới Bắc Kinh 2015 diễn ra cuối tháng 11, theo đài CCTV. Được quảng cáo là vũ khí lý tưởng cho chiến tranh đô thị, nhóm robot được điều khiển từ xa, có thể trang bị súng trường, lựu đạn hoặc vũ khí chống tăng với chi phí cho một bộ chỉ khoảng chưa đến 230.000 USD. Trước mắt, robot đã được trang bị cho đơn vị đặc nhiệm của Sở Cảnh sát Bắc Kinh.
Cũng trong tháng 11, CCTV phát hình ảnh về đợt thử nghiệm vũ khí laser tự động LAG II. Là sản phẩm của Học viện Vật lý công trình Trung Quốc hợp tác với Tập đoàn công nghệ Cửu Nguyên, LAG II gồm ống phóng đặt trên tháp pháo, kèm theo bộ phận cung cấp năng lượng. Tất cả được lắp trên phần khung đỡ có gắn bánh xe và chỉ cần một xe tải nhẹ là đủ để kéo tổ hợp này. CCTV khoe LAG II sử dụng cảm biến điện quang để tự động theo dõi mục tiêu cho đến khi nhận lệnh khai hoả. Hệ thống này cũng có thể được kết nối với radar và vệ tinh, cho phép khoá những mục tiêu tốc độ cao như pháo rốc két.
Hệ quả khôn lường
Sự trỗi dậy của các công nghệ mới đã làm dấy lên lo ngại về các cỗ máy giết chóc lạnh lùng. Tháng 5.2013, AFP dẫn lời chuyên gia Christof Heyns thuộc Uỷ ban Nhân quyền LHQ cảnh báo trong tương lai có thể xảy ra thảm trạng robot giết người vô tội, phạm tội ác chiến tranh, vi phạm nhân quyền và không tòa án nào có thể xét xử chúng.
Cùng năm, LHQ tổ chức hội nghị đầu tiên trong lịch sử về vũ khí robot với sự tham gia của nhiều gương mặt hàng đầu trong giới khoa học như nhà vật lý lừng danh Stephen Hawking và chuyên gia nổi tiếng thế giới về trí thông minh nhân tạo Noel Sharkey. Tại đó, ông Sharkey khẳng định: “Không nên trao quyền tự lựa chọn mục tiêu là con người cho các hệ thống vũ khí”, theo tạp chí TIME.
Mới đây, một nhóm các tổ chức phi chính phủ trên thế giới đã cùng lập website Campaign to Stop Killer Robots (Chiến dịch ngăn chặn robot giết người) thu hút nhiều nhân vật nổi tiếng, trong đó có người được trao giải Nobel Hòa bình năm 1997 Jody Williams. “Các cỗ máy có quyền tự chủ không có được khả năng đánh giá và thấu hiểu tình huống như con người. Vì thế, chúng không thể tự ra các quyết định phức tạp về mặt đạo đức, không thể phân biệt binh lính và dân thường cũng như không thể đánh giá mức độ tấn công. Hậu quả là những hệ thống vũ khí tự hành không thể tuân thủ luật pháp và các nguyên tắc thời chiến”, Campaign to Stop Killer Robots viết.
Bên cạnh đó, theo tờ The Telegraph, thách thức chung của các thế hệ robot quân sự là bảo đảm khả năng mã hoá để bảo vệ dữ liệu trước đòn tấn công tin tặc của đối phương. Ngoài nguy cơ mất thông tin, nguy cơ robot bị chiếm quyền điều khiển rồi “bắn lại quân mình” hoàn toàn có thể xảy ra.

Thuỵ Miên