29/11/2024

Tuần tra Biển Đông và sự lạ thường

Các hoạt động tuần tra bảo vệ tự do hàng hải và hàng không trên khu vực Biển Đông gần đây đã thể hiện sự lạ thường trong những việc vốn trước đây rất bình thường.

 

Tuần tra Biển Đông và sự lạ thường

 

Các hoạt động tuần tra bảo vệ tự do hàng hải và hàng không trên khu vực Biển Đông gần đây đã thể hiện sự lạ thường trong những việc vốn trước đây rất bình thường.



 


Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull (trái) và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe sẽ tập trung bàn các vấn đề về hợp tác kinh tế, quốc phòng và chiến lược - Ảnh: Reuters
Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull (trái) và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe sẽ tập trung bàn các vấn đề về hợp tác kinh tế, quốc phòng và chiến lược – Ảnh: Reuters

 

 

 

“Việc tuần tra trên biển và trên không là hoạt động quan trọng của Lực lượng quốc phòng Úc nhằm giữ ổn định và an ninh trong khu vực. Chúng tôi luôn tiến hành theo tinh thần xây dựng trong khu vực

Bộ trưởng 
Quốc phòng Úc MARISE PAYNE

Việc máy bay tuần thám của Úc thực thi quyền tự do hàng không trên Biển Đông đột nhiên trở nên sôi sục, nhất là sau khi tờ Thời Báo Hoàn Cầu của Bắc Kinh đe doạ với ngôn từ không e dè khác thường: “Tốt hơn hết máy bay quân sự của Úc đừng thường xuyên đến can dự ở Biển Đông, và đặc biệt là đừng nên thăm dò sự kiên nhẫn của Trung Quốc bằng cách bay quá gần các đảo của Trung Quốc. Úc đừng nghĩ rằng sẽ được hoan nghênh hay chấp nhận trên bầu trời xung quanh các lãnh thổ tranh chấp.

Người dân Trung Quốc chẳng hiểu nổi tại sao quân đội Úc lại can dự vào chuyện này, và thành thực mà nói, người dân Trung Quốc chẳng đủ kiên nhẫn để ngăn cho nội vụ nổ bùng lên. Hãy liệu hồn, sẽ “bể mặt” nếu như một ngày nào đó một chiếc máy bay bị rơi từ trên trời xuống, và đó là một máy bay Úc”.

Sự thật là không phải Úc nay “tham gia tuần tra Biển Đông” theo đuôi Mỹ. Đúng một tháng trước khi tham dự thượng đỉnh APEC tại Manila (Philippines), Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull đã tuyên bố tán thành việc Mỹ tiến hành tuần tra trên biển và trên không ở Biển Đông. Nhưng Úc sẽ không làm theo kiểu phối hợp với Mỹ.

Chuyến bay tuần thám được truyền thông Úc và Đài BBC của Anh “làm lớn chuyện” mấy ngày qua thật ra không phải là một hành động đột ngột của Úc, mà nằm trong khuôn khổ Chiến dịch Gateway (Cửa ngõ) của Úc đã thực thi từ những năm 1980, theo lời Phó đô đốc David Johnston, chỉ huy các hoạt động quốc phòng phối hợp của Úc, vừa thông báo với báo giới tại Canberra ngày 18-12. Ông còn công khai rõ là mỗi năm thực thi 4-8 đợt tuần tra và mỗi đợt kéo dài đến hai tuần.

Chiến dịch này, như tên gọi của nó, là để tuần tra an ninh “đường dẫn” đến Úc từ Ấn Độ Dương và từ Biển Đông vốn là một hạng mục của quan hệ quốc phòng song phương Úc – Malaysia nên máy bay Úc cất cánh từ căn cứ không quân Butterworth của Malaysia. Một trong những sứ mệnh đặt ra cho chiến dịch này chủ yếu là nhằm mục đích chống nạn buôn người, đưa người tị nạn từ Ấn Độ Dương và từ Biển Đông đổ về Úc.

Những chuyến bay quá đỗi bình thường ấy nay có sự lạ khi BBC cho biết cơ trưởng chiếc P3-Orion bay trên Trường Sa đã phải thông báo qua điện đài với hải quân Trung Quốc rằng đây là máy bay của Úc đang hành xử quyền tự do hành trình, trên không phận quốc tế, đúng với Công ước hàng không và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển. Việc BBC “phổ biến” vụ này không khác gì việc CNN trước đây “phổ biến” vụ máy bay Mỹ bị “xét giấy” tương tự, là những kênh không chính thức để loan báo tình hình dị thường này.

Có thể thấy: (1) Úc vẫn chỉ hành động như đã từng hành động cho đến trước khi xảy ra vụ này, không hơn, không kém; (2) Vụ “thông báo” và giải thích luật pháp quốc tế này đã chỉ xảy ra kể từ khi Bắc Kinh tạo hình hài một cách bất hợp pháp những “cái mô” trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam, án ngữ đường giao thông trên biển và trên không, khiến Úc phải đánh tiếng qua truyền thông; (3) Lần này, tình hình càng đáng lo ngại hơn khi tờ Thời Báo Hoàn Cầu, phụ bản tiếng Anh của Nhân Dân Nhật Báo, đã lớn tiếng doạ… sẽ bắn hạ nếu còn bay tiếp.

“Đắp mô” trên biển rồi chặn đường, chặn sá đã là sái luật rồi, lại còn đe dọa sinh mạng nữa, e rằng cuộc “phát triển hoà bình” và “Trung Quốc mộng” đã hiện nguyên hình là “luật rừng” theo kiểu: “Hãy chịu thần phục ta mà đừng “nhúc nhích” gì cả cho nó “lành”!” – như hàm ý của “nhà chép sử Trung Quốc tân thời” là Henry Kissinger nêu trong cuốn World Order (Trật tự thế giới).

Có điều người Úc không chịu tuân theo cái “trật tự thế giới” đó nên trưa 18-12, trong chuyến công du tại Nhật, Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull đã đáp trả: “Úc tuyệt đối dấn thân với quyền tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông”. Chẳng phải vì tranh giành gì, mà vì tự do chính là cốt lõi của con người, và làm người thì phải biết bảo vệ tự do của mình trên hết mọi sự.

Trung Quốc lại tập trận trên Biển Đông

Hôm qua, Reuters dẫn nguồn từ Nhật Báo Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc cho biết Bắc Kinh vừa tiến hành tập trận trên Biển Đông hôm 16-12 với sự tham gia của tàu chiến, tàu ngầm và máy bay chiến đấu theo cách mô phỏng một cuộc chiến tranh trên biển.

Như mọi khi, Trung Quốc không nêu rõ địa điểm mà chỉ nói tại một khu vực “rộng hàng ngàn kilômet vuông” trên Biển Đông. Theo báo Trung Quốc, các lực lượng tham gia tập trận được chia thành hai đội đỏ và xanh. Các kịch bản diễn tập lần lượt được hai đội thực hiện, bao gồm cả đối phó với một cuộc tấn công bằng tên lửa bất ngờ của bên thứ ba vào một tàu thương mại.

Hôm 13-12, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng thông báo hải quân nước này gần đây đã tiến hành một đợt tập trận bắn đạn thật trên Biển Đông “theo kế hoạch huấn luyện đã lên lịch trước”. Duy Linh

DANH ĐỨC