10/01/2025

Việt Nam hạ lãi suất tiền gửi USD về 0%

Tỷ giá VND/USD được dự báo chịu sức ép rất lớn sau quyết định điều chỉnh lãi suất tăng thêm 0,25% của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vào rạng sáng hôm qua (giờ VN).

 

Việt Nam hạ lãi suất tiền gửi USD về 0%

 

Tỷ giá VND/USD được dự báo chịu sức ép rất lớn sau quyết định điều chỉnh lãi suất tăng thêm 0,25% của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vào rạng sáng hôm qua (giờ VN).




 

Tỷ giá sẽ chịu áp lực sau quyết định của Fed - Ảnh: Ngọc Thắng

Tỷ giá sẽ chịu áp lực sau quyết định của Fed – Ảnh: Ngọc Thắng


Thế nhưng gần như cùng lúc Ngân hàng Nhà nước VN (NHNN VN) đưa ra quyết định hạ lãi suất tiền gửi USD cá nhân về 0% kỳ vọng sẽ làm giảm đáng kể áp lực tỷ giá của đồng tiền này.

Lần đầu tiên trong gần một thập niên qua, Fed đã quyết định nâng lãi suất USD thêm 0,25%. Fed còn phát tín hiệu, lãi suất sẽ tiếp tục được nâng lên từ từ trong năm 2016.
 
 
Sau quyết định của Fed, hôm qua (17.12), tỷ giá do các NH niêm yết tiếp tục duy trì ở mức kịch trần 22.547 đồng/USD. Tuy nhiên, dấu hiệu căng thẳng dịu bớt khi các nhà băng giảm giá mua USD so với các ngày trước đó về mức 22.517 đồng/USD. Chênh lệch mua vào – bán ra khoảng 30 đồng. Trong khi đó, trên thị trường tự do ghi nhận tại Hà Nội, tỷ giá mua vào 22.730 đồng/USD, bán ra 22.700 – 22.800 đồng/USD.

Giá vàng SJC sau khi tăng dè dặt vào buổi sáng 17.12, đến chiều đã giảm và dao động quanh mức 33 triệu đồng/lượng. Giá niêm yết cuối giờ chiều 17.12 của Công ty vàng bạc đá quý SJC mua vào 32,79 triệu đồng/lượng, bán ra 33,06 triệu đồng/lượng. 

 

TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định, quyết định này sẽ tác động lớn đến các nền kinh tế trên thế giới, trong đó có VN. Đầu tiên là lãi suất USD tại các tổ chức tín dụng trên thế giới sẽ gia tăng, kéo theo lãi suất mua xe, mua nhà, cho vay, tiết kiệm tăng theo; các khoản nợ công và đặc biệt sức ép đè nặng lên tỷ giá hối đoái.

Đồng quan điểm trên, TS Lê Xuân Nghĩa – Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển kinh doanh BDI phân tích, điểm đáng chú ý là biến động trên thị trường ngoại hối không xuất phát từ căng thẳng cung – cầu ngoại tệ. Bởi hiện nay với cán cân thương mại đang xuất siêu (tháng 11 xuất siêu 260 triệu USD), dòng vốn FDI giải ngân tăng, kiều hối chuyển về nước vẫn lớn…, rõ ràng nguồn cung ngoại tệ không thiếu hụt so với cầu. “Kể từ đầu tuần đến nay, tỷ giá tăng kịch trần, giá bán có lúc bằng giá mua không loại trừ có yếu tố đầu cơ dựa vào tâm lý FED tăng lãi suất”, ông Nghĩa đánh giá.
TS Nguyễn Trí Hiếu kể, ngay bạn bè của ông khi nhận được USD từ nước ngoài về cũng có tâm lý chờ đợi tỷ giá lên, bán ra kiếm chút ít lời. Cũng có các điểm kinh doanh ngoại tệ bất hợp pháp ở bên ngoài hay còn gọi là “chợ đen” găm giữ USD, thổi giá tăng lên. Nhưng họ không thể là dân đầu cơ, bởi hiện tại 90% giao dịch ngoại tệ đang nằm trong hệ thống các NH thương mại”, ông Hiếu nói và nhận định chỉ có các NH thương mại được phép kinh doanh ngoại tệ, chiếm hầu hết thị phần kinh doanh ngoại hối mới có thể có tác động lớn đến thị trường ngoại tệ trong nước.
Hạ lãi suất tiền gửi cá nhân bằng USD về 0%/năm
Tối qua 17.12, NHNN VN đã phát đi thông báo ban hành Quyết định số 2589/QĐ-NHNN ngày 17.12.2015 về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng USD của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài sẽ thay thế Quyết định số 1938/QĐ-NHNN ban hành ngày 25.9.2015 trước đó. Theo đó, mức lãi suất áp dụng đối với tiền gửi của tổ chức (trừ tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) cũng như cá nhân đều là 0%/năm. Hiệu lực của quyết định bắt đầu từ hôm nay 18.12.
NHNN khẳng định, quyết định giảm lãi USD về 0%/năm nhằm tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ để thực hiện chủ trương chống đô la hoá của Chính phủ, chuyển từ quan hệ huy động – cho vay bằng ngoại tệ sang quan hệ mua – bán bằng ngoại tệ. Trước đó, quy định mức lãi suất áp dụng đối với tiền gửi của tổ chức (trừ tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài) tại Quyết định số 1938/QĐ-NHNN là 0%/năm; mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi của cá nhân là 0,25%/năm.
Các chuyên gia cho rằng, với động thái này, trước mắt NHNN sẽ tạo được “tấm khiên” che chắn áp lực tỷ giá trước thông tin Fed tăng lãi suất cơ bản USD, giúp ổn định thị trường ngoại tệ trong nước. Tuy nhiên về lâu dài cần có một tỷ giá linh hoạt hơn.
Ứng phó các tác động được báo trước
 
 
 

 

Chứng khoán khắp nơi tăng mạnh

Sau khi Fed tăng lãi suất, thị trường chứng khoán (TTCK) châu Á, châu Âu ngày hôm qua 17.12 có một phiên tăng khá mạnh. Hầu hết các chỉ số chứng khoán chủ chốt đều tăng với hàng loạt mã cổ phiếu tăng giá mạnh. Ở VN, cả hai chỉ số VN-Index và HNX-Index lần lượt tăng thêm 0,8% và 0,21%. Chốt phiên VN-Index đóng cửa ở mức 577,11 điểm và HNX-Index đạt mức 79,33 điểm. Nhóm cổ phiếu blue-chips vẫn là tâm điểm của các nhà đầu tư. Tổng cộng cả hai sàn có 130,1 triệu cổ phiếu và chứng chỉ quỹ được giao dịch thành công, đạt tổng trị giá 2.069,7 tỉ đồng. 

 

Theo dõi biến động thị trường cũng như đánh giá quyết định của Fed lên tỷ giá, bà Nguyễn Thị Hồng – Phó thống đốc NHNN cho rằng, tình hình vẫn hoàn toàn được kiểm soát và không có gì đáng ngại. Theo bà Hồng, mức tăng 0,25% đã được phản ánh vào tỷ giá ngay từ đầu năm 2015, kể cả chính sách tiền tệ. Quyết định này của Fed đã được dự báo từ rất sớm. Những biến động nhất thời về tỷ giá này hoàn toàn không do tác động của thiếu hụt nguồn cung USD. “Đây chủ yếu là do tác động của yếu tố tâm lý. Các NH vẫn đáp ứng đầy đủ nhu cầu ngoại tệ của người dân và doanh nghiệp. Chúng tôi đang theo dõi sát tình hình, sẵn sàng dùng các công cụ tiền tệ can thiệp giữ ổn định thị trường”, bà Hồng khẳng định.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long dự báo, từ nay đến cuối năm sẽ không có điều chỉnh tỷ giá vì chỉ còn 2 tuần. Nhưng từ năm 2016, áp lực lên tỷ giá là rất lớn, và là thách thức cho VN trong việc điều hành tỷ giá. Bởi đây có thể mới chỉ là đợt đầu tiên trong 4 đợt điều chỉnh lãi suất sắp tới của Fed trong năm 2016. TS Lê Đăng Doanh cho rằng: “Cần sớm có quyết định kịp thời điều chỉnh tỷ giá, tạo điều kiện tăng sức cạnh tranh cho xuất khẩu”.
TS Cao Sỹ Kiêm cũng đồng tình, chưa cần phải điều chỉnh tỷ giá ngay lập tức nhưng cũng không thể chậm chân hơn các nước khác, vì chậm chân hơn nghĩa là vốn sẽ bị chảy về chỗ trũng, trong khi các nhà xuất khẩu của VN càng mất lợi thế cạnh tranh hơn so với các đối thủ, nhất là khi hội nhập với các cam kết FTA đã cận kề.
Tác động lớn thứ hai sau quyết định của Fed lên VN, theo các chuyên gia nằm ở các khoản vay nợ, bảo lãnh nước ngoài của Chính phủ bằng USD. TS Cấn Văn Lực bình luận: “Nợ công sẽ tăng lên do cấu trúc nợ của chúng ta liên quan nhiều đến USD. Ngoài ra, lãi suất vay nợ nước ngoài nhìn chung sẽ tăng theo. Cũng như vậy, nợ của doanh nghiệp vay bằng USD trong và ngoài nước sẽ bị đẩy lên làm chi phí vốn vay của doanh nghiệp trở nên đắt đỏ hơn”.
Theo Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, không nên quá lo ngại về tình trạng rút vốn ồ ạt của các nhà đầu tư ngoại. Bởi dòng vốn FDI vào VN vẫn đang gia tăng, Chính phủ cam kết bảo đảm môi trường vĩ mô ổn định và đưa ra chính sách khuyến khích dòng vốn này. Bên cạnh đó, tỷ trọng dòng vốn đầu tư gián tiếp (FII) trên thị trường tài chính không lớn nên cũng không có áp lực.

Thanh Niên