11/01/2025

Sức mạnh không gian Nga ở Syria

Sức mạnh không gian của Nga đang được huy động toàn lực trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Syria.

 

Sức mạnh không gian Nga ở Syria

 

Sức mạnh không gian của Nga đang được huy động toàn lực trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Syria.




Bộ Quốc phòng Nga công bố ảnh chụp vệ tinh các đoàn xe chở dầu của IS - Ảnh: Reuters

Bộ Quốc phòng Nga công bố ảnh chụp vệ tinh các đoàn xe chở dầu của IS – Ảnh: Reuters


Trong suốt 2 tháng can thiệp quân sự theo yêu cầu của chính quyền Syria, Điện Kremlin đã lần lượt tung các chiến đấu cơ hiện đại, oanh tạc cơ hạng nặng, hệ thống phòng không tối tân và thậm chí triển khai cả tàu chiến lẫn tàu ngầm phóng tên lửa từ xa.

Bên cạnh những quả tên lửa cháy rực trên bầu trời Tây Á, có những lực lượng khuất tầm mắt người nhưng không kém phần ấn tượng đang được Nga “bài binh bố trận” trên quỹ đạo trái đất.
Theo trang The Daily Beast, Moscow đã bố trí khoảng một chục vệ tinh, chiếm hơn 10% kho vệ tinh không gian của Nga, đến quỹ đạo trên bầu trời Syria để lập bản đồ địa hình, đánh dấu mục tiêu, thu thập thông tin tình báo, truyền dẫn tín hiệu vô tuyến giữa các lực lượng trên bộ, trên không và trên biển.
Hoạt động của dàn vệ tinh Nga bắt đầu được giới chức nước này tiết lộ vào giữa tháng 11, thông qua các tuyên bố chính thức và tường thuật của giới truyền thông nhà nước. Đến đầu tháng 12, Moscow đã cung cấp ảnh chụp từ vệ tinh trong nỗ lực chứng minh Thổ Nhĩ Kỳ, một trong những đối thủ của Nga tại Syria, đang tiếp tay cho phe IS xuất khẩu dầu ra khỏi biên giới Syria. “Nga hiện triển khai một trong những nhóm vệ tinh lớn nhất và hiệu quả nhất thế giới, vốn đang hoạt động hết công suất trong các chiến dịch quân sự tại Syria”, theo trang tin Russia Beyond the Headlines thuộc chính phủ Nga.
Trước đó, ngày 17.11, Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga, đại tướng Valery Gerasimov đã thông báo vắn tắt về việc triển khai nhóm 10 vệ tinh trên bầu trời Syria mà không tiết lộ chủng loại. Tuy nhiên, ông cũng cho biết các vệ tinh chủ yếu tập trung vào hoạt động do thám.
Mắt thần trong không gian
 
 

 

Tiếp năng lượng cho vệ tinh bằng laser

RIA-Novosti dẫn thông tin từ Cơ quan Không gian liên bang Nga (Roscosmos) tiết lộ cơ quan này đang lên kế hoạch triển khai một cuộc thí nghiệm độc nhất vô nhị, cho phép truyền điện năng giữa các vệ tinh bằng chùm tia laser và thiết bị chuyển đổi quang năng. Công nghệ mới có thể được sử dụng cho các vệ tinh phức tạp hoặc phương tiện quân sự trên không gian. Theo đó, các chuyên gia thuộc Tập đoàn tên lửa và không gian Energia dự định sẽ truyền năng lượng từ khoang vũ trụ của Nga trên Trạm không gian quốc tế (ISS) đến phi thuyền chở hàng Progress 50 ở khoảng cách 1,5 km bằng chùm tia laser. “Một số phòng thí nghiệm hàng đầu của Nga đang tham gia dự án, và chúng tôi đã trang bị sẵn bộ tiếp và chuyển đổi điện quang với hiệu suất đạt 60%”, theo Vyacheslav Tugaenko – người đại diện của Energia. Chưa rõ khi nào cuộc thí nghiệm trên sẽ được thực hiện.

 

 

Theo phân tích của chuyên gia độc lập về chương trình không gian Nga Anatoly Zak, tổ hợp trên có thể bao gồm vệ tinh trắc địa thế hệ mới Bars-M, vệ tinh tiếp sóng vô tuyến Garpun, vệ tinh nghe lén điện tử Lotos-S, các vệ tinh hiện đại Resurs-P2 và Persona. Trong số đó, đáng gờm nhất là hai vệ tinh trinh sát Resurs-P2 và Persona, vốn sở hữu các camera có độ phân giải cao.

Theo giới phân tích, Persona là hệ thống “mắt thần” hoàn toàn phục vụ cho mục đích quân sự, và cũng là vệ tinh trinh sát tối tân của Nga. Còn Resurs-P2 là phiên bản ít phức tạp hơn của Persona, dùng cho hoạt động quân sự lẫn dân sự. “Nó có thể được điều khiển để chụp ảnh từng mục tiêu riêng biệt trên bề mặt trái đất, hoặc quét qua những dải đất rộng đến 2.000 km”, theo chuyên gia Zak.
Dẫn các nguồn chính thức, chuyên gia Nga này ước tính mỗi ngày Resurs-P2 có thể bao phủ diện tích 80.000 km2 ở chế độ phân giải cao, tương đương phân nửa lãnh thổ trên bộ của Syria.
Sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay cường kích Su-24 của Nga, Bộ Quốc phòng Nga ngày 3.12 đã tung ra các bức ảnh vệ tinh chụp cảnh hàng ngàn xe bồn chở dầu nối đuôi nhau đến một cảng của Thổ, kèm theo lời tố cáo đây là những đoàn xe của IS. Theo chuyên gia Zak, những bức ảnh này rõ ràng được chụp bằng các vệ tinh Persona hoặc Resurs-P2.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã bác bỏ mọi cáo buộc cho rằng Ankara dính líu đến hoạt động buôn lậu dầu của IS. Tuy nhiên, dù sự thật thế nào đi chăng nữa, những hình ảnh do Nga cung cấp là sự nhắc nhở rõ ràng rằng chiến dịch của Moscow tại Syria không chỉ bao gồm các lực lượng truyền thống, mà trên thực tế sự can thiệp của Điện Kremlin còn mở rộng lên đến độ cao hàng trăm ki lô mét trong không gian.

Thuỵ Miên