11/01/2025

Mở rộng mô hình câu cá ngừ với thiết bị Nhật

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn yêu cầu Tổng cục Thuỷ sản xây dựng chính sách chuyên biệt khuyến khích ngư dân, DN liên kết sản xuất theo chuỗi cá ngừ đại dương

Mở rộng mô hình câu cá ngừ với thiết bị Nhật

 

 

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn yêu cầu Tổng cục Thuỷ sản xây dựng chính sách chuyên biệt khuyến khích ngư dân, DN liên kết sản xuất theo chuỗi cá ngừ đại dương.




Ngày 17-12, tại hội nghị tổng kết năm đầu tiên thực hiện đề án “Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi”, diễn ra tại tỉnh Khánh Hoà, ông Vũ Văn Tám – thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn – yêu cầu Tổng cục Thủy sản nghiên cứu, đề xuất xây dựng chính sách chuyên biệt để kiến nghị Chính phủ xem xét ban hành chính sách khuyến khích ngư dân, doanh nghiệp liên kết sản xuất theo chuỗi cá ngừ đại dương, giải quyết những vướng mắc lớn về vay vốn ngân hàng, hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng công nghệ hiện đại…

Ngoài ra, ông Tám cũng đề nghị các cơ quan chức năng thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng ba tỉnh tham gia thí điểm đề án là Bình Định, Phú Yên và Khánh Hoà cần nghiên cứu khai thác cá ngừ hiệu quả, bền vững, nâng giá trị và lợi nhuận của cá ngừ lên. “Phải xác định sản phẩm nào là thế mạnh của cá ngừ VN trong tương lai để đầu tư xứng đáng.

Tiếp tục nhân rộng mô hình các tàu câu cá ngừ đại dương có thiết bị của Nhật Bản và thiết bị nghiên cứu cải tiến được để đưa cho ngư dân ứng dụng; Bình Định và Phú Yên tập trung xây dựng hoàn thiện cảng cá ngừ chuyên dụng, còn Khánh Hoà xây dựng trung tâm nghề cá lớn của khu vực.

Trong năm 2016, kho lạnh ở đảo Đá Tây (huyện đảo Trường Sa, Khánh Hòa) sẽ được đưa vào hoạt động, giúp ngư dân đánh bắt cá ngừ ở ngư trường Trường Sa và doanh nghiệp có điều kiện bảo quản cá đạt chất lượng tốt nhất, kéo dài chuyến biển hơn…” – ông Tám cho hay.

Được biết trong năm đầu triển khai, các địa phương tham gia đề án thí điểm đã xây dựng được sáu mô hình chuỗi khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ, trong đó đáng chú ý như mô hình doanh nghiệp tự tổ chức các ngư đội và tàu hậu cần để khai thác, chế biến, tiêu thụ ở Khánh Hoà; mô hình doanh nghiệp VN liên kết với Nhật Bản để áp dụng công nghệ mới từ tàu thuyền, ngư cụ, phương pháp tổ chức khai thác, bảo quản và xuất khẩu cá ngừ tại Bình Định, Khánh Hoà…

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Trung – vụ trưởng Vụ Khai thác thuỷ sản thuộc Tổng cục Thuỷ sản, không chỉ sản lượng khai thác giảm so với năm trước, chỉ khoảng 70% tàu câu cá ngừ đại dương đủ chi phí và có lãi, 30% tàu bị lỗ.

“Nhiều chủ tàu câu cá ngừ đại dương chuyển sang khai thác đối tượng khác hoặc kiêm nghề khác. Tỉ lệ cá đạt chất lượng làm sashimi, xuất khẩu bằng máy bay chỉ chiếm 30-40%; kim ngạch xuất khẩu cá ngừ tính đến ngày 15-11-2015 được hơn 408,6 triệu USD, giảm 4,1% so với cùng kỳ 2014…” – ông Trung nói.

36.400 tỉ đồng xây dựng cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền

Mô hình khai thác cá ngừ đại dương hiệu quả của liên doanh Việt - Nhật thực hiện tại Khánh Hòa - Ảnh: Duy Thanh
Mô hình khai thác cá ngừ đại dương hiệu quả của liên doanh Việt – Nhật thực hiện tại Khánh Hoà – Ảnh: Duy Thanh

Chiều 17-12 tại Khánh Hoà, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức triển khai quyết định 1976/QĐ-TTg ngày 12-11-2015 của Chính phủ về quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng năm 2030.

Theo đó đến năm 2020, tại 28 tỉnh, thành phố ven biển cả nước sẽ xây dựng được 125 cảng cá và 146 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá.

Định hướng đến năm 2030, sẽ hoàn thiện hệ thống cảng cá theo hướng công nghiệp, hiện đại; gắn kết các cảng cá với khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá để hình thành nên những trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá hiện đại, đồng bộ; hoàn thiện hệ thống cảng cá và khu neo đậu ở các đảo, đặc biệt tại hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Tổng mức đầu tư cho các dự án này từ năm 2016-2030 là 36.400 tỉ đồng.

 

DUY THANH