29/11/2024

‘Giải cứu’ heo sạch

Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai ráo riết lập kênh tiêu thụ và phân phối heo sạch tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn, giúp người chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm và người tiêu dùng tiếp cận với thực phẩm an toàn.

 

‘Giải cứu’ heo sạch

 

Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai ráo riết lập kênh tiêu thụ và phân phối heo sạch tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn, giúp người chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm và người tiêu dùng tiếp cận với thực phẩm an toàn.



 


Trang trại nuôi heo VietGAP của anh Nguyễn Ngọc Tiến, thành viên nhóm hợp tác sản xuất heo sạch Quang Trung - Ảnh: Lê Lâm

Trang trại nuôi heo VietGAP của anh Nguyễn Ngọc Tiến, thành viên nhóm hợp tác sản xuất heo sạch Quang Trung – Ảnh: Lê Lâm


“Quá khứ” cay đắng

Vào năm 2010, Sở NN-PTNT Đồng Nai triển khai dự án Xây dựng vùng thực hành chăn nuôi tốt (VietGAP) nhằm tạo ra sản phẩm heo sạch, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh cho các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ. Thế nhưng, trong gần 5 năm qua, hàng trăm ngàn con heo sạch được nuôi theo tiêu chuẩn Vietgap được bán cho thương lái như… heo thường.

 
 
‘Giải cứu’ heo sạch - ảnh 1

 

Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai sẽ đứng ra thu mua sản phẩm của các hộ chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, giúp người chăn nuôi giải quyết đầu ra ổn định cho sản phẩm sạch, người tiêu dùng sẽ có cơ hội tiếp cận với thực phẩm đảm bảo nguồn gốc, chất lượng

 

 
 

 

‘Giải cứu’ heo sạch - ảnh 2
 

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai

 
Tham gia nuôi heo sạch cách đây 3 năm, anh Nguyễn Ngọc Tiến (ngụ xã Quang Trung, H.Thống Nhất; thành viên nhóm hợp tác sản xuất heo sạch Quang Trung) cho hay: “Nuôi heo tiêu chuẩn VietGAP khắt khe, tốn thời gian và chi phí rất nhiều so với nuôi thường, từ việc vệ sinh chuồng trại, vệ sinh môi trường đến chế độ ăn uống, tiêm vắc xin, ghi nhật ký chăn nuôi… Thế nhưng, khi xuất chuồng chỉ biết bán cho thương lái với giá như heo thường, không xứng đáng công sức bỏ ra. Chưa kể, khi thị trường mất ổn định thì mình cũng bị ảnh hưởng, rớt giá theo”. Còn ông Lương Hồng Đoán, Trưởng nhóm GAHP (xã Xuân Phú, H.Xuân Lộc), bày tỏ: “Thương lái họ đem giết mổ, tiêu thụ ở đâu mình cũng không biết. Có khi họ đem heo sạch của mình trộn chung với heo thường, heo bệnh rồi đem bán cho người tiêu dùng, làm chúng tôi bị ảnh hưởng”.
Trong khi người chăn nuôi lao đao thì nhà máy giết mổ heo sạch cũng khốn đốn và cuối cùng là… đóng cửa. Ngày 18.12, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Tuấn Phương, Giám đốc Nhà máy chế biến thực phẩm Đồng Nai (D&F) thuộc Tổng công ty công nghiệp thực phẩm Đồng Nai, cho biết dây chuyền giết mổ của nhà máy (đóng trên địa bàn H.Trảng Bom) vẫn chưa hoạt động trở lại từ khi đóng cửa vào tháng 4.2014 do thua lỗ triền miên. Theo ông Phương, Nhà máy D&F có vốn đầu tư trên 100 tỉ đồng, đi vào hoạt động năm 2007 với hai dây chuyền giết mổ heo công suất 100 con/giờ và dây chuyền giết mổ gà công suất 2.000 con/giờ, đều nhập từ châu Âu. “Theo công suất thiết kế trung bình 1 ca (6 giờ đồng hồ) giết mổ khoảng 400 – 500 con heo. Nhưng từ lúc hoạt động đến lúc phải dừng chưa khi nào đạt được một nửa công suất, cao lắm chỉ được 20%. Do sản lượng quá thấp nên giá thành tăng cao. Giả sử nếu đạt khoảng 400 con/ca trở lên thì giá thành giết mổ xấp xỉ 50.000 – 60.000 đồng/con. Còn mổ chỉ 100 con/ca thì giá thành lên đến 170.000 đồng/con. Nếu hạ giá để cạnh tranh với lò mổ bên ngoài thì lỗ nặng”, ông Phương phân tích nguyên nhân đóng cửa nhà máy giết mổ sạch.
Cũng theo ông Phương, lý do nhà máy không thu hút được nguồn hàng vì người dân có thói quen đưa heo vào các lò mổ lậu bên ngoài: “Ở các lò mổ chính thống chỉ mổ heo sạch, đồng thời yêu cầu phải kiểm tra nguồn gốc, kiểm soát của thú y… khiến mọi người ngại. Vì thế, họ đưa heo đến các lò mổ lậu, chẳng ai kiểm tra, lại chấp nhận heo nào cũng mổ”.
Mở 7 kênh tiêu thụ heo VietGAP
Trao đổi về thực trạng nói trên, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, nhìn nhận: “Đó là vòng luẩn quẩn bao năm qua, heo VietGAP vẫn không khác với heo thường, giá và lợi nhuận không cao. Nhưng sắp tới, heo VietGAP sẽ có cơ hội phát triển, xứng với địa vị của mình khi hiệp hội mở được các kênh tiêu thụ”.
Theo ông Đoán, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đang xúc tiến mở 7 điểm bán thịt heo, gà VietGAP tại 3 khu vực trên địa bàn, gồm 5 điểm tại TP.Biên Hoà (chợ Sặt, chợ Tam Hoà, chợ Tân Hiệp, chợ Biên Hoà, chợ Tân Phong), 2 điểm ở chợ Quảng Biên (H.Trảng Bom) và chợ Gia Kiệm (H.Thống Nhất). Cụ thể, hiệp hội sẽ đứng ra thu mua sản phẩm của các hộ chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, giúp người chăn nuôi giải quyết đầu ra ổn định cho sản phẩm sạch, người tiêu dùng sẽ có cơ hội tiếp cận với thực phẩm đảm bảo nguồn gốc, chất lượng. Bên cạnh đó, hiệp hội còn liên hệ thuê một phần chợ Tân Biên đang bỏ hoang, đầu tư làm đầu mối tập trung toàn bộ thịt heo về để Chi cục Thú y kiểm tra các chất cấm độc hại xong mới được đưa đến các quầy sạp bán đến tay người tiêu dùng.
“Trước mắt là phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, về lâu dài để hình thành chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi an toàn, sinh học từ trang trại đến bàn ăn. Bước đầu, giá bán thịt VietGAP tại các quầy sạp này sẽ ngang bằng với giá bán các loại thịt thông thường trên thị trường”, ông Đoán cho hay.
Ngày 12.12, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai có tờ trình gửi UBND tỉnh kiến nghị được hỗ trợ về mặt pháp lý cũng như tăng cường sự phối hợp với địa phương về việc mở các điểm bán heo, gà sạch. Hai ngày sau, UBND tỉnh Đồng Nai đã có công văn trả lời, chấp thuận kiến nghị nêu trên.
Theo thống kê của Sở NN-PTNT Đồng Nai, hiện toàn tỉnh xây dựng được 3 vùng VietGAP tại các H.Thống Nhất, Xuân Lộc và TX.Long Khánh, gồm 52 nhóm với 1.042 hộ tham gia, trong đó có 473 hộ đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn.

Lê Lâm