29/11/2024

Nga điểm mặt nghi phạm bắn chết phi công

Nga chỉ đích danh người bị nghi sát hại phi công nước này sau vụ máy bay Su-24 bị bắn hạ cuối tháng 11, đồng thời nêu 3 điều kiện để khôi phục quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ.

 

Nga điểm mặt nghi phạm bắn chết phi công

 

Nga chỉ đích danh người bị nghi sát hại phi công nước này sau vụ máy bay Su-24 bị bắn hạ cuối tháng 11, đồng thời nêu 3 điều kiện để khôi phục quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ.



 


Alparslan Celik, người bị cáo buộc sát hại phi công Nga - Ảnh: Fars News

Alparslan Celik, người bị cáo buộc sát hại phi công Nga – Ảnh: Fars News

Trong cuộc phỏng vấn với tờ Hurriyet Daily News đăng hôm qua 15.12, Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ Andrey Karlov tuyên bố một công dân Thổ Nhĩ Kỳ tên Alparslan Celik đã bắn chết phi công Oleg Peshkov ngày 24.11.

Khi đó, ông Peshkov đang nhảy dù khỏi chiếc Su-24 bị tiêm kích Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ do cáo buộc vi phạm không phận, dẫn đến căng thẳng dâng cao chưa từng có giữa 2 nước. “Chính Alparslan Celik đã ra tay với phi công của chúng tôi. Hắn đứng trước máy quay để khoe chiến tích và còn trưng ra một phần chiếc dù của ông Peshkov”, Đại sứ Karlov nói.
Theo truyền thông Nga, Celik là con trai của một cựu Thị trưởng TP.Keban, thuộc tỉnh Elazig, miền đông Thổ Nhĩ Kỳ. Hơn nữa, người này thuộc nhóm vũ trang Sói xám theo đường lối dân tộc chủ nghĩa cực đoan bị cho là có quan hệ với đảng cầm quyền của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. 
Ankara chưa bình luận về các thông tin trên.
Cũng trong cuộc phỏng vấn, Đại sứ Karlov đưa ra 3 điều kiện để Nga khôi phục quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ. Trước hết, chính quyền Ankara phải xin lỗi về hành động bắn hạ máy bay. Hai là phải truy lùng và trừng phạt những kẻ chịu trách nhiệm. Điều kiện cuối cùng là Thổ Nhĩ Kỳ phải bồi thường cho Nga. “Nếu các điều kiện của chúng tôi không được đáp ứng, những tuyên bố khác của Thổ Nhĩ Kỳ đều chẳng đem lại lợi ích gì”, ông nhấn mạnh. 
Đến nay, giới lãnh đạo cấp cao của Ankara vẫn tỏ ra kiên quyết không chịu xin lỗi và khẳng định bắn hạ Su-24 là hành động bảo vệ chủ quyền.
Căng thẳng Nga – Thổ Nhĩ Kỳ cũng được cho là một trong những nội dung thảo luận giữa Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Mỹ John Kerry tại Moscow ngày 15.12, vì đây là nhân tố rất quan trọng trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS) lẫn quá trình tìm kiếm giải pháp hoà bình cho Syria. AFP dẫn lời ông Kerry cho biết Washington mong muốn đạt được “tiến bộ thực sự” trong việc thu hẹp khác biệt với Moscow liên quan đến cách thức chấm dứt xung đột tại Syria. Mỹ đang dựa vào Nga để lôi kéo Tổng thống Syria Bashar Al-Assad vào bàn đàm phán, còn Ả Rập Xê Út đang tập hợp một liên minh nhằm thay mặt phe nổi dậy tiến hành thương thảo. Đang có hy vọng rằng nếu các bên ở Syria đồng ý ngừng bắn, Nga và liên minh do phương Tây dẫn đầu có thể tập trung đối phó IS.
IS mua vũ khí hoá học “qua ngả Thổ Nhĩ Kỳ”
Đài RT hôm qua 15.12 dẫn lời nghị sĩ đối lập Thổ Nhĩ Kỳ Eren Erdem cáo buộc “thế lực nào đó trong nước” tiếp tay để IS thu mua vũ khí hoá học và nguyên liệu để chế tạo chất độc thần kinh sarin.
Tại một cuộc họp ở quốc hội mới đây, ông Erdem đã trưng ra bản sao hồ sơ của vụ án hình sự mang số 2013/20. Trong đó, một số công dân Thổ bị phát hiện đã tham gia thương thảo với đại diện của IS về việc cung cấp khí sarin. Giới chức đã bắt giữ 13 người trong vụ việc nhưng vụ án bất ngờ bị khép lại và toàn bộ nghi phạm lập tức trốn sang Syria. Ông Erdem còn tuyên bố “có bằng chứng cho thấy Tập đoàn công nghiệp cơ khí và hoá chất Thổ Nhĩ Kỳ dính líu vào vụ việc và được chính quyền che giấu”. Các cơ quan hữu trách của nước này chưa đưa ra phản ứng nào.

Trùng Quang