Mỹ đồng ý để Tổng thống Syria tại vị
Mỹ đã tỏ dấu hiệu không tìm cách lật đổ chính phủ Syria mà để nhân dân nước này quyết định số phận của Tổng thống Bashar al-Assad.
Mỹ đồng ý để Tổng thống Syria tại vị
Mỹ đã tỏ dấu hiệu không tìm cách lật đổ chính phủ Syria mà để nhân dân nước này quyết định số phận của Tổng thống Bashar al-Assad.
“Mỹ và các đối tác sẽ không tìm cách thay đổi chế độ ở Syria”, AP dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ John Kerry phát biểu hôm qua sau cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moscow.
Ông Kerry đến Nga từ ngày 15.12 với mong muốn dàn xếp bất đồng với Nga để tiến đến giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ở Syria. Dù khẳng định Mỹ vẫn tin rằng “không có khả năng Tổng thống Al-Assad tiếp tục cầm quyền trong tương lai”, Ngoại trưởng Kerry nói các cuộc thảo luận tại Nga không tập trung vào việc “những gì có thể và không thể làm gì ngay hiện nay về ông Al-Assad” mà vào tiến trình chính trị giúp người dân Syria có thể tự chọn người lãnh đạo cho mình.
Những phát biểu nói trên là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy Mỹ đang điều chỉnh chính sách theo hướng phần nào nhượng bộ quan điểm của Nga về Syria. Suốt thời gian dài, Washington khăng khăng đòi Tổng thống al-Assad phải ra đi ngay lập tức nhưng đến gần đây, nhiều quan chức úp mở rằng nhà lãnh đạo này “vẫn có thể tại vị trong một giai đoạn chuyển tiếp”. Theo giới quan sát, thay đổi này xuất phát từ tình hình ngày càng phức tạp tại Trung Đông, đặc biệt là các bên cần tập trung cho cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS). Trong đó, quân chính phủ Syria cũng đóng vai trò đáng kể.
Trước cuộc gặp hơn 3 tiếng rưỡi với Tổng thống Putin, Ngoại trưởng Kerry cũng đã thảo luận với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov. “Bất chấp những quan điểm khác biệt giữa 2 nước, chúng ta đã chứng minh Nga và Mỹ đang đi cùng hướng”, ông Kerry nói còn các nhà lãnh đạo Nga gọi các cuộc hội đàm này “mang tính thực chất về những vấn đề rất quan trọng”.
Theo Reuters, 2 nước nhất trí sẽ tham gia cuộc họp tiếp theo của Nhóm quốc tế về hỗ trợ Syria vào ngày 18.12 ở New York, đồng thời nhất trí việc xác định nhóm vũ trang nào ở Syria là khủng bố và nhóm nào có thể tham gia tiến trình hoà bình. Đang có hy vọng rằng nếu một thoả thuận ngừng bắn được xác lập ở Syria, Nga lẫn liên minh do phương Tây dẫn đầu có thể tập trung đối phó IS dù khả năng Moscow và Washington hợp tác quân sự trong vấn đề này vẫn khá thấp.
Nghị sĩ tung tin IS mua sarin ở Thổ Nhĩ Kỳ bị truy tố
Đài RT hôm qua 16.12 đưa tin nghị sĩ đối lập Thổ Nhĩ Kỳ Eren Erdem đã bị bắt và truy tố về tội phản quốc sau khi tuyên bố “có thế lực nào đó trong nước” tiếp tay IS để thu mua vũ khí hóa học và nguyên liệu chế tạo chất độc thần kinh sarin. Văn phòng Công tố viên trưởng Ankara sẽ chuyển hồ sơ tố tụng sang Bộ Tư pháp lẫn quốc hội để các nhà lập pháp bỏ phiếu tước quyền miễn trừ của ông Erdem.
|
Trùng Quang