11/01/2025

Học trò trong góc khuất cô độc: Ám ảnh ‘nợ đời’!

Ở trường bị bạn bè trêu chọc, bạo hành, khi về nhà nhiều học sinh có biểu hiện giới tính khác biệt lại mệt mỏi bởi sự phản đối của gia đình, từ đó rơi vào trạng thái cô đơn, tuyệt vọng rồi… sa ngã.

 

Học trò trong góc khuất cô độc: Ám ảnh ‘nợ đời’!

 

Ở trường bị bạn bè trêu chọc, bạo hành, khi về nhà nhiều học sinh có biểu hiện giới tính khác biệt lại mệt mỏi bởi sự phản đối của gia đình, từ đó rơi vào trạng thái cô đơn, tuyệt vọng rồi… sa ngã.



 


Học sinh Trường THPT Nguyễn Việt Hồng (TP. Cần Thơ) ủng hộ bình đẳng với người LGBT - Ảnh: L.N

Học sinh Trường THPT Nguyễn Việt Hồng (TP. Cần Thơ) ủng hộ bình đẳng với người LGBT – Ảnh: L.N


“Đừng uống chung ly kẻo… lây bệnh”

Sự thiếu hiểu biết của các bậc phụ huynh đôi khi lại gây cho con mình những tổn thương khó bù đắp. Câu chuyện của Bùi Kỳ Nhân, học sinh lớp 11 Trường THPT G.O.T, Q.2, TP.HCM là một điển hình. Nhà chỉ có 2 anh em trai. Từ nhỏ Nhân và em trai vẫn ở cùng một phòng, nhưng năm lên lớp 6, Nhân bị tách ra phòng riêng chỉ vì ba mẹ sợ lây bệnh cho em trai.

 
 
Học trò trong góc khuất cô độc: Ám ảnh ‘nợ đời’! - ảnh 1

 

Em hỏi mẹ là lây bệnh gì thì mẹ lấy chổi đập vào người em bảo bệnh… nợ đời, rồi ngồi khóc!

 

Học trò trong góc khuất cô độc: Ám ảnh ‘nợ đời’! - ảnh 2
 

Bùi Kỳ Nhân (một học sinh giới LGBT)

 

 
“Khi giặt đồ, mẹ phân riêng quần áo của em ra. Mẹ bảo em hạn chế ra ngoài lúc nhà có khách. Có lần vừa uống nước xong thì em của em chạy tới tính uống nước, mẹ em giật lại cái ly ném đi. Mẹ bảo không được dùng chung đồ với em. Lúc ấy em rất buồn và hỏi mẹ vì sao? Mẹ chỉ xoa đầu em bảo nhà một đứa mắc bệnh là đủ rồi. Con phải thương em đừng để nó lây bệnh. Em hỏi mẹ là lây bệnh gì thì mẹ lấy chổi đập vào người em bảo bệnh… nợ đời, rồi ngồi khóc!”, Nhân nức nở kể.
Từ ngày bị mẹ đánh, Nhân không dám chơi với em nhiều nữa. Nhân nói: “Khi còn nhỏ ba mẹ thường mua đồ nữ cho em mặc. Mẹ bảo mẹ thích con gái nên suốt những năm tiểu học em cứ nghĩ mình như con gái của mẹ. Đôi khi mẹ còn sơn móng chân cho em nữa. Vậy mà khi tới lớp 6, biết em là nữ mẹ lại giận dữ và mắng nhiều. Ba mẹ còn đưa em đi chữa bệnh ở rất nhiều nơi, thậm chí còn đi gặp cả bác sĩ tâm lý, làm em thấy rất nặng nề. Cũng từ ngày đó tới nay gia đình em rất ít khi vui vẻ”.
Bên cạnh việc kỳ thị ngay chính con ruột của mình, nhiều phụ huynh còn đánh đập, dọa nạt để ép con sống trong cảnh “thân sâu hồn bướm” đầy khổ sở và chìm sâu trong sự tuyệt vọng.
Huỳnh Như, học sinh lớp 10, Trường THPT G.O.T, Q.2, ngậm ngùi: “Từ ngày biết em là les, đêm nào mẹ cũng khóc. Mẹ bảo biết em dở dở ương ương thế này thì bóp chết ngay từ khi lọt lòng để bây giờ em và cả nhà không phải khổ. Đặc biệt mỗi lần ba nhậu say về là đánh mẹ và đánh cả em. Ba nói mẹ là loại bệnh hoạn nên sinh ra đứa con bệnh hoạn như thế”. Huỳnh Như kể tiếp: “Em sợ nhất là những hôm mẹ bận việc ba tới đón em sau giờ học. Nhìn thấy ba ở cổng trường, em núp không dám ra. Bởi có lần ba nhậu say tới đón, vừa nhìn thấy em tóc ngắn đứng đợi ở cổng trường ba mắng té tát. Em ngại với các bạn nên bỏ chạy thì bị ba bắt lại đánh ngay ở cổng trường. Em thấy xấu hổ lắm”.
Cấm đoán, chia rẽ, doạ… chết
Trước những thái độ cấm đoán của ba mẹ, các học sinh có biểu hiện giới tính khác biệt thường chỉ biết giấu giếm, chịu đựng. Khi thấy quá áp lực, nhiều em phải bỏ nhà đi và đòi tự tử. Đỗ Thị Mơ, lớp 10, Trường THPT V.T.T, Q.12 là một trường hợp như thế. Mơ có người yêu là một bạn gái học cùng lớp. Vì thường xuyên bị mẹ đánh nên Mơ hay bỏ nhà đi. “Về nhà mẹ cũng chỉ mắng chửi em rồi doạ gửi em qua nước ngoài. Vì sợ nên em hay qua nhà Thi (bạn gái của Mơ) chơi rồi xin ngủ lại. Có lần mẹ em còn tới nhà Thi nói ba mẹ bạn ấy là không biết dạy con. Em thấy rất xấu hổ. Mẹ em đâu biết rằng ngoài Thi ra thì trong lớp đâu ai chịu chơi với em. Các bạn thường bảo em và Thi là hai đứa les. Những lúc mẹ nhốt em ở nhà em thấy buồn chán nên em thường hút thuốc và nghĩ cách bỏ trốn”.
Nguyễn Thanh Hùng, Trường THPT T.Q.B, Q.8, TP.HCM, kể: “Dù không trách mắng hay đánh đập em nhưng ba lại thường xuyên gây sức ép bằng những tâm sự, những kỷ niệm thời thơ ấu khiến em cảm thấy day dứt. Khi em nói không thể lấy vợ được và xin đi tu sau khi học xong, ba lấy chiếc quần vắt ngay ở cuối giường buộc vào cửa nói sẽ thắt cổ nếu em không đổi ý. Em chỉ ước được sinh ra lại lần nữa để làm con trai thật sự”.

Đồng hành cùng con

Có nhiều phụ huynh khi biết con mình là LGBT đã đồng hành cùng con. Ông Hoàng Ân (Q.6, TP.HCM) chia sẻ: “Khi phát hiện con là gay, tôi rất sốc. Tuy nhiên, tôi nhanh chóng vượt qua. Tôi bắt đầu đặt mình vào hoàn cảnh của một LGBT để suy nghĩ. Tôi tự hỏi nếu trong hoàn cảnh ấy mình sẽ làm gì? Tôi lên mạng tìm hiểu thông tin, cố gắng hiểu con để giúp con. Tôi lên lịch tập luyện thể thao thường xuyên hơn. Ban đầu là những trò chơi nhẹ nhàng, sau đó là đá banh và nhờ con đi cùng với lý do muốn có người chơi cùng. Mặc dù có vấn đề về giới tính nhưng con chững chạc và có lối sống nghiêm túc. Nhiều hôm hai ba con ngồi trò chuyện, nó khóc. Nó bảo nhìn bạn bè xung quanh khổ sở vì bị kỳ thị nó thấy hạnh phúc. Rồi nó ôm tôi. Lúc ấy tôi cười nhưng không nói cho nó biết là nhiều đêm nhìn ảnh thằng con trai duy nhất lúc còn nhỏ, tôi khổ tâm dữ lắm”.

Lam Ngọc