11/01/2025

Học trò trong góc khuất cô độc

Vì những biểu hiện khác biệt về giới tính nên một số học sinh luôn phải đối mặt rủi ro, bị cô lập, bạo hành. Nhiều em quá mệt mỏi đã bỏ học, thậm chí tự tử để được… giải thoát.

 

Học trò trong góc khuất cô độc

 

Vì những biểu hiện khác biệt về giới tính nên một số học sinh luôn phải đối mặt rủi ro, bị cô lập, bạo hành. Nhiều em quá mệt mỏi đã bỏ học, thậm chí tự tử để được… giải thoát.




Học sinh Trường THPT Nguyễn Việt Hồng (TP.Cần Thơ) kêu gọi sự chấp nhận, chia sẻ với những bạn giới LGBT trong trường - Ảnh: Lam Ngọc

 

Học sinh Trường THPT Nguyễn Việt Hồng (TP.Cần Thơ) kêu gọi sự chấp nhận, chia sẻ với những bạn giới LGBT trong trường – Ảnh: Lam Ngọc

 


“Học sinh thì không được là pê đê”

Chúng tôi hẹn một vài học sinh (HS) là LGBT (người đồng tính luyến ái nam, nữ, song tính luyến ái và người chuyển giới) tại một quán cà phê sau giờ học. Thái độ của những HS này rất rụt rè, không tự nhiên. Thậm chí, có HS phải chạy về nhà trút bỏ bộ đồng phục rồi mới đến trò chuyện. Lý do đơn giản: “HS thì không được là pê đê. Cô giáo em nói thế”, một HS lớp 10 buồn bã nói.
Vượt qua tâm trạng ngại ngùng ban đầu, Thái Trần Linh (Trường THPT G.O.T, Q.2, TP.HCM), kể: “Từ khi học lớp 1, em chỉ thích chơi trò con trai, mặc đồ con trai và chơi với bạn trai. Đến tuổi dậy thì mọi chuyện bắt đầu rõ ràng hơn. Cơ thể em thay đổi nhiều. Em thấy mình khác với mong muốn. Cái cần dài thì không dài ra còn cái không cần to lại ngày càng to ra. Nhìn cơ thể mình em rất sợ. Em thu mình hơn, ít tiếp xúc với các bạn trong lớp. Em nghĩ mình bị bệnh nhưng không dám nói với ai”, Linh chia sẻ.
“Suốt những năm THCS và bước vào THPT em không dám đi vệ sinh ở trường vì vào phòng vệ sinh nam thì các bạn đuổi sang phòng nữ. Nhà vệ sinh nữ ở trường lại không có phòng riêng nên em rất ngại. Lâu dần tạo thành thói quen. Em rất hạn chế đi vệ sinh ở nơi công cộng như quán cà phê, quán ăn… Vì không biết nên vào nhà vệ sinh của nam hay nữ”, Linh nói thêm.
Ngoài việc phải đối diện với chính mình, Trần Quyền Anh (Trường THCS L.L, Q.8, TP.HCM) còn bị ám ảnh về những hình phạt của giáo viên, thái độ của bạn học. “Em từng bị cô giáo bắt đứng trên bục giảng cả buổi trời vì cắt tóc giống con trai và không mặc đồng phục nữ. Nhiều bạn trong lớp còn chửi em là đồ bệnh hoạn. Em không nghĩ mình bị bệnh mà chỉ thấy mặc đồng phục khiến em bị áp lực và không tự tin. Em nói với mẹ là sẽ không đi học nữa. Thấy thế, mẹ đưa em lên xin cô giáo chủ nhiệm. Nhưng thay vì đồng ý, cô nói mẹ em là không biết dạy con và khuyên nên đem em về chữa bệnh. Mẹ thương em nên chỉ khóc”.
Còn Nguyễn Tiến Thái, cũng là HS Trường THCS L.L, kể: “Có lần em đang rửa tay trong nhà vệ sinh thì bị mấy người lớp trên dội một xô nước vào người. Em báo với giáo viên chủ nhiệm thì bị xử lý ngược lại. Cô bảo em cứ bình thường đi thì chúng nó đã chẳng làm thế”.
“Trường không phải quán cà phê đèn mờ”
 

 

 

Mục tiêu phổ biến của tình trạng kỳ thị, bắt nạt

 

 

Ngày 19.11, tại Bangkok, UNESCO công bố một báo cáo cấp khu vực mang tên “Từ sự sỉ nhục đến hòa nhập”, nói về tình trạng bạo lực và bắt nạt trong trường học nhắm vào các HS giới LGBT ở 20 nước tại châu Á – Thái Bình Dương. Báo cáo viết: “HS chuyển giới và có giới tính chưa xác định có vẻ là mục tiêu phổ biến nhất của tình trạng kỳ thị và bắt nạt tại trường học ở các quốc gia như Ấn Độ, Nepal, New Zealand và VN”.

 

Kết quả nghiên cứu này cũng cho thấy tại VN, HS là người LGBT bị bắt nạt dưới nhiều hình thức, như gọi tên chọc ghẹo, đánh đập, đe doạ, cô lập, bàn tán về giới tính. Trong đó, có đến 70% bị bắt nạt bằng ngôn từ, 18% bị xâm hại tình dục.

Vì không có kiến thức về giới tính nên khi thấy những biểu hiện lạ nhiều HS tưởng mình bị bệnh. Huỳnh Ngọc Sao (Trường THCS L.S, Q.6) tâm sự: “Tính em vốn nhát cộng với lúc trước chưa có nhiều kiến thức về giới tính nên khi thấy mình có những cảm xúc lạ em rất sợ mà không dám thể hiện. Hằng đêm em đều rất lo không biết ngày mai cơ thể mình sẽ như thế nào. Em luôn muốn chỉnh lại cho đúng là con gái”.

Sao kể: “Năm lớp 7 em thấy có tình cảm đặc biệt với một bạn gái trong lớp, bạn ấy cũng quý em. Giờ ra chơi em đang câu cổ bạn ấy chơi như ngày thường thì cô giáo chủ nhiệm quát em bị les hả? Đừng có chơi les ở đây! Rồi cô gọi em xuống phòng gặp riêng, bảo nếu bị les thì nói ba mẹ chữa bệnh đi. Ở trường không phải quán cà phê đèn mờ. Nếu em tới gần các bạn nữ, cô sẽ yêu cầu nhà trường đuổi học”.

Khi nghe cô giáo nói vậy, Sao nghĩ les là bệnh. “Les là bệnh gì? Em cứ quẩn quanh trong đầu câu hỏi này. Sau đó, em ra tiệm internet tìm hiểu thì thấy những điều cô nói có lẽ đúng. Em có biểu hiện của “bệnh” les. Em lang thang đạp xe rất lâu ngoài đường rồi quyết định dừng lại ở một hiệu thuốc và nói: “Cô ơi bán cho cháu thuốc chữa bệnh les”. Lúc ấy, người bán thuốc nhìn em vẻ khó hiểu và nói les không phải là bệnh. Con về hỏi ba mẹ nhé”.

Sao không kiềm được xúc động, kể tiếp: “Sau bữa cơm tối, em lấy hết can đảm nói với ba mẹ là con bị les. Ba trừng mắt rồi ném thẳng chiếc chén về phía em bảo đồ bệnh hoạn. Em sợ quá chạy ra khỏi nhà, trong đầu chỉ nghĩ lẽ nào bị les thì không có thuốc chữa?”.

Bị bạo hành, cô lập

Không chỉ hoang mang không biết mình là ai, lo sợ về những thay đổi của cơ thể, những HS thuộc LGBT còn bị nhiều tổn thương do bị bạo hành mà không được bảo vệ.

Lê Minh Triết (Trường THCS L.S) tâm sự: “Em biết mình là người đồng tính từ khi lên lớp 6. Cũng từ đó em bị hành hạ, đánh đập. Em bị cô lập, bị ném phấn vào mặt nhưng không ai bênh vực. Năm lớp 6 em thường bị các bạn nam tống vô lớp khoá cửa nhốt. Có lần em bị nhốt từ lúc tan học đến gần 19 giờ. Ở trong đó vừa tối vừa lạnh em sợ nên khóc to. Cũng nhờ vậy mà chú bảo vệ nghe thấy, lên mở cửa cho em về”. Triết cũng thường xuyên bị bạn trong lớp đánh, lý do chủ yếu vì: “Mày là thằng pê đê”. Triết ngậm ngùi kể tiếp: “Trong lúc đánh, các bạn thường chửi tên ba mẹ em. Họ bảo ba mẹ đẻ ra thằng con trai không ra trai, gái không ra gái, đẻ ra pê đê. Vì tức nên em chửi lại. Vậy là mấy bạn bắt sâu thả vào người em rồi thách đấu sau giờ học. Em nhận lời. Vì họ đông, em lại chỉ có một mình nên bị đánh tơi tả. Đánh em xong họ còn đổ nước ngọt vào người. Em thấy vô cùng tủi thân nên chạy một mạch về nhà. Lúc này ba mẹ đi làm, nhà không có ai. Em thấy mình sống thật thừa thãi nên chạy khắp các phòng tìm tất cả thuốc tây bẻ ra đầy tay. Cầm nắm thuốc em nghĩ “pê đê” thì có tội gì sao nhiều bạn lại ghét, lại đánh em hoài? Uống hết nắm thuốc trong tay em nghĩ mình sẽ chết. Nhưng sau đó em chỉ ngủ và ói thôi”.

Sau hôm đó, Triết quyết định bỏ học. Hơn 1 năm sau ba mẹ rút hồ sơ và chuyển em sang học một trường khác ở Q.8. Tuy nhiên, vì nghỉ học nhiều nên bây giờ lực học của Triết kém hơn các bạn cùng lớp. “Dù vậy em vẫn sẽ đi học vì không muốn ba mẹ lo lắng thêm”, Triết nói.

Tương tự là trường hợp của Lê Tấn Tài (Bến Tre). “Các bạn nói em vào lớp đảo tới đảo lui và dẹo. Suốt những năm học phổ thông em bị đòn rất nhiều. Hầu như cứ tan học là một nhóm con trai trong lớp hẹn em đi đánh nhau. Em biết mình không thắng nên chạy trốn, nhưng nhiều lần bị bắt lại. Mấy bạn đó chuẩn bị sẵn dây thừng trong ba lô, trói em vào ghế xong là họ đánh. Họ đánh tới khi em nói đủ 80 lần “tao không phải pê đê” mới thả ra”, Tài kể.

Tài nói thêm: “Một người trong số đó còn sờ soạng người em nói nếu em pê đê thì đấy là thưởng cho em. Những lúc ấy em thấy rất ghê sợ và tuyệt vọng. Em nghĩ pê đê phải chăng không phải là người? Tại sao người ta lại đối xử với mình như vậy?”. (Còn tiếp)

Tư vấn tâm lý miễn phí cho học sinh và phụ huynh

Nhà thiếu nhi TP.HCM triển khai chương trình tư vấn tâm lý miễn phí dành cho thiếu nhi và phụ huynh. Thời gian từ 8 giờ 30 – 11 giờ và từ 14 – 16 giờ, từ thứ ba đến thứ bảy hằng tuần. Nội dung tư vấn về những vấn đề liên quan đến chuyện dạy con học hành, biết cách cư xử. Phụ huynh có thể đến Phòng Tư vấn giáo dục tư vấn tâm lý – giáo dục trẻ (135 Hai Bà Trưng, Q.1) để được tư vấn trực tiếp hoặc qua điện thoại: 08.38246150.

Tuyết Trang


Lam Ngọc