11/01/2025

Tiền ảo vẫn nóng

Bất chấp những cảnh báo về rủi ro và tính pháp lý, tiền ảo dường như vẫn hoạt động mạnh mẽ tại VN.

 

Tiền ảo vẫn nóng

 

Bất chấp những cảnh báo về rủi ro và tính pháp lý, tiền ảo dường như vẫn hoạt động mạnh mẽ tại VN.




Các buổi mời chào nhà đầu tư mới thường xuyên được tổ chức ở các khách sạn lớn - Ảnh: T.X

Các buổi mời chào nhà đầu tư mới thường xuyên được tổ chức ở các khách sạn lớn – Ảnh: T.X


Trong cuộc họp giữa tuần qua, Tổng cục Thuế thông tin, một cá nhân kinh doanh tiền ảo có doanh thu gần 170 tỉ đồng tại một địa phương trong thời gian ngắn. Có lẽ vì thế, VN đang là đích đến của các tổ chức phát triển đồng tiền ảo dù cơ quan chức năng đã liên tục cảnh báo các rủi ro từ loại tiền này.

Vẫn chiêu bài “lãi khủng”
Sau các đồng tiền kỹ thuật số như Bitcoin, Onecoin, Gemcoin… thị trường lại xuất hiện thêm đồng tiền ảo mới ILcoin. Được biết, đồng ILcoin do tổ chức ILgamos (thành lập tại UAE, Đức, Hồng Kông) đưa ra khai thác vào ngày 7.9.2015. Chỉ chưa đầy 10 ngày sau, nhóm phát triển đồng ILcoin đã đến VN. Một nhà đầu tư (NĐT) ILcoin tên Vũ tự hào khoe từ tháng 9 đến nay, một trong 3 nhà sáng lập ILgamos là ông Viktor đã đến VN 3 lần. Thị trường VN tiềm năng nên họ qua đây nhiều lần để hỗ trợ phát triển. Văn phòng ILgmos tại Hà Nội sẽ được khai trương trong vài ngày tới.
Cũng như các đồng tiền ảo khác, các thành viên của ILcoin cũng ra sức lăng xê sự hấp dẫn của đồng tiền ảo này. Sau nhiều lần điện thoại, Nghi, NĐT ILcoin, hẹn chúng tôi tại một quán cà phê ở Q.10 (TP.HCM) giới thiệu 5 gói: Entry là 60 euro, Basic là 270 euro, Medium là 865 euro, Business là 2.015 euro, Smart là 7.015 euro.
 
 
Tiền ảo vẫn nóng - ảnh 1
Trong thời gian tới, cần có những quy định rõ hơn về kinh doanh tiền ảo, tiền dạng kỹ thuật số để từ đó các cơ quan ban ngành có hướng xử lý các vụ việc phát sinh
Tiền ảo vẫn nóng - ảnh 2
 
TS Bùi Quang Tín
 

Trong các gói này, Nghi khuyên chúng tôi nên tham gia 2 gói lớn là Business và Smart sẽ được nhiều quyền lợi cũng như nhanh thu hồi vốn. Chẳng hạn gói Business trị giá 2.015 euro sẽ nhận được 2.300 OPR (đồng tiền nội bộ của ILcoin). Người này cho biết, trong khoảng 100 ngày, hệ thống sẽ nhân đôi lần 1, tài khoản sẽ có 4.600 OPR. Lúc này, NĐT nên bán một phần để thu hồi vốn. Nếu bán 2.300 OPR (50% tài khoản) với giá khoảng 1,6 euro/ILcoin sẽ thu về được 3.680 euro, lợi nhuận 182% trong vòng hơn 3 tháng. Tuy nhiên, nếu muốn lợi lớn hơn, NĐT có thể đợi ILcoin lên sàn giao dịch công khai (khi đạt 100 triệu ILcoin, hiện đã đạt 75 triệu) bằng cách chuyển toàn bộ số OPR này sang ILcoin theo tỷ lệ 50:50, tức sẽ thu về 4.600 ILcoin. Sau 100 ngày tính từ thời điểm chuyển đổi, giá ILcoin sẽ lên 2 euro, lúc này NĐT thu về 9.200 euro; sau 1 năm, giá ILcoin lên 10 euro, NĐT thu về 46.000 euro từ mức đầu tư chỉ 2.015 euro…

Giới thiệu lãi khủng như vậy nhưng chính các NĐT này cũng nhanh chóng thừa nhận luật chơi là tiền của người sau nuôi người trước nên NĐT chịu khó giới thiệu thêm người khác tham gia sẽ được nhận hoa hồng, nhận thưởng. Theo Vũ, tập đoàn dùng 60% gói đầu tư để khai thác coin, còn lại 40% để phát triển thị trường. Vì thế, hoa hồng và thưởng rất lớn. Gói càng lớn thì mức hoa hồng càng cao, chẳng hạn gói Business và Smart: hoa hồng trực tiếp là 10%, cân nhánh là 10%, cộng hưởng là 10%…
Khi chúng tôi đề cập đến tính thanh khoản của đồng tiền này, Vũ phân trần: “Vì đầu tư kênh này lãi khủng quá nên nhiều người muốn bán ngay khi được để thu hồi vốn, lãi. Chính vì vậy mà luật chơi quy định mỗi ngày NĐT chỉ được phép bán 2% nhằm hạn chế NĐT bán ra ồ ạt”. Đây là điểm rủi ro mà rất nhiều người bị các khoản lợi nhuận che mắt nên sập bẫy.
Nên có quy định cấm hẳn
Chiều 13.12, trả lời qua điện thoại, ông Nguyễn Quang Tiến, Phó trưởng ban Cải cách và hiện đại hóa (Tổng cục Thuế) cho biết trong thời gian qua cơ quan thuế gặp một trường hợp kinh doanh tiền kỹ thuật số có doanh thu 170 tỉ đồng. Phía công an địa phương có ý định khởi tố nhưng cơ quan tài chính thì cho rằng hoạt động kinh doanh này không bị cấm nên không khởi tố được. Cũng do chưa quy định về ngành nghề kinh doanh này nên cơ quan thuế sẽ thực hiện thu thuế theo ngành nghề khác.
Thực ra trong suốt thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước VN (NHNN) đã nhiều lần đưa ra khuyến cáo người dân về đồng tiền Bitcoin và các loại tiền ảo khác không phải là tiền tệ, không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại VN. Do vậy, việc sử dụng các loại tiền ảo này làm phương tiện thanh toán không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ.
Thế nhưng bằng nhiều cách, các đồng tiền ảo vẫn thâm nhập vào VN. Thậm chí, các nhóm đầu tư tiền ảo còn dẫn luật Doanh nghiệp năm 2014 có hiệu lực từ tháng 7.2015 với tinh thần tự do kinh doanh tất cả các ngành nghề mà pháp luật không cấm để thuyết phục người chơi.
Tiền ảo vẫn nóng - ảnh 3

Tiền ảo ILcoin vừa xuất hiện – Ảnh: T.X

Về thực trạng này, TS Bùi Quang Tín, giảng viên Khoa Quản trị kinh doanh Trường đại học Ngân hàng TP.HCM, cho rằng: “Muốn thực hiện kinh doanh trong một lĩnh vực cụ thể tại VN thì phải tuân theo pháp luật VN. Ngành nghề kinh doanh này thuộc về sự quản lý của NHNN. Khi đơn vị này chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể thì không được làm. Trong thời gian tới, cần có những quy định rõ hơn về kinh doanh tiền ảo, tiền dạng kỹ thuật số để từ đó các cơ quan ban ngành có hướng xử lý các vụ việc phát sinh. Chẳng hạn như vụ cá nhân kinh doanh tiền ảo có doanh thu 170 tỉ đồng sẽ phải thu thuế như thế nào”.
Chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh nhận xét: “Những người tham gia sớm thường sẽ hưởng được lợi nên khi có một đồng tiền mới xuất hiện, thị trường cứ “rần rần” cả lên. Kiểu kinh doanh của các đồng tiền ảo lấy tiền của người sau trả cho người trước nên rủi ro cho NĐT rất cao. Thế nhưng nhà nước cũng có rủi ro nếu không có những quy định cấm hẳn những hình thức giao dịch, thanh toán đồng tiền này. Đó là khả năng hoạt động rửa tiền có thể xảy ra khi thị trường tiền ảo phát triển quá nhanh”.
Lo ngại vừa nêu hoàn toàn có cơ sở. Vào giữa năm 2013, cơ quan công an đã phát hiện một công ty VN có trụ sở tại Hải Phòng kinh doanh trái phép tiền điện tử Liberty Reserve (LR) lên đến 24,5 triệu USD. Công ty này chuyển đổi tiền ảo LR thành tiền thật và ngược lại. Vụ việc này được phát hiện sau khi chính quyền Mỹ công bố công ty chuyển tiền Liberty Reserve kinh doanh trái phép tiền ảo và có hành vi rửa tiền với quy mô 6 tỉ USD. Chuyên gia Huỳnh Trung Minh nhấn mạnh: “Thanh toán từ tiền thật ra tiền ảo có quy mô hạn chế trong một nước nhưng đối với tiền ảo lại có hoạt động xuyên biên giới. Nếu bọn tội phạm sử dụng tiền ảo để rửa tiền thì hình thức này được xem là khá đơn giản. Chuyển 1 triệu USD tiền thật từ Mỹ về VN sẽ phải chứng minh, khó hơn và mất thời gian hơn, trong khi quy đổi 1 triệu USD này sang tiền ảo, việc chuyển tiền sẽ đơn giản hơn”.

Thanh Xuân