11/01/2025

Cuộc chơi mới cho doanh nghiệp Việt

Các diễn giả tại diễn đàn ‘Doanh nghiệp VN hướng tới Cộng đồng kinh tế ASEAN’ đều cho rằng tham gia cộng đồng kinh tế này sẽ mở ra một thị trường lớn cho các doanh nghiệp Việt.

 

Cuộc chơi mới cho doanh nghiệp Việt

 

Các diễn giả tại diễn đàn ‘Doanh nghiệp VN hướng tới Cộng đồng kinh tế ASEAN‘ đều cho rằng tham gia cộng đồng kinh tế này sẽ mở ra một thị trường lớn cho các doanh nghiệp Việt.




Tham gia AEC mở ra một thị trường lớn cho các doanh nghiệp Việt - Ảnh: Bloomberg

Tham gia AEC mở ra một thị trường lớn cho các doanh nghiệp Việt – Ảnh: Bloomberg

Cạnh tranh việc làm sẽ gay gắt

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại – Công nghiệp VN (VCCI), chỉ còn 2 tuần nữa Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức được hình thành (1.1.2016) nhưng đến nay, không phải doanh nghiệp (DN) nào cũng đã hiểu về AEC. “Bản chất AEC không có cơ cấu chặt chẽ và không có sự tương thích nhiều. AEC thực chất là một tiến trình hội nhập chứ không phải là hiệp định cũng như không phải bắt buộc của Cộng đồng kinh tế ASEAN”, ông Lộc phát biểu tại diễn đàn do Báo Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Báo Thế giới và Việt Nam, Bộ Ngoại giao tổ chức vào hôm qua (13.12).
Theo ông Lộc, VN đã ký kết Hiệp định tự do thương mại (FTA) với một số đối tác. Tuy nhiên, so với các FTA đã ký, thoả thuận đạt được trong AEC có nhiều ưu đãi hơn về việc nới lỏng hàng rào thuế quan, mở ra cơ hội để hàng hoá và dịch vụ lưu thông tự do hơn trong khu vực. Nhờ đó, AEC mở ra cơ hội để DN VN tiếp cận dễ dàng hơn nhiều thị trường. Thế nhưng, ngược lại, hàng hóa của các nước tham gia AEC cũng dễ dàng vào VN hơn, nên DN VN cũng gặp cạnh tranh lớn hơn.
 
 
Cuộc chơi mới cho doanh nghiệp Việt - ảnh 1
Bản chất AEC không có cơ cấu chặt chẽ và không có sự tương thích nhiều. AEC thực chất là một tiến trình hội nhập chứ không phải là hiệp định cũng như không phải bắt buộc của Cộng đồng kinh tế ASEAN
Cuộc chơi mới cho doanh nghiệp Việt - ảnh 2
 
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại – Công nghiệp VN (VCCI)
 

Ông Nguyễn Hồng Cường, Vụ trưởng ASEAN, Bộ Ngoại giao cảnh báo, DN VN sẽ phải cạnh tranh quyết liệt. Một số DN với năng lực cạnh tranh thấp sẽ khó có khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng có giá trị cao và lợi nhuận tốt. Đối với người dân, sẽ có nhiều lựa chọn về hàng hoá và dịch vụ với giá cả thấp và chất lượng cao hơn; có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm có tay nghề tại các nước ASEAN vì đến nay, các nước ASEAN đã ký Hiệp định về di chuyển thể nhân và 8 thoả thuận công nhận lẫn nhau trong 8 ngành nghề: kế toán, kỹ sư, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, điều dưỡng, vận chuyển và du lịch; đi lại thuận tiện hơn trong các nước ASEAN (miễn thị thực 15 – 30 ngày)… Tuy nhiên, chính người dân cũng gặp khó khăn do phải cạnh tranh về tìm kiếm việc làm có tay nghề, và tại VN cũng sẽ gặp phải vấn đề trên.

Cơ hội thoát bẫy thu nhập trung bình
Nhìn nhận câu chuyện gia nhập AEC dưới góc nhìn “người chơi cờ”, tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, xem ASEAN là sân chơi thú vị bởi nó là một phần trong mạng chuỗi giá trị toàn cầu. ASEAN không chỉ là kinh doanh mà còn là hợp tác. Tại sân chơi này, DN sẽ có nhiều lợi thế bởi có rất nhiều chương trình hỗ trợ DN vừa và nhỏ. Các chương trình này không chỉ dạy cách làm tiền mà còn hướng dẫn chúng ta làm tiền một cách xanh hơn, bền vững hơn, trách nhiệm hơn. Ông Thành cho rằng đây là một cơ hội “trời cho” để VN có thể thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Nếu không tận dụng được cơ hội này thì 5 – 7 năm nữa, VN không thể thoát được bẫy này.
Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI, cho biết hiện nay, đáng lo nhất là nhận thức của các DN VN về các cam kết kinh tế, thương mại mới chưa đầy đủ. Tuy nhiên, bà Hằng cũng cho rằng có nhiều DN VN trong một số lĩnh vực đã thành công với hội nhập như các DN trong các ngành: thuỷ sản, đồ gỗ, dệt may, điện tử… nên nếu am hiểu AEC, hiểu được những nét văn hoá, tập quán kinh doanh tương đồng trong AEC sẽ tạo lợi thế cho các DN VN đưa ra những sản phẩm, dịch vụ phù hợp với thị trường này. Tham gia diễn đàn, đại diện một số DN lớn của VN bày tỏ sự tự tin khi tham gia AEC. Ông Ngô Minh Hải, Phó tổng giám đốc Tập đoàn TH Truemilk, cho biết Tập đoàn TH ngay từ khi tham gia ngành sữa đã xác định không chỉ hướng tới thị trường VN mà còn hướng tới thâm nhập thị trường ASEAN nên đã có những hoạt động đầu tư lớn về công nghệ để đảm bảo chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh tầm cỡ khu vực. “Để đạt mục tiêu đưa sản phẩm vào thị trường ASEAN, trước mắt là Lào, Campuchia, vừa qua chúng tôi đã quyết định đầu tư sang Myanmar, chủ động đưa sản phẩm đi giới thiệu ở các hội chợ của các nước như Philippines”, ông Hải nói.
Theo quan điểm của ông Hải, để đứng vững trong môi trường mới, đầy cạnh tranh như AEC, DN không nên quá mải mê đi tìm các lợi thế so sánh với các thị trường khác trong khu vực mà cần phải biết chú trọng xây dựng nội lực của chính mình. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng vai trò của nhà nước trong việc hỗ trợ, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng để bảo vệ các DN sản xuất chân chính là rất quan trọng. Chia sẻ về điều này, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, cho rằng chính phủ, các cơ quan hữu quan vẫn cần hỗ trợ cho DN trong quá trình tham gia khối này về thông tin, chính sách thúc đẩy… tạo thuận lợi hoá thương mại.

Mạnh Quân