Nhiều hiền tài thì đất nước hưng thịnh
Sáng 12.12, tại Văn phòng Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng gặp và giao lưu với các đại biểu tham dự Đại hội Tài năng trẻ VN, cùng dự có Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Nguyễn Đắc Vinh.
Nhiều hiền tài thì đất nước hưng thịnh
Sáng 12.12, tại Văn phòng Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng gặp và giao lưu với các đại biểu tham dự Đại hội Tài năng trẻ VN, cùng dự có Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Nguyễn Đắc Vinh.
Để việt nam được nâng lên trên trường quốc tế
Biểu dương thành tích và đóng góp xuất sắc của các tài năng trẻ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng đất nước tự hào có được thế hệ trẻ tài năng vượt trội nếu so sánh với các thế hệ trước đây. Đặc biệt, các tài năng trẻ luôn tràn đầy tình cảm, tâm huyết và trách nhiệm với đất nước. Mỗi cá nhân tài năng trẻ không chỉ giỏi trong lao động sản xuất, kinh doanh ở trong nước mà có hoài bão, khát vọng vươn ra thị trường, cạnh tranh toàn cầu. Những người trẻ hôm nay không chỉ là công dân tốt của đất nước mà còn rèn luyện trở thành công dân toàn cầu, hội nhập cùng bạn bè thế giới.
|
Người đứng đầu Quốc hội cũng cho rằng dù đã đạt nhiều thành tích ban đầu khi giành huy chương, giải thưởng trong nước và quốc tế, nhưng con đường để mỗi tài năng trẻ thực sự trở thành hiền tài của quốc gia luôn có không ít gian nan, còn phải phấn đấu nhiều. Bởi không có con đường nào vất vả bằng con đường rèn luyện để trở thành nhân tài.
“Tôi mong rằng các tài năng trẻ hôm nay sẽ tiếp tục và không ngừng nỗ lực, phấn đấu để trở thành những hiền tài của quốc gia. Đất nước càng có nhiều hiền tài thì càng hưng thịnh. Thành công của các bạn sẽ làm cho hai tiếng VN được nâng lên trên trường quốc tế”, ông Nguyễn Sinh Hùng nói.
Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Nguyễn Đắc Vinh cũng khẳng định, thời gian tới T.Ư Đoàn tiếp tục tổ chức các chương trình, hoạt động tạo diễn đàn kết nối, trao đổi và hỗ trợ tài năng trẻ trong đóng góp các ý kiến dựng xây đất nước.
Phát huy tối đa khả năng sáng tạo
Cũng hôm qua 12.12, ngày làm việc đầu tiên của Đại hội Tài năng trẻ, các đại biểu đã chia làm 8 tổ thảo luận để đóng góp những ý kiến tâm huyết, giải pháp phát huy sự đóng góp của đội ngũ tài năng trẻ VN vào công cuộc dựng xây đất nước.
Tại trung tâm thảo luận về chủ đề: Phát triển khoa học, công nghệ trong thời kỳ hội nhập, đại biểu Lê Anh Vinh, Trường ĐH Giáo dục Hà Nội, cho rằng vẫn còn hiện tượng những nhà khoa học trẻ dành quá nhiều thời gian ta thán, so sánh về điều kiện, môi trường làm việc mà chưa có trách nhiệm để làm thay đổi tích cực môi trường, xã hội xung quanh mình.
Anh Nguyễn Đắc Vinh cho rằng lợi ích vật chất không phải là lý do cơ bản. Có thể thấy ở lý do các nhà khoa học hàng đầu từ các nước phương Tây sang Mỹ làm việc vì ở đó họ có các đồng nghiệp, những người có cùng mối quan tâm, cùng hợp tác nghiên cứu, được bao bọc trong môi trường làm việc học thuật, phát huy tối đa khả năng sáng tạo, năng lực nghiên cứu.
|
Đại biểu Dương Trọng Hải, giảng viên Trường ĐH Quốc tế TP.HCM, chia sẻ câu chuyện bản thân trước khi chuyển qua lĩnh vực nghiên cứu khoa học ứng dụng từng “tốn” nhiều thời gian, công sức cho nghiên cứu khoa học cơ bản, nhưng càng làm càng nản khi sản phẩm nghiên cứu ra không để làm gì, không ứng dụng được. Quy trình đánh giá các nhà khoa học hiện nay vẫn nặng số lượng công trình, bài báo khoa học được công bố trên các báo, tạp chí quốc tế. “Thực tế, có nhiều công trình, sản phẩm nghiên cứu dù được công bố rầm rộ với thế giới nhưng vẫn chỉ là mớ giấy lộn khi không ứng dụng được vào thực tế. Đất nước còn nghèo cần ưu tiên đầu tư nhiều hơn cho nghiên cứu khoa học công nghệ ứng dụng”, anh Hải nói.
Còn đại biểu Vũ Mạnh Hà cho rằng: “Công trình, dự án nghiên cứu tốt phải thể hiện ra thực tế, có sản phẩm được ứng dụng vào đời sống, đây là thước đo hiệu quả rõ ràng nhất và không thể để mãi tình trạng công trình khoa học nghiên cứu xong rồi cất luôn vào ngăn tủ, rất lãng phí tiền đầu tư”.
Những đề xuất thay đổi chương trình giáo dục
Tại diễn đàn với chủ đề “Thi đua học tập tốt, rèn luyện tốt, chung tay xây dựng đất nước”, đại biểu Nguyễn Trung Kiên, thành viên đội tuyển Olympic tin học quốc tế chia sẻ đầy tâm huyết về nỗi lo lắng của mình khi việc giáo dục đạo đức chưa được ngành giáo dục coi trọng. Mong muốn của Kiên là phải thay đổi việc giáo dục đạo đức bằng những tiết học thực sự có ý nghĩa. Việc giáo dục đạo đức trong nhà trường phải được đặt lên vị trí số 1, thay vì giáo dục kiến thức được coi trọng hơn giáo dục đạo đức như hiện nay.
Đỗ Nhật Nam là đại biểu nhỏ tuổi (14 tuổi) đề nghị cần thay đổi tích cực về chương trình và sách giáo khoa. Ví dụ, chương trình coi trọng thực hành và trải nghiệm thực tế hơn. Khi học sinh tự tay làm thí nghiệm hoặc được học qua quá trình trải nghiệm thì rõ ràng bài học ấy sẽ dễ hiểu và dễ nhớ hơn.
Nam cũng đề nghị chương trình cần hạn chế các bài tập khiến học sinh có thể học thuộc lòng bằng các dự án học tập, mỗi dự án như vậy khiến học sinh phải tìm tòi, vừa học lý thuyết vừa thực hành để đưa ra kết quả dự án. Môn ngoại ngữ cần được chú trọng và thay đổi về phương pháp trong chương trình, thay vì chỉ chú trọng về ngữ pháp như hiện nay.
Việc đánh giá học sinh theo hướng hiện đại và nhân văn hơn cũng được Nam đề cập khi cho rằng đánh giá nên mang tính cá nhân hơn, không nên công khai kết quả học tập của tất cả học sinh và dưới mỗi kết quả học tập cần có sự phân tích kỹ của giáo viên vì sao đạt kết quả như vậy, cần phải cố gắng như thế nào, không nên chỉ chấm điểm mà không có nhận xét.
Câu chuyện “về hay ở”
Câu chuyện những người giỏi đi du học không trở về đang “nóng” trên phương tiện truyền thông, cũng là đề tài được chính các tài năng trẻ chia sẻ tại diễn đàn. Đào Thị Trúc Ngân, sinh viên Trường ĐH Quốc tế TP.HCM, bày tỏ sự trăn trở về việc làm thế nào để không bị “chảy máu chất xám” khi mà những người trẻ đi du học không trở về.
Theo Ngân, thực tế người Việt ta luôn có khát vọng cống hiến và đóng góp. Khát vọng ấy lại càng lớn và mãnh liệt hơn đối với thế hệ trẻ. Họ mong muốn một môi trường để được thể hiện và công nhận. Như vậy, để giữ được nguồn nhân lực đầy tiềm năng này, vấn đề đặt ra đối với nhà nước ta chỉ còn là “đặt đúng người vào đúng chỗ”. Để làm được điều đó, nhà nước cần bám sát và giữ vai trò làm cầu nối trên cả hai phía: một từ phía du học sinh và sinh viên, một từ phía tuyển dụng gồm hệ thống các vị trí và môi trường làm việc. “Liên kết giữa hai phía càng mạnh thì khả năng kiến tạo nguồn lực của nước ta ngày càng cao”, Ngân nêu quan điểm.
Tuệ Nguyễn
|
Ý kiến
Không tạo ra phong trào chung chung
Tôi cho rằng, nếu như phong trào khởi nghiệp làm không cẩn thận sẽ rất nguy hiểm vì sẽ tạo ra một số bạn trẻ ảo tưởng sức mạnh của chính mình. Ngay từ khi doanh nghiệp ra đời cần khuyến cáo sở hữu trí tuệ, bảo hộ thương hiệu như thế nào. Đó là chiến lược về thương hiệu quốc gia. Cần có kế hoạch thực sự, bài bản, không tạo thành phong trào khởi nghiệp chung chung.
Cao Thế Anh
(Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty truyền thông Alo) Cố gắng 100 lần
Nhiều người có thể thấy tôi có thành tích này hay khác, nhưng tôi vẫn còn nhiều mục tiêu đang hướng tới. Khi gặp khó khăn, tôi sẽ cố gắng 100 lần, còn khi thành công tôi sẽ cố gắng 1.000 lần và cá nhân tôi không bao giờ cho mình ngủ quên trên chiến thắng.
Dương Thúy Vi
(Vận động viên wushu VN) Lê Quân – Thuý Hằng (ghi)
|
Phan Hậu – Tuệ Nguyễn