Trong 1 giờ, chiếc máy có thể trồng 5 ha, bằng hơn 20 nhân công trồng thủ công. Từ đó, giải quyết được tình trạng thiếu hụt nhân công địa phương và tăng năng suất cây mì.
‘Kỹ sư chân đất’ chế máy trồng mì siêu tốc
Trong 1 giờ, chiếc máy có thể trồng 5 ha, bằng hơn 20 nhân công trồng thủ công. Từ đó, giải quyết được tình trạng thiếu hụt nhân công địa phương và tăng năng suất cây mì.
Sau sự kiện gây xôn xao dư luận về chế tạo máy bay, nâng cấp 11 xe bọc thép cho quân đội Vương quốc Campuchia được nước bạn tặng thưởng Huân chương Đại tướng quân, hai cha con “kỹ sư chân đất” ở Tây Ninh lại gây chú ý khi cho ra mắt dàn máy trồng mì “4 trong 1”.
Trồng 5 ha trong 1 giờ
Những ngày này, hàng chục ha đất nông nghiệp của người dân tại 2 xã vùng biên giới Suối Dây và Tân Hưng (H.Tân Châu, tỉnh Tây Ninh) đang được địa phương triển khai dự án trồng mì bằng hom đứng thông qua dàn máy trồng mì của cha con “kỹ sư chân đất” Trần Quốc Hải – Trần Quốc Thanh. Trong 1 giờ, chiếc máy có thể trồng 5 ha, bằng hơn 20 nhân công trồng thủ công. Từ đó, giải quyết được tình trạng thiếu hụt nhân công địa phương và tăng năng suất cây mì.
Điểm độc đáo của dàn máy là có thể cùng lúc thực hiện 4 thao tác: lên rò, phun thuốc diệt mầm, bón phân và trồng khép kín (cắt hom, đặt hom xuống đất). Toàn bộ quy trình trồng chỉ cần 3 nhân công vận hành. Ông Hải phân tích, trong lúc dàn chảo lên rò thì dàn bón phân tiến hành bón phân thẳng vào gốc rồi tự lấp đất để tránh bị rửa trôi khi gặp trời mưa. Về hom mì, nhân công sẽ cho cây mì vào máy chặt (đoạn hom dài khoảng 24 cm) và máy sẽ cắm hom xuyên xuống đất khoảng 8 cm, chếch 30 độ, kết hợp phun thuốc diệt mầm cỏ dại. “Trồng đến đâu, hom mì được chặt đến đó nên hom không bị mất nhựa, không bị dập. Hom mì được trồng kiểu đứng nên tỷ lệ sống rất cao, nảy mầm nhanh sau 3 – 4 ngày thay vì 10 – 15 ngày như trước đây”, ông Hải chia sẻ.
Ông Hải cũng cho biết, trước đó đã trồng thử nghiệm hơn 50 ha ở Campuchia, năng suất đạt 70 tấn/ha thay vì khoảng 40 tấn/ha như trồng thủ công trước đây.
“Khó hơn chế tạo xe tăng”
Nói về ý tưởng sáng chế ra chiếc máy này, ông Hải phân tích: “Cây mì hiện vẫn đang là cây trồng kinh tế chủ lực của tỉnh. Nhưng khó khăn nhất đối với người trồng là không đủ nhân công, đồng thời thiếu cả biện pháp tăng năng suất”. Ông Hải tìm hiểu thì phát hiện tại Brazil cũng có chiếc máy trồng mì chỉ tốn ít nhân công nhưng giá thành cao, khó có khả năng nhập khẩu. Mày mò sáng chế, chiếc máy của ông Hải được hoàn thiện và có giá chỉ bằng 1/3 máy nhập.
Khi hỏi về khó khăn giữa sáng chế dàn máy này với chế tạo xe tăng, ông Hải cười xoà: “Nếu so với chế tạo xe tăng thì máy trồng mì khó hơn nhiều. Lý do vì máy móc do mình tự nghĩ ra thì chẳng có quy chuẩn, tài liệu nào làm hết. Cứ lượng theo thực tế, vướng công đoạn nào thì mày mò, cải tiến đến khi nào thành công thì thôi”. Ông Hải kể, khó khăn nhất là lúc hoàn thành theo ý tưởng thì lại gặp hàng loạt trục trặc như khi cắt hom dính luôn trong máy, hom cắm xuống đất không được thẳng hàng nên không thể làm cỏ, bón diêm; hom bị cắm quá sâu nên củ chìm sâu vào đất không phát triển; khoảng cách giữa các hom quá xa khiến cây thưa, năng suất thấp… “Ban đầu, tôi cho cắt hom dài 40 cm, cây mì lên mạnh nhưng tốn giống. Tôi cùng con trai chỉnh máy xuống 15 cm/hom để tiết kiệm thì cây lên yếu. Hai cha con trồng thử nghiệm ở nhiều mức khác nhau và cuối cùng chọn độ dài 24 cm/hom, độ sâu 8 cm và xuyên 30 độ. Hay như ban đầu máy trồng mì theo quy chuẩn 12.000 hom/ha. Nhưng ra thực tế nhiều người không chấp nhận và yêu cầu phải đạt 20.000 – 22.000 hom/ha. Nhờ yêu cầu này tôi cải tiến thành dàn máy có điều chỉnh được số lượng hom”, ông Hải giải thích.
Theo ông Hải, dàn máy trồng mì này kết hợp với dàn máy nhổ củ mì trở thành quy trình kỹ thuật hoàn chỉnh. Đây cũng là công trình nghiên cứu tâm huyết nhất của hai cha con ông. Tính đến nay, đã có hàng trăm dàn máy nhổ củ mì được ông Hải xuất bán đi Lào, Campuchia, các tỉnh lân cận. Riêng dàn máy trồng mì đang được cha con ông tính toán mức giá phù hợp nhất trước khi đưa ra thị trường.
Theo UBND H.Tân Châu, hiện máy trồng mì “4 trong 1” của cha con ông Hải đang được chính quyền áp dụng cho người dân vùng biên giới. Trong khi đó, ông Võ Đức Trong, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh, cho biết diện tích trồng khoai mì hiện trên toàn tỉnh gần 60.000 ha. Do đó, việc áp dụng cơ giới hoá từ khâu trồng đến thu hoạch là rất cần thiết.
Vốn quý của Tây Ninh
Tại phiên chất vấn kỳ họp HĐND tỉnh Tây Ninh ngày 10.12, đại biểu Võ Hoàng Khải đề nghị UBND tỉnh xem xét lại cách dùng người tài năng như ông Hải. Ông Khải phát biểu: “Tôi đã xem tận mắt giải pháp kỹ thuật trồng mới, chăm sóc và thu hoạch cây mì, mía, bắp và đậu phộng hoàn chỉnh của cha con ông Hải chế tạo rất hay. Khi về, tôi trăn trở rất nhiều điều và đã quyết định gửi lá thư cho bí thư tỉnh đề nghị xung quanh giải pháp, kỹ thuật này”. Rồi ông Khải bức xúc: “Ai cũng biết đến ông Hải là người rất tài năng. Thế nhưng, những tài năng của ông Hải hiện nay người Campuchia đang thụ hưởng và ban ân. Còn chúng ta thì UBND tỉnh mới chỉ cấp bằng khen, Sở KH-CN mời làm việc này kia là chưa đủ. Cái cần thiết nhất là chúng ta phải tận dụng ngay tài năng của ông. Tôi đề nghị ngành nông nghiệp nên tiếp cận ngay. Chúng ta đừng có làm cái kiểu của người Việt là quá nhiều người thông thái ngồi ăn chỉ biết nhận xét, chê người khác mà không biết sử dụng tài năng của người ta, để cho Campuchia người ta thụ hưởng trong khi tỉnh Tây Ninh đang rất cần”.
Về trăn trở này, Bí thư Tỉnh uỷ Tây Ninh Trần Lưu Quang nhận trách nhiệm: “Với ý kiến của đại biểu, tôi đề nghị UBND tỉnh lưu ý đến vai trò của ông Hải trong việc cơ giới hoá nông nghiệp. Tôi cho rằng đây là một vốn quý của Tây Ninh. Tôi đồng tình với đại biểu, bởi tôi với tư cách là những người trước đây từng ở UBND tỉnh, tôi nhận thấy trách nhiệm là chưa kết nối để ông Hải cùng đồng hành với chúng ta. Tôi đề nghị UBND tỉnh giao cho Sở KH-CN, nơi có nguồn kinh phí nghiên cứu khoa học khá lớn dành cho việc này, tôi nghĩ sẽ thu được rất nhiều kết quả tốt”.