10/01/2025

Vũ khí áp chế Thổ Nhĩ Kỳ của Nga

Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải hết sức cân nhắc nếu muốn khai chiến với Nga bởi hậu quả đối với Ankara là không thể lường trước.

 

Vũ khí áp chế Thổ Nhĩ Kỳ của Nga

 

Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải hết sức cân nhắc nếu muốn khai chiến với Nga bởi hậu quả đối với Ankara là không thể lường trước.



Mặc dù cả Moscow lẫn Ankara đều loại bỏ nguy cơ đối đầu quân sự trực tiếp sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ chiến đấu cơ Su-24 của Nga, thực lực của hai nước trong trường hợp nảy sinh xung đột vẫn là chủ đề được bàn tán nhiều trong thời gian qua. Nguy cơ này càng gia tăng trước những diễn biến căng thẳng tại eo biển Bosphorus, cửa ngõ ra vào biển Đen của tàu bè Nga hiện do Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát.
Các hạm đội thiện chiến
Trong trường hợp nổ ra chiến tranh thông thường, Nga có hai lực lượng hải quân có thể sử dụng để tấn công lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ là Hạm đội biển Đen và Hải đội Caspi. Trong đó, Hạm đội biển Đen đóng tại căn cứ Sevastopol ở Crimea hiện như “hổ mọc thêm cánh” sau khi Nga sáp nhập bán đảo này vào tháng 3.2014.
Hãng thông tấn RIA-Novosti dẫn lời Tư lệnh hạm đội, Đô đốc Alexander Vitko cho hay lực lượng của ông đã tiếp nhận hơn 10 tàu chiến mới vào năm ngoái, và chuẩn bị bổ sung thêm một loạt các máy bay, tàu ngầm và tàu mặt nước trong tương lai gần. Trước đó, năng lực của Hạm đội biển Đen bị giới hạn nghiêm trọng dựa trên thoả thuận với Ukraine. Theo đó, Moscow không được quyền bổ sung tàu chiến mới vào hạm đội già cỗi từ thời Liên Xô.
Thời gian qua, Moscow đã bổ sung các tàu ngầm thuộc dự án 636 (hay Varshavyanka), lần lượt là Novorossiysk và Rostov-on-Don cho Hạm đội biển Đen. Bốn tàu ngầm còn lại cũng dự kiến sẽ gia nhập từ đây đến cuối năm 2016.
Tàu ngầm lớp Varshavyanka là phiên bản nâng cấp của lớp Kilo, hoạt động cực êm và hầu như không thể nào bị phát hiện nếu dựa vào độ ồn phát ra từ động cơ. Đây sẽ là mối đe doạ đáng gờm cho các tàu chiến Thổ Nhĩ Kỳ hoạt động tại biển Đen. Trong khi đó, soái hạm của hạm đội là tàu tuần dương tên lửa Moskva cùng các tàu hộ tống đang hoạt động tại Địa Trung Hải để yểm trợ cho sứ mệnh không kích của không quân Nga ở Syria.
Một mối đe doạ hải quân đáng kể nữa đối với Thổ Nhĩ Kỳ là Hải đội Caspi. Nằm ẩn mình bên trong biển Caspi, đội tàu này được xem là lực lượng độc nhất vô nhị của Nga, một phần nhờ được trang bị vũ khí hiện đại của hải quân. Vào ngày 7.10, các tàu chiến tại đây đã phóng tên lửa hành trình đối đất Kalibr đến các mục tiêu ở Syria trong một động thái phô diễn thực lực của hải quân Nga. Với tầm bắn lên đến 2.500 km, các tên lửa Kalibr trên các tàu chiến của Nga dư sức xử lý nhiều mục tiêu trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ.
Vũ khí tối thượng
Mặc dù chiếm ưu thế về vũ khí thông thường, nhưng Nga khó có thể địch lại Thổ Nhĩ Kỳ trong một cuộc chiến kéo dài bởi NATO chắc chắn sẽ can thiệp để bảo vệ đồng minh. Vì vậy, trang Politonline.ru dẫn lời chuyên gia hàng đầu của Trung tâm nghiên cứu quân sự và chính trị Nga Mikhail Alexandrov nhận định rằng nếu chiến tranh thực sự nổ ra, Nga sẽ phải lập tức sử dụng vũ khí hạt nhân, vì khi đó sự tồn tại của nước này đang bị đe doạ.
“Phương Tây và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cố gắng lôi kéo chúng ta vào cuộc chiến như cuộc chiến Crimea (1853 – 1856, giữa Nga và Anh, Pháp, Ottoman – NV), chiến trường sẽ xuất hiện ở vùng Caucasus, và lực lượng Nga tại Syria sẽ bị đè bẹp”, chuyên gia Alexandrov nhấn mạnh. Do vậy, ông cho rằng Nga phải lập tức giáng đòn tấn công hạt nhân phá huỷ cơ sở hạ tầng chủ chốt và những mục tiêu quân sự quan trọng trên đất Thổ, chẳng hạn như đầu não quân sự, các trung tâm liên lạc, kho quân nhu, đạn dược, hải cảng, sân bay…
“Trong vài giờ đầu tiên khi khai chiến, Nga phải huỷ diệt toàn bộ cơ sở hạ tầng quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ, không cần tên lửa đạn đạo liên lục địa, chỉ cần triển khai tên lửa Iskander-M lắp đầu đạn hạt nhân là đủ. Ngay khi dọn dẹp xong chướng ngại vật quân sự, lính Nga sẽ ập vào chiếm lấy những eo biển quanh Thổ Nhĩ Kỳ”, theo ông Alexandrov.
Đây rõ ràng là câu trả lời trước khả năng Ankara có thể phong toả tàu Nga khỏi hệ thống eo biển Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm eo Bosphorus, eo Dardanelles kết nối biển Đen với biển Aegea và qua đó là Địa Trung Hải. Theo chuyên gia Alexandrov, việc Nga nhanh chóng “làm gỏi” Thổ Nhĩ Kỳ bằng vũ khí hạt nhân sẽ khiến các nước châu Âu khiếp sợ, và Mỹ sẽ phải đứng trước tình thế phải chọn lựa, hoặc lao vào cuộc chiến hạt nhân huỷ diệt với Nga hoặc không.
Tàu ngầm Nga đến Địa Trung Hải
Hãng Interfax hôm qua 8.12 dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga tiết lộ tàu ngầm Rostov-on-Don thuộc Hạm đội biển Đen đã được triển khai đến Địa Trung Hải và hiện áp sát bờ biển Syria. Được trang bị các tên lửa hành trình Kalibr, tàu ngầm hiện đại này có thể tham gia các sứ mệnh tấn công mục tiêu trên bộ. Tuy nhiên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm qua đã từ chối xác nhận hay phủ nhận thông tin trên.

 

Thuỵ Miên