10/01/2025

Kiểu thi… lạ

Có những hình thức thi cuối kỳ khá lạ mắt, thú vị, tạo được sự hứng khởi cho sinh viên.

 

Kiểu thi… lạ

 

Có những hình thức thi cuối kỳ khá lạ mắt, thú vị, tạo được sự hứng khởi cho sinh viên.




Sinh viên Trường CĐ Phát thanh - Truyền hình 2 tự thực hiện bài thi cuối kỳ - Ảnh: Trác Rin

Sinh viên Trường CĐ Phát thanh – Truyền hình 2 tự thực hiện bài thi cuối kỳ – Ảnh: Trác Rin



Việc áp dụng những kiểu thi lạ để thay đổi cách thi truyền thống quá đỗi quen thuộc với sinh viên (SV) như thi viết (tự luận), trắc nghiệm hoặc vấn đáp, đã và đang diễn ra tại nhiều trường ĐH, CĐ.
Các SV của ngành quan hệ công chúng Khoa Quan hệ quốc tế, Trường ĐH Ngoại ngữ – Tin học TP.HCM, vừa trải qua kỳ thi cuối kỳ môn quản trị sự kiện, bằng cách tổ chức sự kiện ngoài thực tế.
Theo đó, mỗi nhóm SV tự lên ý tưởng, viết kịch bản các chương trình cụ thể, giải thích lý do mục đích của ý tưởng và thực hiện, để lấy điểm cuối kỳ.
Đã có khá nhiều ý tưởng mới lạ, độc đáo được SV phác thảo như: chương trình nghệ thuật trình diễn với chủ đề “Dáng điệu âm nhạc Việt” để tôn vinh các loại nhạc cụ và tạo cơ hội cho SV hiểu biết các loại nhạc cụ dân tộc, dự án khuyến khích SV đi bộ cầu thang nhằm tránh tình trạng kẹt thang máy ở trường, hội thảo về ung thư vú nhằm nâng cao kiến thức cho SV, triển lãm về áo dài VN, tổ chức sự kiện để gợi nhớ về hình ảnh của Sài Gòn xưa…
Có mặt tại buổi thi “Dáng điệu âm nhạc Việt” diễn ra đêm 28.11, người viết không khỏi bất ngờ khi không ít phụ huynh cũng có mặt. Họ đến để chứng kiến, cổ vũ, động viên chương trình do chính con, em mình tổ chức. Họ phấn khích, vỗ tay nhiệt tình, tươi cười khi chương trình thành công mỹ mãn.
Tại Trường ĐH Văn Lang TP.HCM, trong mỗi kỳ thi cuối kỳ của môn tổ chức sản xuất chương trình video, các SV Khoa quan hệ công chúng được giảng viên yêu cầu tự viết kịch bản các chương trình cụ thể, có ý tưởng mới lạ, không trùng lặp với những chương trình truyền hình thực tế trên ti vi để thực hiện.
Nhiều ý tưởng về các chương trình trong nhiều lĩnh vực: âm nhạc, khoa học, giới tính, kỹ năng sống… đã ra đời từ những kỳ thi cuối kỳ như vậy. Các nhóm SV phân chia nhau đảm trách những công việc khác nhau như truyền thông, hậu cần, âm thanh, MC… và làm việc vô cùng chuyên nghiệp.
Còn tại Trường CĐ Phát thanh – Truyền hình 2 TP.HCM, hầu hết các môn chuyên ngành đều được tổ chức thi bằng cách làm sản phẩm thay vì thi tự luận. Như các môn tin truyền hình, phóng sự truyền hình, thay vì làm bài thi trên giấy, SV phải tự sản xuất sản phẩm là những bản tin truyền hình khoảng 10 – 15 phút để lấy điểm cuối kỳ.
Triệt tiêu kiểu “học vẹt”
Theo thạc sĩ Vũ Quốc Anh, Trưởng khoa Quan hệ quốc tế, Trường ĐH Ngoại ngữ – Tin học TP.HCM, sở dĩ thực hiện hình thức thi này vì với cách tự dàn dựng, tổ chức sự kiện sẽ giúp SV có thể ôn lại những kiến thức ở các bộ môn như: soạn thảo thư tín, lên kế hoạch, kỹ năng thương lượng, PR… Đồng thời, khoa muốn SV áp dụng kiến thức đã học để trải nghiệm, biết cách tổ chức sự kiện, cách lập hồ sơ và xin tài trợ… đến khi ra trường sẽ không bỡ ngỡ trong thực tế công việc.
Còn bà Phan Thị Tuyết Hương, giảng viên Khoa Báo chí – Truyền thông, Trường CĐ Phát thanh – Truyền hình 2, cho biết: “Trước khi cho thi kiểu lạ này đã từng cho SV thi kiểu truyền thống. Tuy nhiên, kết quả là SV làm bài thi theo kiểu học vẹt, chép lý thuyết theo sách nhiều hơn là hiểu. SV chỉ mong bài thi đạt được 5 điểm để qua môn”.
Cũng theo bà Tuyết Hương, với cách thi mới, SV phải học kỹ lý thuyết và phải hiểu mới làm được. Ngoài ra, còn tránh được tình trạng học thụ động, học đối phó đồng thời giúp SV nhớ bài lâu hơn…
Phạm Minh Châu, SV Khoa Quan hệ quốc tế, Trường ĐH Ngoại ngữ – Tin học TP.HCM, chia sẻ: “Hình thức thi kiểu tổ chức sự kiện rất mới lạ và rất thực tế. Khi nghe kiểu thi này thì hầu hết SV có chút lo lắng nhưng sau đó rất phấn khởi. Với cách thi này, SV tích luỹ thêm nhiều kinh nghiệm đồng thời học được rất nhiều kỹ năng như: làm việc nhóm, lãnh đạo, giải quyết vấn đề, điều phối công việc…”.

Thanh Nam