02/11/2024

​Trường tự soạn sách giáo khoa điện tử

Đó là Trường THPT Quang Trung (Đà Nẵng), khi các giáo viên, ban giám hiệu của trường này đã số hóa 33 bộ sách giáo khoa giấy hiện hành thành bộ sách giáo khoa điện tử của 11 môn học.

 

​Trường tự soạn sách giáo khoa điện tử

 

Đó là Trường THPT Quang Trung (Đà Nẵng), khi các giáo viên, ban giám hiệu của trường này đã số hóa 33 bộ sách giáo khoa giấy hiện hành thành bộ sách giáo khoa điện tử của 11 môn học.




 

 

Hiện Trường THPT Quang Trung mỗi tiết học dành khoảng 20-25 phút để giảng dạy bằng SGK điện tử, thời gian còn lại dạy bằng bảng - Ảnh: Đ.Cường
Hiện Trường THPT Quang Trung mỗi tiết học dành khoảng 20-25 phút để giảng dạy bằng SGK điện tử, thời gian còn lại dạy bằng bảng – Ảnh: Đ.Cường

Sách giáo khoa (SGK) điện tử mới áp dụng tại Trường Quang Trung được nhiều giáo viên, học sinh thích thú.

Chúng tôi kỳ vọng với sách giáo khoa điện tử, học sinh sẽ chủ động, tự học được, giúp giảm tình trạng học thêm đang gây bức xúc xã hội như hiện nay
Hiệu trưởng PHẠM SỸ LIÊM

Mới lạ

Sáng 25-11, học sinh lớp 10/1 Trường THPT Quang Trung học môn toán bằng SGK điện tử. Thay vì phải viết các định nghĩa, lý thuyết lên bảng, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Thuý bỏ đĩa DVD sách điện tử vào máy tính và dùng máy chiếu lên bảng. Những dòng chữ lý thuyết xuất hiện ngay lập tức, cùng với đó là phần thuyết minh của giáo viên. Đến phần bài tập, cô Thúy thành thạo click chuột trên máy để bốc đề cho học sinh. Sau ít phút, các em học sinh thay nhau lên bảng giải bài, giáo viên tiếp tục góp ý, hoàn chỉnh bài giải.

Tiếp đó, cô Thúy click chuột để máy chiếu hướng dẫn cách giải bài và kết quả bài toán. Điều thú vị là cùng một bài toán nhưng có đến 4-5 giáo viên hướng dẫn giải trên SGK điện tử, nên mỗi học sinh có thể tự chọn cách giải nào các em thích.

Lê Thị Mỹ Duyên – học sinh lớp 10/1 – cho biết: “Khi học cấp II thường các cô đọc hoặc ghi trên bảng cho chép nhiều hơn, mỗi năm chỉ 4-5 lần học sinh được thực hành máy chiếu. Khi vào lớp 10, tụi em có bộ đĩa DVD sách điện tử nên thường ở nhà bật máy xem bài, học bài trước. Chỗ nào chưa hiểu thì ghi lại trong vở, đến giờ học hỏi lại cô cho rõ. Tối về lại mở đĩa ra nghe một lần nữa cho thêm hiểu bài”.

Duyên cho biết mình thích học môn địa lý, mỗi khi đến giờ học cô giáo chiếu bản đồ bằng hình ảnh rất đẹp, sinh động, rõ ràng nên học hứng thú hơn là trên sách vì chữ nhỏ, màu đen trắng.

Còn Phạm Thị Kiều Duyên – học sinh lớp 10/1 – chia sẻ: “Nếu trên SGK thường có giới hạn về bài tập thì trên SGK điện tử các thầy cô có nhiều dạng bài tập khác nhau. Em theo học khối A nên thường rất quan tâm đến cách giải bài của thầy. Một bài toán không chỉ có cô chủ nhiệm dạy môn toán giải, mà trong SGK điện tử còn có nhiều thầy cô có cách giải khác, nên mình có thể chọn cách nào dễ hiểu, dễ nhớ hơn”.

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Thuý cho rằng với bộ SGK điện tử này giáo viên có nhiều thuận lợi hơn khi giảng dạy. Theo cô Thuý, lợi ích đầu tiên đó là thời gian. Bởi nếu giảng, viết đề bài trên bảng sẽ mất nhiều thời gian hơn là dùng máy chiếu. Giáo viên thay vì dùng thời gian viết bài trên bảng thì có thể kèm cặp học sinh, nhắc nhở các em học tốt hơn.

Ngoài ra, học sinh thay vì nghe giảng bài một lần trên lớp thì có thể dùng đĩa DVD nghe đi nghe lại nhiều lần. Trước khi học bài mới trên lớp, học sinh có thể nghe và học trước ở nhà, đến trường hỏi thầy cô những điều mình còn chưa rõ. Đối với bài tập dành cho học sinh cũng có nhiều loại, từ dễ đến khó, để phù hợp với học sinh đại trà hay học sinh học theo khối.

Tuy nhiên, cô Thuý cũng cho biết thêm: khi sử dụng SGK điện tử, phần khó khăn đối với giáo viên là khi thu âm bài giảng phải hết sức tĩnh lặng, để khi lên lớp mở cho học sinh nghe không bị tạp âm.

Kỳ vọng SGK điện tử

Thầy Phạm Sỹ Liêm – hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung – cho biết trường được xem là trường THPT đầu tiên của Đà Nẵng biên soạn và giảng dạy học sinh bằng bộ SGK điện tử. Bộ sách này được 70 giáo viên của trường bắt tay vào biên soạn cật lực từ năm 2010, đến nay đã hoàn thiện và đưa vào giảng dạy tại Trường Quang Trung từ năm học 2015-2016.

“Chúng tôi muốn đổi mới phương pháp dạy học cổ điển kiểu “viên phấn và cái bảng” bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hoá các bài học để học sinh chủ động, linh hoạt trong việc học” – thầy Liêm cho hay.

Theo thầy Liêm, SGK điện tử 11 môn học bao gồm 5.000 bài giảng được thiết kế dưới dạng e-Learning có chữ, hình ảnh, lời giảng từng bài của giáo viên, được đánh vào các DVD có thể xem trên máy vi tính. Các bài giảng cũng được đưa lên website của Trường Quang Trung, để học sinh tiện trong việc học.

Trong đó các môn văn, toán, tiếng Anh, vật lý, hoá học đều được đưa vào SGK điện tử giải hầu hết các bài tập. Ngoài ra, các đề thi THPT quốc gia cũng được đưa vào để tham khảo. Theo thầy Liêm, bộ SGK điện tử này được xem là 3 trong 1: học sinh có thể học bài mới ở nhà trước khi đến lớp.

Thứ nữa là nhiều thầy cô cùng dạy, giải một bài nên học sinh có nhiều sự lựa chọn và tiếp thu tốt hơn. Khi về nhà, học sinh có thể mở đĩa ra xem lại lần nữa. Với giáo viên, SGK điện tử giúp họ tiết kiệm được thời gian trên lớp, đặc biệt là với các môn trắc nghiệm không cần phải ghi trên bảng hoặc photo bài, mà chỉ cần mở máy chiếu.

Theo thầy Liêm, hiện toàn bộ học sinh lớp 10 Trường THPT Quang Trung đều được phát SGK điện tử miễn phí để học thời gian qua.

“Còn với học sinh lớp 11, 12 việc mua SGK điện tử này hoàn toàn tự nguyện, trường không ép buộc, nếu không mua các em có thể học trên web của trường. Cơ cấu tiết dạy ở trường cũng phân bố khá đều, thời gian dạy bằng máy chiếu trên lớp mỗi tiết khoảng 20-25 phút, thời gian còn lại dạy trên bảng”- thầy Liêm cho hay.

Ông Huỳnh Tấn Phúc – trưởng phòng giáo dục trung học (Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng) – cho biết bộ SGK điện tử là một sáng kiến giảng dạy thú vị. Sở đánh giá cao nỗ lực này của trường và khuyến khích phổ biến bộ SGK trên cho học sinh Trường Quang Trung.

 

ĐOÀN CƯỜNG ([email protected])