10/01/2025

Thách thức căn bản của bà Suu Kyi

Những cuộc gặp liên tiếp giữa bà Suu Kyi với các giới chức lãnh đạo quân đội ở Myanmar tạo ra hi vọng về khả năng chuyển giao quyền lực êm thắm.

 

Thách thức căn bản của bà Suu Kyi

 

Những cuộc gặp liên tiếp giữa bà Suu Kyi với các giới chức lãnh đạo quân đội ở Myanmar tạo ra hi vọng về khả năng chuyển giao quyền lực êm thắm.



 

Bà Suu Kyi gặp tướng Min Aung Hlaing ngày 2-12 - Ảnh: Reuters
Bà Suu Kyi gặp tướng Min Aung Hlaing ngày 2-12 – Ảnh: Reuters

Mọi người phải chấp nhận sự thật, Daw Aung San Suu Kyi sẽ là lãnh đạo tương lai của Myanmar sau chiến thắng trong bầu cử

Thống tướng Than Shwe dùng từ “Daw” để nói lên sự tôn trọng với bà Suu Kyi

Hai cuộc họp kín riêng rẽ với nội dung “hoà giải dân tộc và chuyển giao quyền lực êm thắm” giữa bà Aung San Suu Kyi với Tổng thống Thein Sein và sau đó với tướng tư lệnh quân đội Min Aung Hlaing đã diễn ra hôm 2-12 tại thủ đô Naypyidaw.

Theo tờ The Irrawaddy của nước này, cuộc gặp thể theo yêu cầu của bà Suu Kyi sau thắng lợi bầu cử hôm 8-11.

Sau cuộc họp giữa bà Suu Kyi và tướng Min Aung Hlaing, quân đội Myanmar ra một thông cáo, trong đó có câu: “Trong cuộc gặp, hai bên đồng ý theo đuổi ước vọng của dân chúng là cộng tác vì sự ổn định của đất nước, pháp trị, đoàn kết và phát triển quốc gia”.

Tuy nhiên theo đại diện của Tổng thống Thein Sein và tướng Min Aung Hlaing, việc chuyển giao quyền hành không thể sớm hơn đầu tháng 4 năm tới.

Đến thứ sáu 4-12, thêm một cuộc gặp kín nữa giữa bà Suu Kyi với thống tướng Than Shwe, nguyên lãnh đạo tối cao cánh quân đội Myanmar đến năm 2011 và đến nay vẫn được xem là nhân vật đứng trong hậu trường. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa hai người sau 12 năm.

Trong quá khứ 19 năm dưới trào tướng Than Shwe, bà Suu Kyi đã bị quản thúc tại gia đến hơn 15 năm! Sau cuộc gặp, cháu nội của tướng Than Shwe là Nay Shwe Thway Aung viết trên Facebook cho biết ông nội của mình, năm nay 82 tuổi, ủng hộ bà Suu Kyi “làm lãnh đạo tương lai” và về “việc dựng nền móng vững chắc cho nền dân chủ”.

Riêng bà Suu Kyi, thông qua người phát ngôn của đảng mình, đã cho biết bà lạc quan với kết quả cuộc gặp và tin tưởng vào quá trình chuyển giao quyền lực sắp tới. Có vẻ như nỗi lo ngại cánh quân sự một lần nữa không chịu giao quyền lực đang được các tướng lĩnh hàng đầu trên làm dịu. Nhưng vẫn còn đó mối nguy cơ “nằm vùng”.

Còn năm tháng để bà Suu Kyi và đảng của bà chuẩn bị thay thế đảng cầm quyền. Thế nhưng trừ một số ghế bộ, thứ trưởng, bất quá thêm ghế chánh văn phòng tại các bộ không đương nhiên do quân đội nắm, chắc chắn sẽ không có việc Đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) đưa người vào chiếm mọi vị trí do Đảng Đoàn kết phát triển liên bang (USDP) cầm quyền nắm giữ từ mấy chục năm nay.

Ở đâu cũng thế, trong một nền hành chính quốc gia, những nhà chính trị đến rồi đi, các công chức chuyên nghiệp ở lại chứ không phục vụ riêng một đảng nào. Cũng thế, nếu muốn nắm các tỉnh thành phải qua bầu cử địa phương.

Thế nhưng nếu như ở hầu hết các nước khác bộ máy công chức chuyên nghiệp sẽ tiếp tục làm việc với bộ trưởng mới, thứ trưởng mới, giám đốc mới, còn tại Myanmar một đội ngũ như thế không có do đã quen phục vụ USDP suốt mấy mươi năm qua.

Nếu như cung cách làm việc và quan hệ với người dân là tốt, thậm chí trung bình khá, thì USDP đâu đã thất cử, đâu đến lượt NLD nay thế chỗ!

Từ đó đặt ra tính hiệu quả của chính quyền tương lai của bà Suu Kyi. Để có thể thực thi tốt các chính sách của bà này, e rằng phải đợi tối thiểu một khóa sinh viên tốt nghiệp quốc gia hành chính sau 4-5 năm tới, được đào tạo bởi một dàn giáo viên mới, theo một triết lý cầm quyền mới, một chương trình mới, khởi đầu một thế hệ công chức mới, chuyên nghiệp.

Trong khi đó, việc “cởi trói” hơn nữa bộ máy kinh tế lại cần đến một đội ngũ viên chức “dấn thân” và liêm chính.

Liệu NLD có đủ người làm hạt nhân cho cỗ máy gồm đến 32 bộ, không để tái diễn các thói quen xấu cũ thể hiện qua vị trí 156 trên bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng 2014?

Liệu công chức từ các trào quân đội sẽ tự thay đổi, chuyên nghiệp hoá? Không dễ dàng khi quân đội vẫn đương nhiên nắm đến 1/4 số ghế quốc hội cùng những bộ lớn và USDP cầm quyền cho tới lúc đó sẽ thành đảng đối lập.

Liệu trong bối cảnh “đầu Ngô mình Sở” đó sẽ xảy ra những vụ “thọc gậy bánh xe” trong bộ máy nhà nước – điều mà ở các nước quen luân phiên cầm quyền, bộ máy hành chính chuyên nghiệp không còn nghĩ đến?

 

HỮU NGHỊ