29/11/2024

Sức mạnh quân sự Thổ Nhĩ Kỳ

Sở hữu nhiều khí tài ấn tượng, Thổ Nhĩ Kỳ tự tin cho rằng mình có thể đối đầu với mọi cuộc tấn công từ các quốc gia hùng mạnh.

 

Sức mạnh quân sự Thổ Nhĩ Kỳ

 

Sở hữu nhiều khí tài ấn tượng, Thổ Nhĩ Kỳ tự tin cho rằng mình có thể đối đầu với mọi cuộc tấn công từ các quốc gia hùng mạnh.




Tàu hộ tống tàng hình lớp Ada của Thổ Nhĩ Kỳ - Ảnh: Defence.pk

Tàu hộ tống tàng hình lớp Ada của Thổ Nhĩ Kỳ – Ảnh: Defence.pk


Kể từ sau vụ tiêm kích Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi chiếc Su-24 của Nga hôm 24.11, căng thẳng giữa 2 nước đã dâng cao tới mức chưa từng thấy. Cộng thêm tình hình phức tạp hiện nay tại khu vực khiến nảy sinh nhiều lo ngại về nguy cơ nổ ra chiến tranh.

Tuy các chuyên gia khẳng định hầu như không có khả năng chiến tranh toàn diện, nhưng nguy cơ đụng độ nhỏ lẻ vẫn luôn chực chờ. Dù Nga là một trong những nước có sức mạnh quân sự lớn nhất thế giới hiện nay, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ, với niềm kiêu hãnh của người kế thừa đế chế Ottoman năm xưa cùng lực lượng vô cùng đáng gờm, sẽ không dễ dàng bị lấn lướt.
Át chủ bài trên không
Không lực Thổ Nhĩ Kỳ hiện có gần 250 tiêm kích đa nhiệm F-16 và 30 chiếc trong số này thuộc thế hệ Block 50+. Đây là phiên bản mới nhất của F-16 được sản xuất tại nước này theo giấy phép của Mỹ. Chuyên trang The National Interest dẫn lời các chuyên gia cho biết ngay từ giữa thập niên 1980, Ankara đã đưa vào hoạt động các phiên bản khác nhau của F-16. Nhờ đó, không quân Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều kỹ năng và kinh nghiệm điều khiển chiến đấu cơ này trong mọi tình huống.
Tiêm kích F-16 càng trở nên uy lực hơn khi được gắn tên lửa không đối không tầm trung AIM-120 của Mỹ. Đây chính là loại mà phi công Thổ dùng bắn rơi chiếc Su-24 của Nga hôm 24.11. Với tầm bắn gần 50 km, AIM-120 được cho là sẽ biến F-16 thành mối đe dọa lớn cho không quân Nga.
Một con chủ bài khác là tổ hợp gây nhiễu dải tần rộng KORAL. Đây là phần bổ sung mới nhất cho năng lực tác chiến điện tử của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, được quảng cáo là có tác dụng làm tê liệt mọi loại radar thông thường lẫn phức tạp. Là sản phẩm nội địa do Tập đoàn công nghệ quân sự nhà nước Aselsan thiết kế, KORAL còn có thể phân tích cùng lúc nhiều tín hiệu mục tiêu trong dải tần lớn, tự động phát ra những phản ứng thích hợp nhờ bộ nhớ tần số vô tuyến kỹ thuật số. Với tầm hoạt động hiệu quả trên 150 km, hệ thống này được cho là có thể làm nhiễu và qua mặt mọi hệ thống radar trên mặt đất, trên không và trên biển.
Theo giới quan sát, tổ hợp mới này sẽ hạn chế khả năng nhận biết tình huống của người Nga, “làm mù” các hệ thống vũ khí có thể đe dọa quân đội Thổ Nhĩ Kỳ chẳng hạn như hệ thống tên lửa S-400.
Sức mạnh quân sự Thổ Nhĩ Kỳ - ảnh 1

Binh sĩ thuộc đơn vị SAT – Ảnh: Hollila

Uy lực từ hải quân
Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ hiện sở hữu 4 tàu ngầm lớp Gür, một trong những loại tàu ngầm phi hạt nhân tốt nhất thế giới. Được chế tạo theo mẫu tàu Type 209 T2/1400 của Đức, Gür có gắn tên lửa đối hạm Harpoon cùng các ngư lôi hạng nặng DM2A4 (Đức) và Tigerfish (Anh). Cũng như tàu ngầm lớp Kilo đối thủ của Nga, Gür hoạt động cực êm và sở hữu hệ thống phát hiện và dò tìm tối tân để đóng vai trò “sát thủ thầm lặng”, có thể đe doạ các nhóm tàu đang bài binh bố trận tại Địa Trung Hải. Theo The National Interest, điều này khiến năng lực tác chiến chống ngầm trở thành mối quan tâm lớn của Nga khi triển khai lực lượng đến gần Thổ Nhĩ Kỳ.
Một khí tài ấn tượng khác là tàu hộ tống tàng hình lớp Ada, được cho là đối trọng lớn cho các nhóm tàu chiến nổi và hậu cần của Nga tại Địa Trung Hải. Đây là tàu sản xuất nội địa, trang bị 8 tên lửa Harpoon Block II, pháo OtoMelara Super Rapid 75 mm cùng nhiều vũ khí khác. Ada được xếp vào dạng những chiến hạm có khả năng tàng hình lợi hại nhất hiện nay nhờ mọi tín hiệu radar, hồng ngoại và âm thanh phát ra đều được giảm đến mức thấp nhất.
Về mặt con người, hải quân Thổ Nhĩ Kỳ đang sở hữu lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ nhất nước là đơn vị biệt kích hải quân SAT, có thể hoạt động trong mọi môi trường với nhiệm vụ xâm nhập sâu bên trong giới tuyến địch từ trên không hoặc trên biển. Mục tiêu của lực lượng này là tấn công những mục tiêu có giá trị lớn như các cơ sở cảng biển và tàu đang thả neo. Theo chuyên trang Defence.pk, ưu thế của SAT còn là tấn công nhanh, tung đòn hiểm gây bất ngờ cho đối phương. Đặc biệt là trong trường hợp cuộc xung đột nhỏ, SAT sẽ có thể thực hiện những chiến dịch phá hoại bí mật nhằm vào hạ tầng ven biển Syria cũng như cơ sở của Nga tại Địa Trung Hải.
Thổ Nhĩ Kỳ tố lính Nga “chĩa tên lửa vào Istanbul”
Chính quyền Ankara đã phản ứng đầy giận dữ trước hình ảnh cho thấy một binh sĩ Nga vác một khẩu phóng rốc két trong tư thế sẵn sàng khai hỏa khi tàu chiến Caesar Kunikov của nước này đi qua eo biển Bosphorus nằm giữa TP.Istanbul. “Việc binh sĩ đứng trên tàu chiến Nga phô trương những thứ như tên lửa thật sự là hành động khiêu khích”, tờ Hurriyet Daily News dẫn lời Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu ngày 7.12 phẫn nộ nói.
Theo truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ, tàu Caesar Kunikov thuộc Hạm đội Biển Đen (Nga) vượt qua eo biển Bosphorus vào sáng 6.12. Theo một hiệp ước quốc tế, Thổ Nhĩ Kỳ phải cho phép mọi loại tàu đi qua eo biển này.
Cùng ngày, Phó thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Mehmet Simsek cho biết những biện pháp trừng phạt do Nga áp đặt sau vụ bắn hạ máy bay hồi tháng trước có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đến 9 tỉ USD mỗi năm trong kịch bản “tồi tệ nhất”, theo Hãng tin Bloomberg.
Cũng trong ngày 7.12, Ngoại trưởng Cavusoglu tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ “có trách nhiệm bảo vệ” các binh sĩ của mình đang hoạt động tại TP.Mosul (Iraq). Trước đó, Ankara đã khiến Baghdad vô cùng giận dữ khi triển khai khoảng 130 – 150 lính tới Mosul để “huấn luyện lực lượng tự vệ địa phương chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo”. Chính quyền Iraq khẳng định không biết trước về việc này, đồng thời cáo buộc đây là hành động “vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Iraq”. Baghdad cũng tuyên bố sẽ kiện ra HĐBA LHQ nếu Ankara không rút quân.
Sức mạnh quân sự Thổ Nhĩ Kỳ - ảnh 2

Hình ảnh được cho là của binh sĩ Nga vác súng phóng rốc két trên tàu Caesar Kunikov – Ảnh: Hurriyet Daily News

Danh Toại