Chỉ mới sau 3 năm hoạt động, trang bán hàng qua mạng Lazada.vn đến từ nước Đức đã vươn lên dẫn đầu và chiếm giữ hơn 36% thị phần bán lẻ trực tuyến (online).
Nước ngoài thống lĩnh bán lẻ online
Chỉ mới sau 3 năm hoạt động, trang bán hàng qua mạng Lazada.vn đến từ nước Đức đã vươn lên dẫn đầu và chiếm giữ hơn 36% thị phần bán lẻ trực tuyến (online).
Theo báo cáo của Cục Thương mại điện tử (TMĐT) và Công nghệ thông tin, tổng doanh thu từ TMĐT tại VN năm 2014 đạt 2,97 tỉ USD, chiếm 2,12% tổng mức bán lẻ hàng hoá cả nước.
Tăng trưởng 100% mỗi năm
Năm 2015, thị trường này đã có sự bùng nổ mạnh hơn và ước tính doanh thu sẽ tăng gấp đôi, xấp xỉ 6 tỉ USD. Ví dụ ở website bán hàng Lazada, nếu như cách đây 2 năm ngày cao điểm nhất chỉ có 500 đơn hàng thì trong tháng 11 vừa qua, ngày cao điểm công ty này đã nhận được 5.000 đơn hàng. Tổng giám đốc Lazada VN Alexandre Dardy nhận định tiềm năng của TMĐT tại VN còn rất lớn bởi hiện tại tổng doanh thu của thị trường chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng giá trị thị trường bán lẻ VN và dự báo tới năm 2020 mới tăng lên tỷ lệ 10%. Tương tự, theo ông Nguyễn Ngọc Điệp – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vật Giá, thị trường TMĐT đang phát triển rất sôi động và trong năm 2015, tốc độ tăng trưởng nhảy vọt từ 0 – 100% so với năm trước. Hiện nay thị trường này đã có quy mô gấp 10 – 15 lần so với 5 năm trước đó.
Còn theo ông Nguyễn Dũng – Trưởng đại diện Hiệp hội TMĐT VN tại TP.HCM, số liệu từ các công ty giao nhận lớn trong nước công bố trong 9 tháng năm 2015, số lượng đơn hàng của TMĐT đã tăng 4,5 – 5 lần so với cùng kỳ năm 2014. Độ lớn của thị trường bán lẻ online còn rất lớn do VN có gần 50% người dân đang sử dụng internet. Tuy nhiên, theo khảo sát của Cục TMĐT, nhiều người dân vẫn chưa tham gia mua sắm online do họ cho rằng khó kiểm định chất lượng hàng hóa, không tin tưởng vào người bán hàng, không có các loại thẻ thanh toán và thậm chí cách thức mua hàng online quá rắc rối… Đặc biệt vấn đề thanh toán qua mạng hiện nay đang là điểm yếu của TMĐT và hơn 80% vẫn là giao hàng nhận tiền mặt.
Vốn ngoại đè doanh nghiệp nội
Nếu không có vốn ngoại sẽ không cạnh tranh được vì nguồn vốn trong nước không huy động được nên việc sẵn sàng đầu tư 10 – 20 triệu USD là rất hiếm
ông Nguyễn Ngọc Điệp - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vật Giá
Sau hơn một thập niên, các doanh nghiệp trong nước dù đã ra đời từ sớm nhưng vẫn chỉ chiếm thị phần ít ỏi trên thị trường. Trong khi đó chỉ sau 3 năm có mặt tại VN, trang Lazada đã vượt qua 216 sàn TMĐT khác trong nước để đứng đầu về doanh thu, chiếm 36% thị phần trong năm 2014. Tiếp nối là các trang Sendo chiếm 14,4%, Zalora đứng thứ 3 với 7,2% thị phần, Tiki nắm giữ 5,4%…
Giờ đây khi nói đến mua hàng qua mạng, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến cái tên Lazada. Cả Lazada và Zalora đều trực thuộc Tập đoàn Rocket Internet của Đức. Trong 3 năm qua, gã khổng lồ này liên tục rót vốn cho các công ty con của mình và ước tính ở thời điểm hiện tại, Rocket Internet đã kêu gọi được gần 700 triệu USD cho Lazada Group tại 6 nước Đông Nam Á. Với tiềm lực này, Lazada đã mạnh tay chi cho tiếp thị trực tuyến, nên càng bỏ xa những trang web đi tiên phong trong lĩnh vực TMĐT của VN.
Đây cũng là nguyên nhân khiến các đơn vị trong nước đều mong muốn tìm được nguồn vốn đầu tư mới từ các nhà đầu tư ngoại. Theo lý giải của ông Nguyễn Ngọc Điệp, ngoài tiền, nhà đầu tư ngoại còn cung cấp công nghệ quản lý, hỗ trợ tư vấn về chiến lược phát triển, hỗ trợ tư vấn những kỹ thuật mới, quản trị nội bộ… “Nếu không có vốn ngoại sẽ không cạnh tranh được vì nguồn vốn trong nước không huy động được nên việc sẵn sàng đầu tư 10 – 20 triệu USD là rất hiếm. Các nhà đầu tư ngoại đã và đang nhìn thấy tiềm năng nên đổ tiền vào đầu tư và họ sẽ thâu tóm nhiều ở lĩnh vực TMĐT trong tương lai”, ông Nguyễn Ngọc Điệp chia sẻ. Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoà Bình, Chủ tịch HĐQT Peacesoft Group, cho rằng nếu không kêu gọi được vốn ngoại đầu tư thì các doanh nghiệp (DN) trong nước sẽ khó phát triển trong lĩnh vực TMĐT. Trong vòng 10 năm trước, các DN VN đầu tư tổng cộng chưa tới 50 triệu USD mà chỉ một mình Lazada đã có số vốn gấp đôi nên dễ đánh bật đối thủ.
“Tuy nhiên, các DN trong nước có lợi thế riêng trên sân nhà. Ví dụ dễ dàng liên kết được với nhau, kết nối giữa các nhà bán lẻ với DN vận chuyển, giao nhận hàng hoá.”, ông Nguyễn Hoà Bình nói. Thế nhưng, theo ông Nguyễn Dũng, vốn không phải là yếu tố quan trọng nhất. “Thật sự nếu một doanh nghiệp VN có được số tiền đầu tư lớn như Lazada cũng chưa chắc đã vận hành tốt như vậy. Bởi trong một ngày để xử lý được 500 đơn hàng là khác nhưng để tiến tới xử lý được hàng ngàn đơn hàng như Lazada sẽ là một câu chuyện hoàn toàn khác nữa. Nhiều công ty trong nước đã không quan tâm đến vấn đề giao nhận hoặc sau khi nhận tiền không có trách nhiệm giao hàng đúng thời gian cam kết…”, ông Nguyễn Dũng nói.
Dự báo trong thời gian tới, xu hướng vốn ngoại tham gia trực tiếp vào thị trường TMĐT VN ngày càng mạnh. Sự cạnh tranh sẽ ngày càng khốc liệt hơn và nếu không tự thay đổi mình, các DN trong nước sẽ dần dần bị thu hẹp, tự đóng cửa.