29/11/2024

Chuyện ở phòng giám thị

‘Phòng giám thị không chỉ là nơi để xử phạt, tiếp HS chưa ngoan mà còn là nơi trút nỗi lòng của HS có hoàn cảnh đặc biệt’.

 

Chuyện ở phòng giám thị

 

‘Phòng giám thị không chỉ là nơi để xử phạt, tiếp HS chưa ngoan mà còn là nơi trút nỗi lòng của HS có hoàn cảnh đặc biệt’.



 


Cô Lê Thu Tâm trò chuyện cùng học trò - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Cô Lê Thu Tâm trò chuyện cùng học trò – Ảnh: Đào Ngọc Thạch


Cô Lê Thu Tâm, giám thị Trường THPT Marie Curie (TP.HCM), đã chia sẻ như thế.

Dùng tình cảm thay đổi học sinh
Gần 12 giờ trưa nhưng phòng giám thị ở Trường THPT Marie Curie vẫn bận rộn vì phải xử lý những học sinh (HS) phạm lỗi… Dù mệt, đói nhưng cô Tâm vẫn niềm nở kiên nhẫn với từng học trò. “Làm giám thị tới sớm nhất nhưng về muộn nhất. Nhiều khi hết giờ mà vẫn phải ngồi để làm việc với HS. Đôi khi còn phải tới nhà HS vì phụ huynh không có thời gian tới trường”, cô Tâm kể.
Tiếp xúc với HS phạm lỗi, thái độ của giám thị thường nghiêm khắc, lạnh lùng. Chính vì thế, học trò hay ác cảm, đôi khi còn đặt cho thầy cô những biệt danh nghe khó lọt tai.
Cô Tâm nhớ lại: “Trường có 10 dãy với hơn 3.000 HS, mỗi giám thị phụ trách một dãy. Tôi được phân công phụ trách quản lý dãy B. HS ăn mặc xộc xệch, chơi trong giờ học, ngủ trong lớp, thậm chí còn biểu lộ tình cảm yêu đương trước mặt nhiều người tôi đều xử lý triệt để”.
Cô tâm bộc bạch: “Tôi hiểu tâm lý phạm lỗi của học trò. Mỗi HS phạm lỗi giống như một cái máy được lập trình sẵn. HS nào đi học muộn sẽ lặp đi lặp lại nhiều lần, HS nào đánh nhau nó sẽ có tổ chức… Cứ nắm được quy trình phạm lỗi của HS rồi đưa ra phương pháp tất sẽ quản lý tốt. Thấy tôi nghiêm khắc, HS hay ác cảm và gắn cho tôi biệt danh “hùm xám” dãy B. Lúc đầu nghe cũng thấy buồn, nhưng sau đó thấy các em hiểu chuyện và thay đổi thái độ, nhìn các em ngoan hơn tôi thấy mình làm đúng. Tôi tâm niệm là để HS tâm sự cởi mở với thầy cô thì nên dùng tình cảm”.
Hơn 11 năm làm giám thị, cô Tâm đã thuộc lòng lỗi mà HS thường mắc phải. Nhiều khi chỉ cần nhắc vài đặc điểm là cô Tâm có thể đọc tên học trò.
Kỷ luật, khen thưởng công minh
“Để quản lý được HS, chỉ nhìn, nghe bằng tai mắt thôi thì không đủ. HS có nhiều chiêu trò lắm, mình không thể nào bao quát hết được. Nhiều khi cô đi đằng trước trò vi phạm đằng sau thì cũng khó phát hiện. Nên muốn làm giám thị tốt phải có chiến lược riêng. Đó là phải xây dựng… chân rết”, một giám thị cười bí hiểm nói.
Cũng nhờ phương pháp này mà việc HS hút thuốc, đánh nhau, ăn quà vặt trong lớp không thể qua mắt giám thị. Thậm chí, nhiều chuyện mới chỉ manh nha hình thành qua những bức thư tay đã bị giám thị phát hiện và có kế hoạch ngăn chặn.
Thầy Nguyễn Ngọc Phú, giám thị trường THCS Lê Lợi, chia sẻ: “Trường Lê Lợi tập hợp HS ở nhiều môi trường phức tạp. Do ảnh hưởng từ môi trường sống nên nhiều HS rất khó bảo. Làm việc với các em này chúng tôi luôn phải khéo léo, vừa kỷ luật nhưng phải kết hợp với khen thưởng. Đôi khi tôi giao cho HS những nhiệm vụ cụ thể”.

Lam Ngọc