09/01/2025

Hết thời ‘xài chùa’

Nhiều điều chỉnh về các lĩnh vực bằng sáng chế, nhãn hiệu, bản quyền phần mềm, bí mật thương mại… cho phép xử lý hình sự những xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).

 

Hết thời ‘xài chùa’

 

Nhiều điều chỉnh về các lĩnh vực bằng sáng chế, nhãn hiệu, bản quyền phần mềm, bí mật thương mại… cho phép xử lý hình sự những xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).




Vi phạm sở hữu trí tuệ sẽ ảnh hưởng lớn đến thu hút đầu tư nước ngoài	- Ảnh: D.Đ.M

Vi phạm sở hữu trí tuệ sẽ ảnh hưởng lớn đến thu hút đầu tư nước ngoài – Ảnh: D.Đ.M


Phá sản hoặc vào tù như chơi

Chẳng hạn, các hành vi cố tình giả mạo nhãn hiệu, sao chép bản quyền hoặc các quyền liên quan quy mô thương mại hoặc cố tình nhập khẩu, xuất khẩu hàng hoá mang thương hiệu giả mạo, sử dụng trong nước trái phép các nhãn mác bao bì trong quá trình thương mại… đều bị xử lý hình sự. Đặc biệt, TPP cũng yêu cầu các thành viên áp dụng biện pháp hình sự một số hình thức xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) mới xuất hiện sau này như thiết kế các phần mềm phá mã điện tử, câu trộm để phát tán tín hiệu truyền hình cáp…
Theo chuyên gia tư vấn Lý Trường Chiến, thành viên Ban Chấp hành Hội SHTT TP.HCM, các hành vi này từ trước đến nay xuất hiện nhan nhản và vô tư tại thị trường VN, với TPP, bắt buộc phải được loại bỏ. Như vậy, liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin, việc mua chiếc điện thoại từ nước ngoài, mang về VN để “bẻ khoá” trong thói quen của một số người sẽ biến mất. Hay mua laptop chính hãng, thay vì mua phần mềm cài đặt của Microsoft khoảng 1,8 – 2 triệu đồng, một số người có thói quen “dấm dúi” mang ra ngoài thuê cài phần mềm lậu với chi phí khoảng 100.000 – 200.000 đồng cũng sẽ biến mất.
Với các sản phẩm sản xuất, việc “cố tình sản xuất, nhập khẩu hàng hóa mang thương hiệu giả mạo” được đề cập trong TPP có thể hiểu là những sản phẩm hàng hiệu của nước ngoài, hiện đang được kinh doanh “nhân rộng” dưới hình thức “hàng xách tay” hay “hàng xuất khẩu” các nhãn hàng lớn như: Lascote, Calvin Klein (CK), Levi’s, Nike, Nine West, Puma, Adidas, Michael Kors, Coach, Gucci, Tommy, Victoria Secret, Triumph… ngay tại các điểm mua sắm lớn cũng dễ đối diện với các vi phạm này.
Hiện tại, người tiêu dùng không khó để tậu một chiếc đầm hiệu Mango, chiếc quần jeans hiệu Express, bộ đồ lót của Victoria Secret hay đôi giày hiệu Puma giá chỉ vài trăm ngàn một sản phẩm ngay trong các trung tâm mua sắm Saigon Square, Taka hay bên hông chợ Bến Thành (TP.HCM). Chiếu theo quy định này, trong tương lai thời hậu TPP, khung cảnh tấp nập mua sắm như hiện tại sẽ giảm phần nào. Đặc biệt, quy định trong TPP “đánh” vào tận gốc, xử lý Hình sự những điểm sản xuất, xuất khẩu hàng giả mạo này.
 
 
Hết thời 'xài chùa' - ảnh 1
Vi phạm về SHTT không phải là câu chuyện của một DN, một ngành hàng mà sẽ ảnh hưởng lớn đến thu hút đầu tư nước ngoài của quốc gia. Đừng quá lạc quan cho một cuộc bùng nổ vốn FDI khi những vi phạm về SHTT tại VN chưa được xử lý nghiêm
Hết thời 'xài chùa' - ảnh 2
 
GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI
 

Khó thu hút FDI

Microsoft, doanh nghiệp (DN) bị vi phạm SHTT cao tại các nước chưa và đang phát triển, khi đầu tư vào VN, đã yêu cầu Chính phủ VN phải cam kết chống vi phạm SHTT. Trong tương lai, các yêu cầu ràng buộc kiểu này sẽ tiếp tục xảy ra thường xuyên hơn.
Bình luận vấn đề này, theo TS Nguyễn Văn Viễn – Chủ tịch Hội SHTT TP.HCM, thực tế tại Hiệp định TRIPS mà khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), VN đã ký kết đều có quy định áp dụng các thủ tục hình sự với các trường hợp xâm phạm quyền SHTT, đặc biệt trường hợp cố tình xâm phạm và xâm phạm với quy mô thương mại. Pháp luật VN cũng ghi nhận việc xử lý các hành vi xâm phạm nhãn hiệu bằng biện pháp này tại bộ luật Hình sự sửa đổi 2009 và luật SHTT 2005.
“Tuy nhiên, với TPP, phải xác định từ nay không có cái gì là không có chủ cả, không có cái gì mà xài chùa một cách vô tư nữa cả, kể cả một số tư liệu có trên mạng mà lâu nay ta hay vô tư tải về”. TS Viễn nói và cũng cảnh báo rằng, với TPP, vấn đề về SHTT sẽ khắt khe hơn bởi mọi vi phạm sẽ đối diện với bộ luật về SHTT của 12 quốc gia, các tiêu chuẩn đều được bảo hộ SHTT trong phạm vi chung của 12 quốc gia chứ không còn câu chuyện của một quốc gia nữa.
Các chuyên gia về SHTT cảnh báo nếu DN tiếp tục thờ ơ với các vấn đề liên quan đến SHTT như thời gian qua, sơ sẩy có thể bị phá sản hoặc nặng hơn là bị vào tù như chơi. Không chỉ vậy, những vi phạm về SHTT sẽ tạo rào cản rất lớn trong thu hút đầu tư nước ngoài (FDI). Một trong những lưu ý của chuyên gia kinh tế là yêu cầu của các nhà đầu tư FDI khi vào VN là vấn đề thực thi quyền SHTT.
GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN FDI, nhấn mạnh: “Vi phạm về SHTT không phải là câu chuyện của một DN, một ngành hàng mà sẽ ảnh hưởng lớn đến thu hút đầu tư nước ngoài của quốc gia. Đừng quá lạc quan cho một cuộc bùng nổ vốn FDI khi những vi phạm về SHTT tại VN chưa được xử lý nghiêm”. GS Nguyễn Mại cho rằng các nhà đầu tư nước ngoài lo sợ nhất là nạn sao chép lậu, vô tư xài miễn phí phần mềm có bản quyền của người ta. Đặc biệt, việc các công ty vệ tinh, gia công tại VN cho các tập đoàn nước ngoài, nếu vi phạm SHTT, các tập đoàn nước ngoài cũng sẽ ảnh hưởng theo.
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, việc nỗ lực hạn chế tối đa để tránh không bị tranh chấp, bị kiện là cần thiết và quan trọng. Nỗ lực của các cơ quan quản lý là trong những năm tới, phải “kéo” vi phạm bản quyền phần mềm của VN từ 80% xuống 70%. Tuy nhiên, nếu đạt được tỷ lệ này, VN cũng sẽ gặp nhiều thách thức lớn khi tham gia TPP. Mặc dù cho rằng, những cam kết về SHTT sẽ được thực hiện theo lộ trình, phù hợp với trình độ phát triển và năng lực thực thi của VN, song theo ông Trần Quốc Khánh, nếu không thực sự quyết liệt ngay từ bây giờ, VN khó đáp ứng được yêu cầu cao của TPP. Đồng quan điểm, GS Nguyễn Mại cũng đề nghị VN nên chú trọng khâu kiểm soát và nghiêm trị hành vi vi phạm SHTT từ lúc này để “tập” cho DN trong nước có thói quen trước khi vào TPP.

Nguyên Nga