09/01/2025

Hàng không châu Âu phải nộp thông tin hành khách cho chính phủ

Cùng với việc cân nhắc lại quyền đi lại tự do trong khối, các nước châu Âu vừa đạt được thoả thuận về việc chia sẻ thông tin hành khách hàng không như một nỗ lực ngăn chặn khủng bố.

 

Hàng không châu Âu phải nộp thông tin hành khách cho chính phủ

 

 

Cùng với việc cân nhắc lại quyền đi lại tự do trong khối, các nước châu Âu vừa đạt được thoả thuận về việc chia sẻ thông tin hành khách hàng không như một nỗ lực ngăn chặn khủng bố.




 

 

Thủ tướng Anh David Cameron (trái) và Thủ tướng Bulgaria Boiko Borisov thăm một hàng rào dọc biên giới Bulgaria - Thổ Nhĩ Kỳ ngày 4-12 - Ảnh: Reuters
Thủ tướng Anh David Cameron (trái) và Thủ tướng Bulgaria Boiko Borisov thăm một hàng rào dọc biên giới Bulgaria – Thổ Nhĩ Kỳ ngày 4-12 – Ảnh: Reuters

“Sau nhiều năm thảo luận, chúng tôi cuối cùng đã có thỏa thuận về một PNR (cơ chế lưu giữ tên hành khách) của châu Âu” – Hãng tin AFP dẫn lời Bộ trưởng nội vụ Etienne Schneider của Luxembourg, nước đang là chủ tịch luân phiên của EU, phát biểu ngày 4-12 tại cuộc gặp với 27 người đồng cấp ở Brussels.

Thoả thuận sẽ cần được Nghị viện châu Âu chính thức thông qua trong vài tuần tới trước khi các nước bắt tay vào thực hiện. Quá trình có thể kéo dài trong hai năm.

Đó không phải một dạng siêu hồ sơ của châu Âu, mà là cơ chế phối hợp của hồ sơ ghi nhận theo từng quốc gia

Một nguồn tin ngoại giao giải thích

Ngăn khủng bố

Bộ trưởng nội vụ Đức Thomas de Maizière khẳng định thông tin hành khách hàng không sẽ giúp “theo dõi đường đi nước bước của những kẻ khủng bố và tội phạm khác”.

Ông Timothy Kirkhope, quan chức của Nghị viện châu Âu, nhìn nhận: “Chúng ta không thể đợi lâu hơn nữa để thực hiện cơ chế này. Đây là một thoả thuận tốt tạo nên vũ khí chống khủng bố”.

Pháp, quốc gia đã cố gắng thúc đẩy thoả thuận này, gọi đây là một bước đột phá giúp trấn an các lo ngại của châu Âu.

“Những kẻ khủng bố đi các chuyến bay nội địa châu Âu. Chúng ta phải theo dấu chúng để ngăn các nguy cơ khủng bố” – Bộ trưởng nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve chỉ ra.

Mỹ cũng góp phần thúc đẩy thoả thuận PNR tại châu Âu nhiều năm qua và mới đây nhắc lại lời kêu gọi sau vụ tấn công ở Paris hôm 13-11. Mỹ thậm chí mong muốn có sự chia sẻ thông tin ở tầm thế giới.

Thỏa thuận này sẽ buộc các hãng hàng không phải nộp thông tin hành khách cho chính phủ. Theo đó, các thông tin hành khách hàng không sẽ được lưu giữ trong sáu tháng.

Nhân viên an ninh các nước tìm kiếm khủng bố có thể tiếp cận hồ sơ tên tuổi, thông tin liên lạc, lịch trình, thẻ tín dụng… của hành khách các chuyến bay đến, rời châu Âu và các chuyến bay trong khối.

Các chuyến bay thuê có thể cũng phải khai báo. Sau thời hạn này, hồ sơ tiếp tục được lưu trữ trong năm năm và chỉ được phép tiếp cận khi có lệnh của tòa án.

Một số nước châu Âu, cụ thể như Pháp, ban đầu muốn thời hạn này kéo dài một năm. Nghị viện châu Âu ban đầu đề xuất thời hạn lưu giữ thông tin không quá 30 ngày, nhưng sau đó nhượng bộ với mức sáu tháng.

Nhưng việc lưu giữ thông tin hành khách hàng không cũng khiến không ít người lo ngại rằng có thể vi phạm quyền riêng tư của công dân.

Một số ý kiến cho rằng nếu không xây dựng được một hệ thống lưu trữ chung trên toàn khối, bao gồm các loại định dạng thông tin, sẽ dễ xảy ra vấn đề về an ninh.

Dù vậy, một số khác cho rằng một hệ thống chung dù sao cũng an toàn hơn những cơ chế riêng lẻ mà các nước đang tự xây dựng sau vụ tấn công khủng bố ở Paris hôm 13-11.

Siết chặt kiểm soát 
biên giới

Các bộ trưởng nội vụ châu Âu còn gặp một vấn đề hóc búa khác trong kỳ họp này là phải tìm ra một giải pháp cho vấn đề an ninh và di cư của khối.

Tại hội nghị, các bộ trưởng dự kiến thảo luận khả năng duy trì các chốt kiểm soát biên giới trong hai năm thay vì sáu tháng như quy định để kiểm soát dòng người nhập cư.

Bộ trưởng Đức Maizière cũng kêu gọi trao cho cơ quan biên giới Fontex trách nhiệm kiểm soát biên giới với các nước ngoài khối Schengen nếu một thành viên mất khả năng kiểm soát.

Theo quy tắc Schengen, một quốc gia có thể được Uỷ ban châu Âu đề nghị hỗ trợ kiểm soát biên giới nhưng không bị buộc phải chấp nhận.

Tuy nhiên hôm 3-12, Hi Lạp cũng đã đồng ý nhờ sự hỗ trợ từ châu Âu để kiểm soát biên giới sau khi bị dọa đẩy khỏi Schengen.

Ông Maizière cho biết Đức và Pháp cũng đang thúc đẩy thành lập Cơ quan biên giới và bảo vệ bờ biển thường trực của châu Âu, dự kiến được Uỷ ban châu Âu đề xuất vào ngày 15-12.

Nhiều lãnh đạo châu Âu đã bày tỏ lo lắng về khả năng cấm đi lại tự do trong châu Âu. Có thể họ sẽ tìm được một giải pháp trung dung nào đó.

Một nguồn ngoại giao trả lời với báo Le Parisien: “Đưa ra thảo luận vấn đề này lúc này là quá sớm. Uỷ ban châu Âu sẽ trình báo cáo về tình hình biên giới vành đai của khối vào giữa tháng 12. Có thể đến lúc đó bàn cũng vừa kịp”.

Cuộc khủng hoảng nhập cư tồi tệ nhất kể từ Thế chiến thứ hai khiến nhiều nước phải đóng cửa biên giới và đang buộc châu Âu phải xem xét ngưng hiệp ước đi lại tự do Schengen.

Chủ tịch EU Donald Tusk lo ngại thời gian cho Schengen đang cạn dần, trong khi Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Jean-Claude Juncker cảnh báo hiệp ước này sụp đổ sẽ kéo theo cả đồng tiền chung euro.

TRẦN PHƯƠNG ([email protected])