EU xem lại quyền đi lại tự do theo hiệp ước Schengen
Nhiều khả năng việc kiểm soát biên giới ở mỗi nước trong lòng Liên minh châu Âu (EU) sẽ được tái lập trước tình hình an ninh đang mất an toàn.
EU xem lại quyền đi lại tự do theo hiệp ước Schengen
Nhiều khả năng việc kiểm soát biên giới ở mỗi nước trong lòng Liên minh châu Âu (EU) sẽ được tái lập trước tình hình an ninh đang mất an toàn.
Bé gái cùng người thân đi qua chốt cảnh sát Hi Lạp ở biên giới với Macedonia ngày 4-12. Hi Lạp bị xem là mắt xích yếu khiến người nhập cư tràn vào EU – Ảnh: Reuters |
Hôm qua, các bộ trưởng nội vụ khối EU bắt đầu họp bàn về việc ngưng thực hiện Hiệp ước tự do đi lại Schengen, liên quan 22 quốc gia EU và 4 nước Đông Âu.
Ý định đưa ra là tạm ngưng trong hai năm để đối phó với cuộc khủng hoảng di dân. EU cho rằng những lỗ hổng an ninh nghiêm trọng tại biên giới Hi Lạp và nhiều nước khác đang đe dọa toàn khu vực.
Theo báo Financial Times, thông tin này rò rỉ từ văn bản thảo luận mà Luxembourg, chủ tịch luân phiên của EU, chuẩn bị cho cuộc họp các bộ trưởng nội vụ trong khối. Đây là biện pháp khẩn cấp nhất được quy định tại điều 26 Hiệp ước Schengen. Nó cho thấy sức ép chính trị nặng nề từ làn sóng 1,2 triệu người di cư đổ vào châu Âu chỉ trong năm nay.
Mất niềm tin
Việc “đóng băng” hoàn toàn khối các nước trong Schengen có nhiều lợi thế hơn là cấm cửa vài thành viên đơn lẻ, quy trình tốn thời gian ít nhất ba tháng.
Song song đó, nó tạo điều kiện cho các nước như Đức, Áo, Pháp, Thuỵ Điển siết chặt và gia hạn những biện pháp kiểm soát biên giới tạm thời đã được Ủy ban châu Âu (EC) phê chuẩn.
Nếu các bộ trưởng EU ủng hộ phương án này, EC sẽ có quyền kiến nghị đóng cửa một hoặc nhiều biên giới trong khu vực Schengen tối đa hai năm.
Đề xuất được đưa ra sau khi EU liên tục cảnh báo Hi Lạp phải xem xét lại phương án đối phó của nước này với cuộc khủng hoảng người di cư và tìm kiếm sự trợ giúp bên ngoài hoặc có thể bị đình chỉ tham gia khu vực Schengen.
Sau nhiều lần chọc tức các quan chức EU với việc từ chối nhận viện trợ nhân đạo và không cho phép Cơ quan biên giới EU Frontex giúp đỡ, mới đây Hi Lạp đã phải xuống nước chấp nhận những đề nghị này. Động thái Athens đưa ra chưa tròn một ngày trước khi các bộ trưởng EU nhóm họp.
Nhưng kiến nghị của Luxembourg không chỉ dừng lại ở Hi Lạp, nhiều nước khác trong khối Schengen cũng nằm trong nhóm có nguy cơ.
Giáo sư Christophe Bouillard, thuộc Viện Nghiên cứu chính trị Grenoble, đánh giá: “Việc xem lại thỏa thuận Schengen sẽ khiến cả thế giới thấy rằng không có sự tin tưởng thật sự giữa các quốc gia châu Âu cũng như các nước không có khả năng phối hợp với nhau để bảo vệ biên giới chung”.
Hôm 3-12, lãnh đạo nhóm Visegrad gồm bốn nước Đông Âu là CH Czech, Hungary, Ba Lan và Slovakia nhóm họp tại Prague đồng lên tiếng phản đối ý tưởng giới hạn khu vực Schengen ở quy mô nhỏ hơn.
Thay vào đó, Visegrad cho rằng các nước thành viên EU phải có trách nhiệm bảo vệ và tăng cường kiểm soát các đường biên giới bên ngoài của khu vực Schengen.
Mỹ sẽ siết chặt cấp thị thực?
Trong khi đó, theo Washington Times, trước nguy cơ đe doạ an ninh quốc gia sau vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại Pháp, các nghị sĩ Mỹ đã đưa ra một dự luật siết chặt thủ tục cấp thị thực đối với công dân 38 quốc gia trong chương trình miễn thị thực nhập cảnh vào Mỹ, trong số này có nhiều nước châu Âu.
Dự luật do hạ nghị sĩ Candice Miller đề xuất tại Hạ viện Mỹ. Theo nội dung dự luật, công dân của 38 nước trong chương trình miễn thị thực của Mỹ, gồm cả Anh, Pháp và Tây Ban Nha, nếu có chuyến thăm gần đây tới các quốc gia bị coi là điểm nóng xung đột và khủng bố như Iraq, Iran, Syria, Sudan, buộc phải có thị thực và trải qua quá trình kiểm tra lý lịch nghiêm ngặt trước khi nhập cảnh vào Mỹ.
Ngoài ra, dự luật cũng là cơ sở để phía Mỹ chấm dứt chương trình miễn thị thực đối với những quốc gia không đáp ứng yêu cầu chia sẻ thông tin tình báo.
“Thật lạ lùng. Phía Hi Lạp mặc nhiên xem những người có hộ chiếu Iraq và Syria có thể di chuyển tự do ở châu Âu là chuyện bình thường |
Một nhà ngoại giao châu Âu giấu tên |
Nhà chức trách tại 38 quốc gia tham gia chương trình sẽ phải có trách nhiệm tăng cường rà soát lý lịch và kiểm tra dữ liệu của Tổ chức Cảnh sát quốc tế (Interpol) đối với công dân nước mình nhằm đảm bảo họ không có liên hệ với khủng bố.
Nghị sĩ Miller đã lên tiếng cảnh báo nguy cơ an ninh từ việc các phần tử khủng bố lợi dụng giấy thông hành để tiến hành tấn công.
Ông cho rằng những biện pháp hiện nay của Mỹ sẽ tạo ra lỗ hổng giúp các phần tử này thực hiện các âm mưu khủng bố trên lãnh thổ Mỹ, trong đó có cả chương trình miễn thị thực nhập cảnh.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan cùng các hạ nghị sĩ Dân chủ đã hoan nghênh dự luật này. Dự kiến văn kiện trên sẽ được đưa ra bỏ phiếu vào tuần tới tại Hạ viện. Nhiều nghị sĩ Cộng hoà bày tỏ hi vọng dự luật siết chặt chương trình miễn thị thực sẽ sớm trở thành luật.
Theo thống kê, mỗi năm Mỹ đón nhận hơn 20 triệu công dân thuộc các nước được miễn thị thực nhập cảnh. Điều này đặt ra những thách thức an ninh lớn cho giới chức nước này.