08/01/2025

Dừa ‘lên ngôi’

Bình Định là thủ phủ dừa của miền Trung với rừng dừa Tam Quan bạt ngàn. Tại đây, nhiều người dân đã và đang từng ngày khấm khá hơn nhờ dừa và những phế phẩm từ dừa.

 

Dừa ‘lên ngôi’

 

Bình Định là thủ phủ dừa của miền Trung với rừng dừa Tam Quan bạt ngàn. Tại đây, nhiều người dân đã và đang từng ngày khấm khá hơn nhờ dừa và những phế phẩm từ dừa.




Phơi xơ dừa phục vụ xuất khẩu - Ảnh: Ngọc Tâm

Phơi xơ dừa phục vụ xuất khẩu – Ảnh: Ngọc Tâm


Đều đặn hằng tháng, những kiện hàng cước dừa và cám dừa… được xuất đi Trung Quốc, Nhật, Lào và thậm chí châu Âu.

 
 
Dừa ‘lên ngôi’ - ảnh 1

 

Một sào ruộng làm từ 3 – 4 tháng mới có thu, trừ hết chi phí ra lãi được 1 triệu đồng là giỏi lắm rồi. Trong khi đó, nhân công của tôi làm tại xưởng, thu nhập bình quân mỗi tháng khoảng 3 – 4 triệu đồng. Còn làm chủ như tôi thì mỗi tháng xuất hàng xong thu USD đổi ra cũng vài trăm triệu

 

 
 

 

Dừa ‘lên ngôi’ - ảnh 2
 

 

Ông Lê Xuân Bá, Chủ tịch Hội Dừa Hoài Nhơn (Bình Định)

 

 

Theo ông Nguyễn Chí Công, Trưởng phòng Kinh tế H.Hoài Nhơn (Bình Định), trên địa bàn huyện hiện có khoảng 20 hộ gia đình, cơ sở, doanh nghiệp chuyên sản xuất sản phẩm từ dừa, như: chỉ xơ dừa, mụn cám dừa, phân vi sinh, dầu dừa tinh khiết, dầu dừa thủ công, thảm xơ dừa, bánh kẹo dừa, chổi cọng dừa, lưới xơ dừa…, giải quyết việc làm cho hơn 500 lao động tại địa phương. Trong đó, nghề làm các sản phẩm từ xơ dừa đang thu hút nhiều lao động, nhà đầu tư do đầu ra rộng mở, lợi nhuận cao.

Lời “gấp mấy lần trồng lúa”
Ông Lê Xuân Bá (58 tuổi), Chủ tịch Hội Dừa Hoài Nhơn, là một trong những người đi đầu trong mở rộng sản xuất các phế phẩm từ dừa tại địa phương. Hơn 15 năm nay, ông kiên trì với nghề bởi “lợi nhuận mà các phế phẩm từ dừa mang lại lớn gấp mấy lần trồng lúa”. “Một sào ruộng làm từ 3 – 4 tháng mới có thu, trừ hết chi phí ra lãi được 1 triệu đồng là giỏi lắm rồi. Trong khi đó, nhân công của tôi làm tại xưởng, thu nhập bình quân mỗi tháng khoảng 3 – 4 triệu đồng. Còn làm chủ như tôi thì mỗi tháng xuất hàng xong thu USD đổi ra cũng vài trăm triệu. Cuộc sống nhờ đó mà thoải mái”, ông Bá tính toán.
Theo ông Bá, công việc hằng ngày của công nhân ở xưởng khá đơn giản. Đầu tiên là đem vỏ dừa đánh nát ra cước phơi khô rồi đóng thành kiện. Để có được các loại nguyên liệu cho hầu hết các sản phẩm từ trái dừa, công việc đầu tiên và cũng là nặng nhọc nhất là lóc vỏ dừa. Dù vậy, đây cũng là công việc cho thu nhập cao nên thu hút nhiều lao động. Nghề này thường bắt đầu từ tháng 5 đến cuối năm, là thời điểm thu hoạch dừa. Bà Đỗ Thị Thanh Tẩn, chủ cơ sở thu mua dừa Thanh Trúc ở khối 1, thị trấn Tam Quan (H.Hoài Nhơn), cho biết: “Mỗi năm cơ sở của tôi thu mua khoảng vài trăm ngàn trái dừa nên phải thuê người đến lóc vỏ. Tùy theo thời điểm dừa nhiều hay ít, mỗi cơ sở sẽ thuê từ 3 – 10 lao động làm việc và khoán tiền công theo số lượng sản phẩm”.

 

 

 

Bảo tồn làng nghề truyền thống

 

 
Theo Sở VH-TT-DL Bình Định, Sở đang triển khai công tác bảo tồn làng nghề dệt thảm xơ dừa ở Tam Quan (H.Hoài Nhơn), nhằm góp phần gìn giữ, lưu truyền nghề dệt thảm xơ dừa truyền thống.

 

 

“Cháy” hàng

Xơ dừa không chỉ có phần cước dừa tạo thu nhập cao, gần đây phần cám dừa cũng được thị trường ưa chuộng. Tóm lại, phế phẩm từ trái dừa không bỏ phí phần nào, kể cả phần mủn cám dừa sót lại sau khi đánh cước. Số cám dừa này được xuất khẩu đi Nhật, Lào, châu Âu để dùng ươm cây và làm phân bón thân thiện với môi trường.

Cũng nhờ làm nghề sơ chế các phế phẩm từ dừa, nhiều người dân Bình Định đã thoát nghèo và có cuộc sống khá hơn. Ông Võ Văn Thanh (46 tuổi, thôn Tăng Long 1, xã Tam Quan Nam, H.Hoài Nhơn), có 13 năm gắn bó với nghề lóc vỏ dừa, cho hay: “Bình quân mỗi ngày tôi lóc được 2.000 quả, có ngày làm nhiều thì được 2.700 quả, thu nhập từ 200.000 – 300.000 đồng”. Nhờ công việc này mà ông có thu nhập ổn định để cùng vợ nuôi hai con đang học đại học tại TP.HCM. Chị Huỳnh Thị Sâm, công nhân sản xuất chỉ xơ dừa, nhận xét: “Với đặc tính là nghề nhàn rỗi nhưng thu nhập khá nên làm chỉ xơ dừa đang thu hút rất nhiều lao động nông thôn tham gia. Mỗi ngày, tôi chỉ làm việc 8 tiếng, vẫn có thời gian chăm lo cho gia đình”.

Ông Phan Huy Tường, chủ cơ sở sản xuất chỉ xơ dừa ở khối 3, thị trấn Tam Quan, cho biết chỉ xơ dừa tiêu thụ rất mạnh, nhưng do cơ sở không thể mở rộng nên mỗi tháng chỉ cung cấp khoảng 15 tấn mặt hàng này xuất khẩu sang Trung Quốc. Vỏ dừa khô và phần bột dừa còn lại sau khi làm chỉ cũng được bán khá chạy, với giá 15.000 đồng/bao (10 – 13 kg) cho các cơ sở trồng cây cảnh.

Tâm Ngọc