29/11/2024

Độc đáo lớp học “4 không”

Có một ngôi trường ở miền Tây đang sở hữu mô hình “lớp học 4 không” rất độc đáo – không chơi game; không bạo lực; không nói tục, chửi thề; không hút thuốc, không uống rượu bia…

 

Độc đáo lớp học “4 không”

 

Có một ngôi trường ở miền Tây đang sở hữu mô hình “lớp học 4 không” rất độc đáo – không chơi game; không bạo lực; không nói tục, chửi thề; không hút thuốc, không uống rượu bia… 


 


Trường THCS Trường Long A đang sở hữu mô hình “lớp học 4 không” độc đáo - Ảnh: Tiểu Nhật
Trường THCS Trường Long A đang sở hữu mô hình “lớp học 4 không” độc đáo – Ảnh: Tiểu Nhật

Đó là Trường THCS Trường Long A, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang.

Thầy cô của ngôi trường thôn quê ấy đã dốc hết tâm huyết để “lập rào chắn”, ngăn chặn không cho những tệ nạn xã hội vào trường…

Sáng, trên đường tới trường, khi chạy đến gần các tiệm game, cô Lê Thị Tuyết Nương ngừng xe để quan sát mỗi tiệm vài phút. Thấy không có học sinh nào trong tiệm, cô mới chạy xe đi. Đến lớp, sau khi nghe lớp trưởng báo hôm nay có một học sinh vắng mặt do bệnh, cô Nương liền điện thoại hỏi phụ huynh để kiểm tra xem có đúng vậy không. Trống tan trường, cô Nương lại đánh một vòng qua các tiệm game…

Không chỉ cô Nương mà hầu như tất cả giáo viên chủ nhiệm của trường đều chịu khó đi sớm về trễ như vậy, để kiểm soát việc học trò lớp mình chủ nhiệm thực hiện cam kết mà các em đã ký. Nhờ vậy tình trạng cúp tiết chơi game, cũng như nạn bạo lực học đường hầu như không còn xảy ra ở trường nữa.

“4 không” ra đời

Thầy Trần Văn Mười – hiệu trưởng trường – kể lại: từ năm 2013 trở về trước, tình trạng học sinh của trường trốn học chơi game, đánh nhau, chửi thề… thường xảy ra. Từ khi áp dụng mô hình “lớp học 4 không”, tình trạng trên không còn nữa. Để đạt được kết quả mỹ mãn này là sự nỗ lực của cả tập thể. Công nhiều nhất là giáo viên chủ nhiệm, họ phải rất vất vả mới đưa học sinh vào nề nếp.

Thầy Mười chia sẻ đây là vùng nông thôn, ít trò giải trí, nên khi tiệm game xuất hiện, nhiều học sinh sa vô chơi rồi lún sâu, nghiện. Ngoài ra, do trường nằm giáp ranh giữa ba xã của ba huyện nên chuyện học sinh giao du với những đối tượng xấu, rồi gây gổ trên Facebook, kéo ra hỗn chiến bên ngoài là thường xuyên. Rồi các quán rượu, bia cũng hút học sinh vô không ít.

“Trước tình trạng đó, nhà trường chỉ mời học sinh lên giáo dục hoặc viết bản tự kiểm, cùng lắm là hạ bậc hạnh kiểm. Tuy nhiên, những hình thức kỷ luật này không chặn nổi cơn bão game, nạn bạo lực đang vào chốn học đường. Điều này khiến những thầy cô tâm huyết cứ canh cánh nỗi lo, bởi chẳng những ảnh hưởng đến chuyện học, nhân cách mà còn khiến các em dễ trở thành tội phạm” – thầy Mười tâm sự.

Thầy hiệu phó Đỗ Hồng Mến nghĩ: phải giải quyết vấn đề trên bằng cách kết hợp giữa “mềm” và “rắn”. Đồng thời nhà trường, gia đình và chính quyền địa phương phải cùng chung tay mới mong chấm dứt được tình trạng này. Khi thầy Mến trình bày ý tưởng mô hình “lớp học 4 không”, mọi người đều đồng tình và góp ý kiến để hoàn chỉnh mô hình độc đáo này. Nhà trường thống nhất chọn khối 8 thí điểm, bởi đây là khối có nhiều học sinh thường ẩu đả, chửi thề, cúp tiết chơi game…

Ban chỉ đạo mô hình được thành lập gồm lãnh đạo Phòng Giáo dục huyện Châu Thành A, ban giám hiệu trường, tổng phụ trách Đội, giáo viên chủ nhiệm, ban cán sự các lớp, phụ huynh học sinh.

Và một lễ ký kết chỉn chu gồm ba bên – học sinh, phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm – đã diễn ra, có sự chứng kiến của ban chỉ đạo, hội phụ huynh học sinh và đại diện chính quyền địa phương. Trong đó, học sinh cam kết sẽ thực hiện 4 không; riêng phụ huynh cam kết ở nhà phải làm gương cho con: không nói tục, chửi thề tại nhà; không tập cho con hút thuốc, uống rượu…

Đưa học trò quay về lớp học

Thầy Mười tâm sự với mô hình lớp học 4 không, giáo viên chủ nhiệm đóng vai trò rất quan trọng. Thành hay bại phụ thuộc rất nhiều vào tâm huyết và tài năng của người quản lý lớp. Thầy Mười hãnh diện: “Cũng may ba cô chủ nhiệm lớp 8 năm ngoái đều giỏi nghề, vững tâm. Cả ba đã dồn hết tâm huyết nên kết quả mới khả quan như vậy”.

Cô Phùng Thị Tuyết Nga, giáo viên chủ nhiệm lớp 8A2 – lớp có 3-4 học sinh thường trốn học chơi game, nhớ lại: cứ đầu giờ học mỗi ngày, cô liên hệ với lớp trưởng để nắm số học sinh vắng mặt. Rồi cô điện thoại hỏi phụ huynh xác minh, xem lý do các em xin nghỉ học có đúng vậy không. Khi có em nói dối, cô đến tận các tiệm game đưa học trò quay về lớp học. Sự quyết liệt của cô chủ nhiệm cộng thêm bị phê bình trước lớp khiến những học sinh mê game rất sợ, không dám cúp học vào tiệm Internet nữa.

Nhưng với trường hợp của T.V.N. thì khác. N. vốn nghiện game rất nặng, từng bị cô Nga bắt tại trận khi em đang dán mắt vào màn hình vi tính. Sau lần đó, cô đưa thời khóa biểu của lớp cho người mẹ kiểm chứng. Nếu hôm nào N. nói có học thêm thì người mẹ sẽ điện cho cô, cô sẽ kiểm tra lại. Cạnh đó, cô Nga cũng thường khuyên nhủ N. “Cha mẹ vất vả, thức khuya dậy sớm lo cho con ăn học. Con không biết thương cha mẹ sao? Nếu con không học, sau này làm nghề gì để sống?”…

Và cứ vậy, việc hợp sức giữa cô chủ nhiệm đầy tâm huyết với người mẹ đã kéo được N. ra khỏi thế giới game online. Từ một học sinh cá biệt, học lực yếu kém, có nguy cơ bỏ học, N. đã vọt lên trung bình khá. Mẹ N. xúc động nói với cô Nga: “Nếu không có cô chủ nhiệm và nhà trường, chắc đời con tôi hư rồi. Thiệt đội ơn hết sức!…”.

Cứ thế, tất cả thầy cô, nhà trường chung tay lập thành hàng rào để bảo vệ học trò của mình. Chẳng hạn, cô tổng phụ trách Cao Thị Thu Hà phối hợp chặt chẽ với giáo viên bộ môn. Giờ ra chơi, cô tổng phụ trách rảo khắp nơi, lặng lẽ quan sát, hễ thấy học sinh nào chửi thề hay đùa giỡn mạnh bạo thì lập tức cô can ngăn, để hóa giải ngay những căng thẳng.

Cô Hà tâm sự: “Việc giỡn mạnh tay dễ sinh ra cự cãi. Điều này tiềm ẩn nguy cơ bạo lực học đường, phải dập ngay từ trong trứng nước…”.

Cạnh đó trường còn xây dựng nhiều nguồn tin, từ học sinh, phụ huynh cho đến những người dân trong xã. Vì vậy, hễ có học sinh nào tụ tập hút thuốc, vào quán uống rượu, hay nơi nào sắp xảy ra “chiến tranh” là y như rằng trường sẽ nhận được tin báo. Nhờ đó mà chặn được hàng loạt vụ đánh nhau.

Áp dụng trong toàn huyện Châu Thành A

Với sự phối hợp nhịp nhàng giữa ban chỉ đạo mô hình, giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh, sau một năm thực hiện “4 không”, khối 8 không còn học sinh trốn học chơi game, không còn bóng dáng của bạo lực học đường, tiếng chửi thề, nói tục…

Từ thành công bước đầu, nhà trường quyết định áp dụng rộng trong tất cả các khối lớp vào niên học 2015-2016 này. Thầy hiệu trưởng Trần Văn Mười cười: “Sẵn có cái đà năm ngoái và sự chia sẻ kinh nghiệm của các giáo viên đã áp dụng mô hình nên cho đến giờ mọi việc đều trơn tru. Niềm vui nhân lên gấp bội phần khi mô hình “độc nhất vô nhị” này đã được áp dụng rộng khắp toàn huyện Châu Thành A năm học 2015-2016”.

 

TIỂU NHẬT