08/01/2025

Các ngành sản xuất thay đổi gì trước “cơn lốc AEC”?

Nhiều ngành sản xuất, đặc biệt ngành sản xuất ôtô VN sẽ gặp rất nhiều khó khăn sau khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được hình thành…

 

Các ngành sản xuất thay đổi gì trước “cơn lốc AEC”?

 

 

Nhiều ngành sản xuất, đặc biệt ngành sản xuất ôtô VN sẽ gặp rất nhiều khó khăn sau khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được hình thành…


 

 


Sản xuất bao bì tại Công ty bao bì Nam Thái Sơn (KCN Cát Lái, TP.HCM) - Ảnh: T.T.D.
Sản xuất bao bì tại Công ty bao bì Nam Thái Sơn (KCN Cát Lái, TP.HCM) – Ảnh: T.T.D.

Sau khi Cộng đồng ASEAN được hình thành, bên cạnh các cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá, dịch vụ và đầu tư nhờ sự lưu chuyển tự do của hàng hoá, dịch vụ và đầu tư trong khu vực, các doanh nghiệp VN cũng đối diện với nhiều khó khăn, thách thức.

Cùng với việc dỡ bỏ hàng rào thuế quan trong khu vực, không chỉ bị cạnh tranh tại các thị trường khu vực mà trực tiếp ngay trên sân nhà bởi hàng hóa với nhiều nét tương đồng… buộc doanh nghiệp VN phải tái cơ cấu để tồn tại và cạnh tranh.

Đây là nội dung được các chuyên gia, doanh nghiệp trao đổi, giao lưu trực tuyến về chủ đề tác động của Cộng đồng ASEAN diễn ra ngày 3-12 tại báoTuổi Trẻ.

Nhiều ngành sản xuất 
sẽ gặp khó khăn

Ông Trịnh Minh Anh, phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế (Bộ Công thương), cảnh báo ngành sản xuất ôtô VN sẽ gặp rất nhiều khó khăn sau khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được hình thành, đặc biệt thuế nhập khẩu ôtô sẽ về 0% từ năm 2018 trong bối cảnh các quốc gia khu vực như Thái Lan và Indonesia có ngành ôtô rất phát triển.

Tuy nhiên, VN có thể phát triển ngành công nghiệp phụ trợ như sản xuất các linh kiện điện tử, lốp… trong chuỗi cung ứng do các tập đoàn đa quốc gia của Nhật Bản, Hàn Quốc thiết lập.

Tương tự, ngành giấy của VN cũng sẽ gặp nhiều khó khăn khi thuế nhập khẩu đối với giấy các loại về 0% năm 2018, riêng thuế bột giấy về 0% vào năm 2019.

VN hiện chỉ mới sản xuất được các sản phẩm như giấy in, giấy in báo, giấy bao bì công nghiệp thông thường…, còn các loại giấy kỹ thuật điện, điện tử, giấy sản xuất thuốc lá, giấy in tiền, in tài liệu bảo mật… vẫn phải nhập khẩu, trong đó chủ yếu từ các nước ASEAN tới 50%.

Trong khi đó, ông Văn Đức Mười, tổng giám đốc Vissan, cho rằng các doanh nghiệp VN phải đối mặt với sự cạnh tranh trực tiếp ngay trên sân nhà, đặc biệt là các loại hàng hoá có nhiều nét tương đồng trong ASEAN.

“Với một đất nước phát triển sau cơ chế thị trường, sức cạnh tranh yếu thế trên nhiều mặt, lợi thế so sánh duy nhất của doanh nghiệp VN là tính truyền thống, tính dân tộc thông qua các sản phẩm và hàng hoá” – ông Mười nói.

Liên kết để tăng sức cạnh tranh

Ông Trịnh Minh Mạnh, phó vụ trưởng Vụ ASEAN – Bộ Ngoại giao, cho biết việc thu hẹp khoảng cách phát triển là một trong những ưu tiên của tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, nhất là khoảng cách phát triển giữa các nước ASEAN-6 (Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Brunei và Philippines) và các nước thành viên mới CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar và VN).

Do đó từ năm 2000, các nước ASEAN đã đưa ra Sáng kiến hội nhập ASEAN (IAI) với sự hợp tác và hỗ trợ trong các lĩnh vực hạ tầng, phát triển nhân lực, công nghệ thông tin, năng lượng, biến đổi khí hậu, du lịch, giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống… Đến nay đã có hơn 500 dự án với tổng trị giá hơn 100 triệu USD dành cho các nước CLMV.

“Một trong những ý nghĩa quan trọng của AEC là việc hỗ trợ lẫn nhau về sản xuất để nâng cao khả năng cạnh tranh, xuất khẩu hàng hoá ra các nước bên ngoài khối thông qua chuỗi cung ứng.

Với ý nghĩa này, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà VN đã ký kết hoặc hoàn tất đàm phán như FTA VN – EU (ký ngày 2-12), Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)… sẽ có nhiều tác động cộng hưởng tích cực hơn đối với riêng VN” – ông Mạnh nói.

Ông Văn Đức Mười cho rằng việc hình thành AEC cũng sẽ tạo ra sự tự do lưu chuyển vốn và nhân lực giữa các nước trong khu vực, nhưng rất nhiều doanh nghiệp VN vẫn chưa nhận thức rõ đâu là cơ hội, thách thức của mình.

Trên thực tế VN đã hội nhập từ rất sớm, từ liên minh kinh tế khu vực chuyển sang hội nhập kinh tế quốc tế, sự chuẩn bị thượng tầng về mặt đối ngoại khá tốt và đầy đủ.

Tuy nhiên, theo ông Mười, về hạ tầng của nền kinh tế là doanh nghiệp, VN vẫn chưa hội nhập thật sự đầy đủ, nguyên nhân là do thiếu sự đồng bộ trong hoạch định chiến lược hội nhập. Hơn nữa, các doanh nghiệp VN với quy mô nhỏ và thoát thân từ nền kinh tế kế hoạch tập trung dễ thụ động trong tiếp nhận.

Theo ông Văn Đức Mười, dù đối diện với nhiều thách thức nhưng doanh nghiệp không được bi quan mà cần thích nghi với hoàn cảnh mới, phải tái cấu trúc để thực hiện sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết sức mạnh, giảm chi phí và tạo lợi thế mới.

Điều quan trọng hơn là nhận biết vị trí của mình để tận dụng cơ hội, đầu tư cho hàm lượng khoa học – công nghệ, nguồn lực để có những sản phẩm mới, lợi thế cạnh tranh mới.

 

Q.TRUNG – N.BÌNH – L.THANH