04/01/2025

Vụ nghi sản xuất phân bón giả: Chậm xử lý vì quan điểm “đá nhau”

Vụ Công ty Thuận Phong bị nghi sản xuất phân bón giả đang bị chậm xử lý vì quan điểm “đá nhau”. Thanh tra Bộ Quốc phòng xin chuyển vụ này cho cho Tổng cục An ninh điều tra thụ lý.

 

Vụ nghi sản xuất phân bón giả: Chậm xử lý vì quan điểm “đá nhau”

 

 

Vụ Công ty Thuận Phong bị nghi sản xuất phân bón giả đang bị chậm xử lý vì quan điểm “đá nhau”. Thanh tra Bộ Quốc phòng xin chuyển vụ này cho cho Tổng cục An ninh điều tra thụ lý.

 



Lực lượng liên ngành làm việc với nhân viên công ty tại buổi kiểm tra ngày 24-4 - Ảnh: V.Lam
Lực lượng liên ngành làm việc với nhân viên công ty tại buổi kiểm tra ngày 24-4 – Ảnh: V.Lam

Thanh tra Bộ Quốc phòng vừa có văn bản đề nghị Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (trưởng Ban chỉ đạo 389 – Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả) chuyển vụ việc có dấu hiệu sản xuất, buôn bán phân bón giả ở Công ty CP sản xuất và thương mại Thuận Phong (Công ty Thuận Phong) cho Tổng cục An ninh điều tra – Bộ Công an thụ lý.

Trước đó, vụ việc được giao cho Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai thụ lý nhưng đến nay nhiều nội dung sai phạm chưa được làm rõ, đồng thời chỉ đề nghị xử lý hành chính dù vụ việc có dấu hiệu hình sự.

Phân bón Mỹ được sản xuất ở… Đồng Nai

Ông Khiếu Mạnh Tường, tổng giám đốc Công ty Thuận Phong: “Tôi vừa nghe thanh tra Bộ Quốc phòng kiến nghị xử lý vụ việc. Trước đây nhiều cơ quan chức năng ở Đồng Nai chỉ đề nghị xử lý tôi ở mức hành chính nhưng nay họ tiếp tục đề nghị xử lý hình sự. Đã hơn bảy tháng qua nhưng sự việc chưa kết thúc, còn máy móc, phân bón đã bị niêm phong, nhiều công nhân đã nghỉ việc. Tôi cũng muốn cơ quan chức năng làm sáng tỏ vụ việc này càng sớm càng tốt”.

Ngày 24-4, tổ công tác của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia phối hợp với đoàn liên ngành tỉnh Đồng Nai kiểm tra việc sản xuất phân bón tại kho xưởng (tại kho K888 của Cục Quân khí, thuộc Tổng cục Kỹ thuật Bộ Quốc phòng, P.Long Bình, TP Biên Hoà, Đồng Nai) của Công ty Thuận Phong, bắt quả tang công nhân của công ty này đang sang chiết, đóng gói phân bón giả về nguồn gốc, xuất xứ, nơi sản xuất với số lượng lớn.

Đoàn đã niêm phong hơn 3.200 chai phân bón dán nhãn hàng hóa ghi xuất xứ “Made in USA”, 148kg nhãn hàng hoá ghi xuất xứ “Made in USA” và hơn 1.500 tem nhãn hiệu Huma Gro.

Kiểm tra sổ sách từ tháng 1-2014, đoàn phát hiện Công ty Thuận Phong đã sản xuất và bán ra thị trường trên 40.000 chai (phân bón giả xuất xứ từ Mỹ), tương đương trên 23.000 lít phân bón.

Đoàn lấy mẫu phân bón đưa đi giám định với kết quả 19/29 mẫu không đạt các chỉ tiêu về chất lượng như tiêu chuẩn mà doanh nghiệp đã công bố trên bao bì.

Làm việc với cơ quan chức năng, ông Khiếu Mạnh Tường – tổng giám đốc Công ty Thuận Phong – thừa nhận toàn bộ nhãn hàng hoá (nhãn nước ngoài, nhãn phụ), vỏ bao bì, can nhựa chứa phân bón được công ty thuê in ấn và sản xuất tại Việt Nam.

Sau khi giao hồ sơ vụ việc cho Công an Đồng Nai điều tra theo thẩm quyền, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 cũng lưu ý bốn vấn đề: Công ty Thuận Phong hoạt động sản xuất, kinh doanh khi chưa có đủ các điều kiện, chưa được cấp phép sản xuất; sản xuất và kinh doanh phân bón giả với quy mô lớn, tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành phố; trên nhãn hàng hoá có ký hiệu  là vi phạm trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp; trong 19/29 mẫu không đạt chỉ tiêu so với công bố, có một số mẫu phân bón có mức độ chỉ tiêu sai số so với công bố (hàng kém chất lượng).

Đặc biệt, Văn phòng 389 cho rằng “vụ việc có đủ dấu hiệu về hành vi sản xuất kinh doanh trái phép và sản xuất kinh doanh hàng giả được quy định tại Bộ luật hình sự. Đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai xem xét, khẩn trương điều tra, xử lý sớm…”.

Tuy nhiên, sau khi xác minh, các cơ quan chức năng Đồng Nai cho rằng không đủ cơ sở để xử lý hình sự đối với ông Tường mà chỉ xử lý hành chính. Do đó, vụ việc cứ dùng dằng nhiều tháng qua.

Nhiều nghi vấn chưa được làm sáng tỏ

Ngày 20-10, Công an tỉnh Đồng Nai đã có báo cáo gửi Tỉnh uỷ Đồng Nai cho biết quá trình điều tra có lấy lại mẫu phân bón, chọn phương pháp phân tích quốc tế thì các mẫu đều đạt chỉ tiêu công bố.

Ông Tường có vi phạm về việc kinh doanh không đúng địa điểm, kinh doanh chưa có chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh theo quy định về quản lý phân bón. Công an Đồng Nai cho rằng đây là vụ án có nhiều tình tiết phức tạp nên việc đánh giá chứng cứ phải thận trọng, khách quan, tránh làm oan và bỏ lọt tội phạm.

Chưa hết, sau khi làm việc nhiều lần, các ngành trong tỉnh cũng đã thống nhất không có đủ cơ sở xử lý hình sự. Vì vậy, công an xin ý kiến Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai cho kết thúc điều tra, ra quyết định không khởi tố vụ án, chuyển hồ sơ đến Chi cục Quản lý thị trường Đồng Nai để xử lý hành chính.

Không đồng tình với đề nghị xử lý hành chính của Công an Đồng Nai, thanh tra Bộ Quốc phòng đã có văn bản cho rằng Công an Đồng Nai chưa làm rõ tám nội dung có dấu hiệu sai phạm hình sự của Công ty Thuận Phong, đồng thời đề nghị Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chuyển vụ việc cho Tổng cục An ninh điều tra.

“Chưa xác định được rõ các hành vi sai phạm của Công ty Thuận Phong mà Công an tỉnh Đồng Nai đã đề nghị không xử lý hình sự và chuyển sang xử lý hành chính là chưa thật sự chính xác, đúng pháp luật” – văn bản cho biết.

Cũng theo thanh tra Bộ Quốc phòng, việc sản xuất của Công ty Thuận Phong tại địa điểm kho K888 không có giấy phép sản xuất của cơ quan có thẩm quyền, mạo nhận tổ chức không có thật (Khu kinh tế quốc phòng) để ghi trên bao bì, giá trị hàng hóa lớn, đủ yếu tố để cấu thành tội “kinh doanh trái phép”.

Công ty Thuận Phong có hợp đồng với một công ty khác ở TP Biên Hòa in ấn toàn bộ nhãn mác các loại phân bón có nguồn gốc từ Mỹ nhưng Công an Đồng Nai không điều tra, xác minh doanh nghiệp này sản xuất tem, bao bì giả.

Ngoài ra, báo cáo của Công an Đồng Nai chưa làm rõ các vấn đề mấu chốt như: vì sao đoàn kiểm tra 389 có niêm phong bốn máy tính chuyển cho Công an Đồng Nai để khai thác thông tin nhưng không thấy đề cập đến; Công ty Thuận Phong đốt, tiêu huỷ các loại nhãn mác khi bị kiểm tra cũng được dễ dàng bỏ qua.

Đặc biệt, việc Bộ Khoa học và công nghệ có kết luận Công ty Thuận Phong sản xuất hàng giả nhưng Công an Đồng Nai cũng không đề cập đến.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Trần Hùng – phó chánh Văn phòng thường trực 389 quốc gia (người trực tiếp đi bắt quả tang vụ phân bón trên) – nói: “Một vụ việc bắt quả tang rành rành như vậy nhưng đến nay chưa giải quyết xong, chưa kết luận được.

Chúng tôi muốn làm sáng tỏ tận gốc vụ việc này để thấy lỗ hổng trong quản lý nhà nước cũng như sự phối hợp của ngành không chặt chẽ khiến nông dân nghèo đã gánh chịu hàng giả, hàng kém chất lượng suốt bao nhiêu năm qua…”.

Diễn biến vụ việc

– Ngày 24-4, Văn phòng thường trực 389 quốc gia phối hợp với Ban chỉ đạo 389 tỉnh Đồng Nai phát hiện, lập biên bản vụ việc.

– Ngày 25-4, đoàn 389 Đồng Nai có báo cáo cụ thể cho tỉnh Đồng Nai về các sản phẩm phân bón bị niêm phong, trong đó có bốn máy tính và chứng từ thẻ kho hàng hoá.

– Ngày 30-6, Văn phòng 389 quốc gia có báo cáo nêu ra nhiều sai phạm và nói rõ quan điểm phải xem xét xử lý hình sự.

– Ngày 28-8, tại cuộc họp giữa Ban chỉ đạo 389 quốc gia với các ngành tại Đồng Nai, Công an Đồng Nai cho biết giải thích sau khi trao đổi với Viện kiểm sát thì thấy không có đủ cơ sở xử lý hình sự nhưng các thành viên Ban chỉ đạo 389 quốc gia phản ứng gay gắt.

– Ngày 6-10, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao cho Bộ Công an tổng hợp các tài liệu và làm việc với các bộ, ngành liên quan và báo cáo Phó thủ tướng trong tháng 10-2015.

– Ngày 2-11, tại tỉnh Đồng Nai, đại diện Bộ Công an và các bộ ngành liên quan họp để đánh giá vụ án toàn diện để báo cáo kết quả cho Phó thủ tướng.

Tại đây, thanh tra Bộ Quốc phòng phản ứng về việc Công an Đồng Nai không phát tài liệu cho đại biểu dự họp, nội dung báo cáo của công an không có gì thay đổi so với hai cuộc họp trước.

 

NHÓM PV