Những tác phẩm văn học do người trẻ viết ngày càng xuất hiện nhiều hơn và thu hút sự chú ý, yêu mến của độc giả.
‘Cơn sốt’ tác giả trẻ
Những tác phẩm văn học do người trẻ viết ngày càng xuất hiện nhiều hơn và thu hút sự chú ý, yêu mến của độc giả.
Tác giả trẻ lên ngôi
Theo bà Thu Hiến, quản lý một nhà sách trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (Q.1, TP.HCM), trong thời gian qua, những đầu sách bán chạy nhất phần lớn đều là của các tác giả trẻ như: Hà Thanh Phúc, Sơn Paris, Anh Khang, Nguyễn Ngọc Thạch, Ray Đoàn Huy, Iris Cao, Hamlet Trương, Nguyễn Thiên Ngân, Minh Mẫn, Hân Như… “Trong thời điểm này, cuốn sáchCảm ơn người đã rời xa tôicủa Hà Thanh Phúc đã hết hàng nhưng lượng người hỏi mua vẫn còn rất nhiều”, bà Thu Hiến nói.
Còn anh Trần Tân, nhân viên nhà sách trên đường Trần Hưng Đạo (Q.1, TP.HCM) thì cho biết: “Phần lớn khách hàng là người trẻ đều tìm mua sách của tác giả trẻ VN. Có những thời điểm, các đầu sách như: Buồn làm sao buông (Anh Khang), Ngày hoa hướng dương (Nguyễn Thiên Ngân), Im lặng để yêu (Ray Đoàn Huy)… bán vài chục cuốn mỗi ngày, vượt xa sức tiêu thụ những truyện ngắn ngôn tình của tác giả Trung Quốc”.
Một trong những minh chứng cho thấy các tác giả trẻ đang tạo nên “cơn sốt”, đó là việc những tác phẩm của họ luôn nằm trong top những cuốn sách bán chạy nhất ở các hội sách, triển lãm. Cũng tại những sự kiện này, chính sự xuất hiện của họ đã thu hút rất đông bạn đọc tìm đến để xin chữ ký, giao lưu.
Chưa kể trên các trang web bán sách, đơn đặt hàng mua những cuốn sách của tác giả trẻ luôn kín mít. Như trường hợp cuốn sách Chúng ta rồi sẽ ổn thôi của hai tác giả Gào (tên thật Vũ Phương Thanh) và Minh Nhật trước khi chính thức phát hành đã kín đơn đặt trước trên hệ thống Tiki.
Sức hút tản văn
Theo Anh Khang, tác giả của những cuốn sách được người trẻ yêu thích như: truyện ngắn Đường hai ngả, người thương thành lạ, tùy bút Đi đâu cũng nhớ Sài Gòn và Em..., thì khi viết cuốn sách đầu tay là tản văn Ngày trôi về phía cũ, đơn vị xuất bản đã tỏ vẻ lo lắng: “Sách về tản văn thì kén người đọc, khó tiêu thụ lắm”. Thế nhưng thật bất ngờ Ngày trôi về phía cũ đã tái bản chỉ sau tuần ra mắt. Sau đó không lâu, tập tản văn Buồn làm sao buông cũng của tác giả trẻ tài năng này đã trở thành sách bán chạy nhất tại hội sách 2014 diễn ra tại TP.HCM. Kể từ đây, hàng loạt đầu sách về tản văn đã ra đời như: Trót lỡ chạm môi nhau(Sơn Paris), Thời gian để yêu (Hamlet Trương)… thu hút sự chú ý và yêu thích của người trẻ.
Theo Hamlet Trương, sở dĩ tản văn được xem là thể loại phổ biến, mê hoặc người đọc trẻ, là do nhịp sống của con người ngày càng nhanh, trừ khi quá yêu thích một cuốn sách để bỏ thời gian ra ngấu nghiến, còn lại họ muốn cái gì đấy ngắn gọn và mỗi ngày có thể đọc một chút. Và tản văn bắt kịp xu hướng này. Chủ đề của tản văn lại rộng và thực tế, người ta dễ thấy mình trong đó.
Cùng quan điểm, Ray Đoàn Huy, tác giả của hai tuyển tập truyện ngắn Quán café & Cung Thiên bình và Im lặng để yêu cũng cho rằng: “Tản văn vẫn là thể loại sách chiếm ưu thế trên thị trường. Tản văn ngắn gọn, dễ đọc, không đơn thuần là những con chữ mà nó còn có chi tiết như câu chuyện thu nhỏ đời thường. Đặc biệt, tản văn dễ ngấm và đánh trúng tâm lý độc giả nên luôn là những sản phẩm bán chạy”.
Nói thay người trẻ
Bên cạnh tản văn, thì những thể loại tùy bút, tiểu thuyết, truyện ngắn… của các cây bút trẻ cũng được yêu thích.
Lê Tuấn Vũ, sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM lý giải: “Mình hay đọc những tác phẩm văn học của các tác giả trẻ vì thường tìm thấy hình ảnh của bản thân trong những câu chuyện”.
Nhiều người trẻ cũng có chung suy nghĩ này, cho rằng khi tìm đọc những cuốn sách do chính người trẻ viết đã cảm thấy dường như được tác giả “nói hộ lòng mình”.
Như những nội dung được viết trong Chúng ta rồi sẽ ổn thôi của hai tác giả Gào và Minh Nhật đã đề cập đến những giai đoạn sai lầm, vấp ngã, cảm giác chông chênh mà bất kỳ người trẻ nào cũng từng trải qua. Nhưng dù có sai lầm, có gặp bao nỗi buồn phiền khó khăn thì ai nấy đều tự nhủ: chúng ta rồi sẽ ổn thôi.
Hay tập tản văn đầy tính tự sự Trót lỡ chạm môi nhau của Sơn Paris từng có thời điểm gây sốt, vì “tôi đã viết bằng chính trái tim của mình, bằng sự trải nghiệm thật sự qua những tháng ngày để yêu. Và rồi, bất kỳ người đọc nào cũng sẽ ồ lên: đã tìm thấy được một phần câu chuyện của mình ở trong đó”, Sơn Paris nói.
Hamlet Trương thì cho biết thường lấy cảm hứng từ những câu chuyện mình gặp trên đường đời nhưng được viết lại như kiểu một người bạn đồng hành với người trẻ để thay họ đúc kết những bài học bổ ích.
Còn Anh Khang lý giải: “Sở dĩ những tác phẩm của chúng tôi được đón nhận vì chúng tôi còn trẻ, là những người trong cuộc, hiểu tâm lý của người trẻ và viết về cuộc sống người trẻ. Nội dung chủ yếu chia sẻ những trải nghiệm trong tình cảm và cuộc sống, những điều mà người trẻ quan tâm hiện nay. Thêm vào đó luôn lồng ghép sự chân thành và chân tình trong từng câu chữ, thế nên dễ khiến chạm đến trái tim độc giả trẻ vì nói thay lòng họ. Và nghiễm nhiên sẽ trở thành những cuốn sách được người trẻ tìm kiếm”.
Những tác giả trẻ được yêu thích
* Lý do khiến các bạn trẻ hiện nay yêu thích sách của các tác giả trẻ không gì hơn ngoài sự đồng cảm. Có lẽ khi đứng cùng một góc nhìn, một cách phản ánh sự việc, các bạn trẻ khi đọc sách cảm thấy gần gũi, cảm thấy chính mình trong đó và họ chọn đọc”.
Gemi (tên thật Phạm Minh Châu), 22 tuổi, là tác giả các tập truyện ngắn: Trở lại yêu thương, Vô vàn xuôi ngược, vô vàn thương…
* Đa số bạn trẻ hiện nay vất vả trong việc tìm đầu ra cho bản thảo của mình. Tôi nghĩ gửi bản thảo vào các cuộc thi viết là hướng tiếp cận hợp lý, đáng đầu tư cho các cây viết trẻ. Tác giả trẻ theo đuổi thể loại nào không quan trọng, miễn là nó đúng với sở trường và đam mê bản thân.
Hiện nay tôi thấy nhiều bạn đang thành công với tản văn, truyện ngắn có đề tài lãng mạn, nhẹ nhàng. Bản thân tôi đang theo đuổi thể loại fantasy, dòng văn học mà rất ít tác giả VN đang tham gia sáng tác.
Phạm Bá Diệp, 21 tuổi, tác giả tiểu thuyết UREM – Người đang mơ, truyện tranh dài tập Học viện bóng đá, truyện tranh dài kỳNhócThạch Sanh…
* Sách của tác giả trẻ sẽ còn được đón nhận khi xu hướng đọc đang hướng đến thứ văn chương ít chữ nhưng nhiều cảm xúc, bộc lộ được cái tôi mạnh mẽ, bản lĩnh để chiến thắng cuộc đời, nỗi sợ, sự mất mát. Tuy nhiên, nếu sách trẻ tiếp tục khai thác xu hướng “mì ăn liền” mà quên đi mất giá trị nhân văn vốn có của văn học thì sẽ không thể tồn tại lâu dài trong độc giả. Vì xu hướng có thể thay đổi và độc giả khi bội thực rồi sẽ tìm đến những món ăn khác.
Nguyễn Ngọc Sơn, 21 tuổi, tác giả sách truyện ngắn Trót lỡ chạm môi nhau, tản văn Muốn khóc thật to.