01/01/2025

Nguy cơ chiến tranh hạt nhân Mỹ – Trung vì Biển Đông

Một số chuyên gia cho rằng nếu mỗi bên tính toán sai, căng thẳng Mỹ – Trung về vấn đề Biển Đông có thể dẫn đến nguy cơ chiến tranh hạt nhân.

 

Nguy cơ chiến tranh hạt nhân Mỹ – Trung vì Biển Đông

 

Một số chuyên gia cho rằng nếu mỗi bên tính toán sai, căng thẳng Mỹ – Trung về vấn đề Biển Đông có thể dẫn đến nguy cơ chiến tranh hạt nhân.




Trung Quốc có thể đã triển khai tên lửa đạn đạo DF-21C tới căn cứ ở Quảng Đông – Ảnh: Sino Defence


Mỹ đang tỏ dấu hiệu sẽ hành động ngày càng kiên quyết hơn trong vấn đề bảo đảm tự do lưu thông trên Biển Đông và phản ứng tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại khu vực này.

Bất chấp thái độ giận dữ của Bắc Kinh, Washington khẳng định sẽ tiếp tục các chuyến tuần tra áp sát đảo nhân tạo phi pháp trên Biển Đông đồng thời tìm cách khuyến khích đồng minh trong khu vực cùng tham gia.
Từ tình hình này, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Á – Thái Bình Dương thuộc Đại học Lĩnh Nam (Hồng Kông) Trương Bảo Huy cảnh báo căng thẳng Mỹ – Trung từ các cuộc tuần tra ở Biển Đông có thể dẫn đến nguy cơ xung đột và Bắc Kinh đã sẵn sàng cho một cuộc chiến hạt nhân.
Trung Quốc tăng vũ khí hạt nhân
Trong bài viết đăng trên diễn đàn bình luận RSIS Commentary của Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), Giáo sư Trương nhận định Mỹ đã “phần nào tự tin thái quá” khi cho rằng Trung Quốc sẽ không dám phản ứng mạnh tay vì chênh lệch về sức mạnh quân sự giữa 2 nước. “Cần nhớ là một quốc gia hạt nhân có thể đe doạ làm leo thang căng thẳng hạt nhân để ngăn chặn đối phương gây tổn hại cho cái mà họ xem là lợi ích quan trọng”, ông Trương khẳng định.
Theo chuyên gia này, trong thời gian qua, Bắc Kinh đã ra sức phát triển vũ khí hạt nhân để răn đe Washington. Dẫn chứng mới nhất là quân đội Trung Quốc (PLA) ngày 3.11 tung ra hình ảnh hiếm hoi về tên lửa chiến lược JL-2 phóng từ tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân (SSBN).
Hiện nay Trung Quốc có 4 chiếc SSBN lớp Tấn, được xem là đóng vai trò cốt lõi trong chiến lược răn đe hạt nhân của nước này, và tất cả đều phục vụ trong Hạm đội Nam Hải hoạt động ở Biển Đông. Tờ The Australian dẫn lời nhiều chuyên gia Mỹ dự đoán hải quân Trung Quốc sẽ bắt đầu cho SSBN tuần tra ở Biển Đông vào cuối năm nay hoặc đầu năm tới.
Cũng theo Giáo sư Trương Bảo Huy, Trung Quốc gần đây liên tục tiết lộ những tên lửa có thể mang đầu đạn hạt nhân như DF-26 và DF-41. Với tầm bắn 12.000 – 14.000 km, tên lửa liên lục địa DF-41 có thể vươn tới một số thành phố của Mỹ và được lắp đặt thiết bị chứa nhiều đầu đạn hạt nhân dẫn đường độc lập. Chuyên trang Bulletin of the Atomic Scientists dẫn các nguồn tin quân sự Mỹ lẫn Trung Quốc cho hay Bắc Kinh hiện sở hữu khoảng 240 đầu đạn hạt nhân và có thể tăng gấp đôi vào đầu thập niên 2020.
Phần lớn trong số này thuộc sự quản lý của Lực lượng pháo binh số 2 (SAC). Đây là đơn vị cốt lõi trong chiến lược răn đe hạt nhân Trung Quốc, chịu trách nhiệm vận hành tên lửa hạt nhân lẫn thông thường. SAC, được cho là có 90.000 – 100.000 quân nhân, sở hữu 110 – 140 tên lửa chiến lược mang đầu đạn hạt nhân, bao gồm tên lửa đạn đạo tầm trung DF-3, tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-5 và 900 – 1.000 tên lửa thông thường, theo chuyên trang quân sự Sino Defense.
Hiện nay, đơn vị này có ít nhất 6 căn cứ trải rộng khắp Trung Quốc. Trong đó, có một căn cứ được đưa vào hoạt động từ năm 2010 ở tỉnh Quảng Đông. Căn cứ được trang bị tên lửa đạn đạo DF-21C hoặc tên lửa hành trình tầm xa CJ-10, cả hai được cho là có khả năng tấn công chính xác trong phạm vi 2.000 km, đặt 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền VN trong tầm ngắm.
Lực lượng hạt nhân Mỹ
Máy bay ném bom B-52 của Mỹ - Ảnh: Bloomberg

Máy bay ném bom B-52 của Mỹ – Ảnh: Bloomberg

Thực tế, năng lực vũ khí hạt nhân Mỹ vượt xa Trung Quốc gấp nhiều lần. Tính đến năm 2015, nước này vẫn còn 4.760 đầu đạn hạt nhân, trong đó có 2.080 đầu đạn đã được triển khai, theoBulletin of the Atomic Scientists.
Trong thập niên tới, Washington sẽ chi tới 350 tỉ USD cho việc hiện đại hoá và duy trì năng lực hạt nhân. Các lực lượng vũ khí hạt nhân chiến lược của Mỹ hiện nay được cho là gồm tên lửa đạn đạo liên lục địa, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm, tên lửa hành trình phóng từ máy bay, oanh tạc cơ B-52, oanh tạc cơ tàng hình B-2, bom nguyên tử B61 và bom nhiệt hạch B-83.
Với tương quan lực lượng như vậy, nhiều nhà chiến lược Mỹ tự tin Trung Quốc sẽ chịu tổn thất hơn gấp nhiều lần nên nước này sẽ tránh mọi xung đột ngay khi xuất hiện nguy cơ chiến tranh hạt nhân. Họ cũng cho rằng giới lãnh đạo ở Bắc Kinh “thừa hiểu” Mỹ có khả năng bắn chặn tên lửa liên lục địa ngay trước khi được phóng hoặc trong lúc bay.
Tuy nhiên, tờ The Strait Times dẫn lời Giáo sư Hugh White tại Đại học Quốc gia Úc đặt câu hỏi: “Điều gì sẽ xảy ra nếu các lãnh đạo Trung Quốc nghĩ khác?”. Theo ông, Trung Quốc vẫn có thể nghiêng về khả năng tấn công hạt nhân vì họ cho rằng sự kiên quyết của mình có thể đối trọng với lợi thế về vũ khí của Mỹ. Dù sao thì khi đã xảy ra chiến tranh hạt nhân thì bất chấp thực lực chênh lệch ra sao, kết quả cuối cùng vẫn gần như là “ngọc đá cùng tan” nên Washington vẫn có thể chùn chân.
Từ đó, Giáo sư White cho rằng vẫn có nguy cơ xung đột hạt nhân Mỹ – Trung khi bên này đánh giá thấp bên kia. “Ngày nay vẫn có nguy cơ thật sự là cả hai phía đều nghĩ bên kia sẽ rút lui trước. Điều đó khiến cả hai càng sẵn sàng tạo ra nguy cơ biến đối đầu thành xung đột không thể kiểm soát”, ông cảnh báo.

Văn Khoa