01/01/2025

Hàng rào an ninh chưa từng có tại Paris

Chính phủ Pháp đã cho áp dụng những biện pháp an ninh nghiêm ngặt chưa từng có để chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao lần thứ 21 của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu.

 

Hàng rào an ninh chưa từng có tại Paris

 

Chính phủ Pháp đã cho áp dụng những biện pháp an ninh nghiêm ngặt chưa từng có để chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao lần thứ 21 của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu.





Binh sĩ Pháp tuần tra tại trạm tàu điện ngầm ở đại lộ Champs-Élysées

Binh sĩ Pháp tuần tra tại trạm tàu điện ngầm ở đại lộ Champs-Élysées


Ngày 30.11 (giờ địa phương), Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP21) khai mạc ở thủ đô Paris của Pháp với sự tham dự của 150 nhà lãnh đạo và 40.000 đại biểu từ 195 quốc gia.

Tiếp đón một số lượng lớn những nhân vật quan trọng nhất thế giới chỉ hơn 2 tuần sau khi diễn ra vụ tấn công kinh hoàng hôm 13.11 là điều cực kỳ “nhạy cảm” đối với chính phủ Pháp. Chính vì vậy, mức độ an ninh tại Paris nói chung và Khu triển lãm Le Bourget, nơi diễn ra COP21, nói riêng đã được đẩy lên mức tối đa, đặc biệt trong thời gian diễn ra hội nghị, tức từ lúc những đoàn đại biểu đầu tiên đến nơi vào tối 29.11 cho tới ngày 11.12.
Sau khi xảy ra chuỗi tấn công khủng bố đẫm máu do bàn tay của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) làm ít nhất 130 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương, đã có nhiều ý kiến hoài nghi về khả năng tiếp tục tổ chức COP21.
Trao đổi với Thanh Niên, nhà quan sát kỳ cựu về an ninh và quốc phòng của nhật báo Le Figaro Alain Barluet nhận định: “Việc giữ COP21 theo đúng kế hoạch ban đầu có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Trước hết, vì Pháp đã bỏ rất nhiều công sức để chuẩn bị thật chu đáo cho hội nghị này.
Kế đến, đây có thể xem như cách Pháp và hàng trăm quốc gia tham dự hội nghị thể hiện thái độ kiên quyết đương đầu với mối đe doạ của các tổ chức khủng bố”.
Cấm bán các loại chất đốt ở siêu thị
Việc cảnh sát, hiến binh hay binh sĩ tuần tra tại các địa điểm công cộng ở Paris đã trở thành một điều rất quen thuộc kể từ sau thảm kịch ngày 13.11. Sang thủ đô Pháp gần 2 tuần qua, nhiều lần tôi lâm vào cảnh lên tàu điện ngầm phải đợi thật lâu hoặc tàu đang chạy ngon trớn phải dừng tạm ở một trạm, hành khách bị “lùa” xuống hết.
Cảnh sát chống bạo động đối mặt với người biểu tình - Ảnh: Lan Chi

Cảnh sát chống bạo động đối mặt với người biểu tình – Ảnh: Lan Chi

Nguyên nhân là ai đó để quên giỏ xách ở nhà ga hoặc trên tàu, làm toàn bộ tuyến tàu đó bị ngưng hoạt động trong nhiều giờ để cảnh sát kiểm tra xem có chất nổ cài trong vật thể vô thừa nhận này không. Nhưng ngoài tinh thần cảnh giác của người dân, thủ đô Paris còn cần các biện pháp chưa từng có để đảm bảo COP21 diễn ra êm đẹp.
Theo thông cáo của Bộ Nội vụ Pháp, từ ngày 14.11, chính phủ nước này đã thiết lập lại việc kiểm soát ở khu vực biên giới với các nước EU. Việc kiểm soát ở cửa khẩu sẽ càng được tăng cường trong thời gian diễn ra COP21 vì ngoài nguy cơ khủng bố, nước chủ nhà còn muốn tránh việc các nhóm cực đoan nhân hội nghị để gây bạo loạn.
Cụ thể, khoảng 8.000 cảnh sát và hiến binh sẽ được điều động tham gia công tác này. Riêng khu vực tổ chức COP21 ở Le Bourget, ngoại ô Paris, sẽ được 2.800 cảnh sát và hiến binh cùng với lực lượng an ninh của Liên Hiệp Quốc phối hợp bảo vệ. Số lượng binh sĩ tham gia bảo đảm an ninh trên toàn nước Pháp hiện lên đến 10.000 người.
Quốc hội nước này cũng thông qua đề xuất kéo dài thời gian áp dụng “tình trạng khẩn cấp” lên 3 tháng, với nhiều quyền hạn tăng cường cho cảnh sát như có thể tiến hành lục soát nhà mà không cần trát của toà.
Ngoài ra, chính quyền vùng Île-de-France (gồm Paris và các khu ngoại ô) đã ra sắc lệnh cấm các siêu thị bán những loại chất đốt gia dụng như xăng, cồn… từ ngày 29.11 – 13.12. Đây là những chất có thể bị những phần tử cực đoan dùng chế tạo bom xăng để tấn công cảnh sát.
Việc đi lại của cư dân Paris trước và trong ngày khai mạc COP21 cũng không hề đơn giản. Hội nghị này kéo dài gần 2 tuần nhưng phần tham gia của các nhà lãnh đạo tập trung vào những ngày đầu. Theo Bộ Nội vụ Pháp, để đảm bảo việc di chuyển cho các vị lãnh đạo và phái đoàn, nhiều tuyến đường nối từ trung tâm Paris, các sân bay Roissy Charles-de-Gaulle và Orly đến Le Bourget sẽ bị cấm trong ít nhất hai ngày 29 và 30.11.
Đụng độ lớn giữa cảnh sát và người biểu tình
Bất chấp bị cấm biểu tình, nhiều hoạt động thay thế đã được các tổ chức môi trường thực hiện tại Paris vào trưa 29.11 như sự kiện “Vòng tay kết nối vì hòa bình và hành tinh xanh”, quy tụ từ 4.500 -10.000 người đứng dọc theo đại lộ Voltaire; xếp hàng ngàn đôi giày ở quảng trường République để phản đối việc bị cấm tuần hành.
Các hoạt động này khởi đầu rất ôn hòa nhưng đến đầu giờ chiều, một số nhóm quá khích bắt đầu đụng độ với cảnh sát. Tại quảng trường République, nhiều người lấy giày được bày sẵn, thậm chí cả nến ở khu vực tưởng niệm nạn nhân vụ tấn công 13.11 để ném vào lực lượng an ninh và bị đáp trả bằng hơi cay.
Sau đó, đơn vị cảnh sát chống bạo động (CRS) đứng thành nhiều vòng quanh quảng trường để chia tách người biểu tình thành từng nhóm nhỏ. Hai bên cứ thế mặt đối mặt đến 20 giờ (rạng sáng 30.11, giờ VN) mới giải tán. Theo Sở Cảnh sát Paris, 317 người đã bị tạm giữ do xô xát với lực lượng CRS.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự khai mạc COP21
Sáng 30.11, Tổng thống Pháp François Hollande đã có mặt từ rất sớm tại khu triển lãm Le Bourget để đón tiếp gần 150 tổng thống và thủ tướng tham dự COP21.
Sau lễ khai mạc, mỗi nhà lãnh đạo sẽ lần lượt phát biểu khoảng 3 phút. Hai mục tiêu quan trọng nhất của COP21 là thống nhất giải pháp để giữ mức tăng nhiệt độ trung bình của trái đất không vượt ngưỡng 2°C và vận động được 100 tỉ USD/năm để hỗ trợ các nước dễ bị tổn hại vì biến đổi khí hậu.
Theo lịch trình, các vị lãnh đạo quốc gia chỉ có mặt ở hội nghị trong 2 ngày đầu, sau đó là gần một tuần thảo luận của các nhà đàm phán đến từ 195 nước. Từ ngày 7.12, đến lượt các bộ trưởng môi trường nhóm họp để soạn thảo thoả thuận sau cùng, dự định được công bố vào ngày 11.12. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự hội nghị.
Theo TTXVN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu phái đoàn Việt Nam dự và có phát biểu quan trọng tại phiên toàn thể của hội nghị. Bài phát biểu khẳng định với thế giới cam kết chính trị mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam đã, đang và tiếp tục chủ động, có trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế chung tay nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu bằng những hành động cụ thể cả ở tầm quốc gia và quốc tế.
Là một trong những nước dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu, VN là một trong những nước chủ động đưa ra mức cam kết quốc gia để cùng cộng đồng quốc tế nỗ lực giảm phát thải nhà kính.
Cũng tại Paris, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim, Tổng thư ký Hội Hữu nghị Pháp – Việt Jean Pierre Archambault, gặp gỡ với đại diện cộng đồng người Việt và cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, theo TTXVN.

Nguyễn Ngọc Lan Chi 
(từ Paris)