04/01/2025

Cạnh tranh gay gắt, mở rộng thị trường ASEAN cách nào

Từ trước đến nay, doanh nghiệp VN hướng ra thị trường bên ngoài nhiều hơn là thị trường 600 triệu dân khu vực ASEAN do sản xuất hàng hoá, thương mại của các nước ASEAN có nhiều điểm tương đồng.

 

Cạnh tranh gay gắt, mở rộng thị trường ASEAN cách nào

 

Từ trước đến nay, doanh nghiệp VN hướng ra thị trường bên ngoài nhiều hơn là thị trường 600 triệu dân khu vực ASEAN do sản xuất hàng hoá, thương mại của các nước ASEAN có nhiều điểm tương đồng.




Hàng VN đang có nhiều cơ hội tại thị trường Myanmar. Trong ảnh: sản phẩm VN được giới thiệu ở một hội chợ tại Myanmar - Ảnh: C.N.
Hàng VN đang có nhiều cơ hội tại thị trường Myanmar. Trong ảnh: sản phẩm VN được giới thiệu ở một hội chợ tại Myanmar – Ảnh: C.N.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, với Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), doanh nghiệp VN phải nghĩ khác mới tận dụng được thị trường tiềm năng này.

Nhiều tiềm năng nhưng không dễ khai thác

Bà Nguyễn Thị Thi Thơ – phụ trách bán hàng quốc tế của Công ty CP thực phẩm Hồng Phú, chuyên xuất bánh kẹo, nước chấm sang Lào, Campuchia, Philippines và Thái Lan – cho biết tăng trưởng các mặt hàng xuất sang các thị trường này trong năm nay tăng hơn 35% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ chất lượng tốt và giá cạnh tranh.

“Đặc thù của thị trường ASEAN là sự không đồng đều như hàng vào Myanmar lại không đòi hỏi quá cao, trong khi vào thị trường khác rất khó. Chẳng hạn, hàng thực phẩm VN muốn vào thị trường Indonesia và Malaysia phải đáp ứng yêu cầu chứng nhận Halal (giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm theo luật Hồi giáo) do chính nước này đóng dấu” – bà Thơ cho biết.

Dù xuất khẩu tôn mạ và phủ màu sang thị trường các nước Indonesia, Malaysia, Campuchia và Lào từ năm năm nay, nhưng ông Hồ Quang Thiệp – phó tổng giám đốc thứ nhất của Công ty tôn Phương Nam – cho hay tổng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường trong khu vực ASEAN còn rất khiêm tốn.

“Chất lượng đòi hỏi ở các thị trường này tuy không cao, nhu cầu cũng không nhiều nên khai thác được ở những thị trường này tưởng dễ nhưng thật ra cũng không dễ mấy” – ông Thiệp thông tin.

Sự “không dễ” này, theo ông Thiệp, là do không đòi hỏi chất lượng quá cao nên có rất nhiều đối thủ cùng khai thác, dẫn đến sự cạnh tranh rất gay gắt về giá bán giữa các đối thủ. Hơn nữa, nhiều nước trong khối ASEAN đã dựng hàng rào kỹ thuật, áp dụng nhiều hình thức phòng vệ thương mại để ngăn bớt hàng nhập khẩu, bảo vệ sản xuất trong nước.

Cũng khai thác thị trường ASEAN từ nhiều năm nay, ông Nguyễn Hữu Việt – giám đốc kinh doanh Công ty CP Dây cáp điện VN (Cadivi) – cho biết sản phẩm của Cadivi đã có mặt ở các nước Campuchia, Myanmar, Lào, Brunei, Indonesia và Malaysia, nhưng cũng chỉ mới có ba nhà phân phối tại Campuchia, Myanmar và Lào.

“Kim ngạch xuất khẩu của công ty đã tăng gấp 10 lần so với cách đây 10 năm, nhưng chỉ khởi sắc từ năm ngoái, với số lượng kim ngạch tăng khá mạnh do sản phẩm ngày càng được người tiêu dùng nước bạn tin dùng hơn” – ông Việt nói.

Tại các thị trường này, ngành dây cáp điện VN cũng đang bị cạnh tranh gay gắt bởi các nước Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Trung Quốc.

“Chúng tôi bị áp lực rất lớn là sản phẩm phải có chất lượng tốt vừa có giá cả thật cạnh tranh mới có thể trụ vững được. Đặc biệt, doanh nghiệp càng có tên tuổi, càng có uy tín mới tạo được sự tin cậy từ khách hàng” – ông Việt chia sẻ.

… Và đừng quên 
“sân nhà”

Theo tiến sĩ Hans-Paul Burkner – chủ tịch Tập đoàn tư vấn Boston (BCG), AEC mang đến cơ hội cho doanh nghiệp VN tiếp cận thị trường tăng hơn 6 lần so với thị trường nội địa nhưng doanh nghiệp VN cũng đối diện với sự cạnh tranh khốc liệt từ doanh nghiệp nội khối, không chỉ “sân khách” mà cả “sân nhà”.

“Chúng ta thấy nhiều loại cà phê ngoại tại VN nhưng bên cạnh đó là nhiều thương hiệu cà phê nội địa được ưa chuộng do nắm bắt được thị hiếu người tiêu dùng. Nắm được thị hiếu khách hàng và biết cách tương tác sẽ giúp doanh nghiệp nội địa lợi thế” – ông Hans-Paul Burkner nhấn mạnh.

TS Võ Trí Thành, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương, cho rằng một khi AEC hình thành, những thế mạnh của VN như giày dép, may mặc, nông sản cũng sẽ phải cạnh tranh với mặt hàng có tính tương đồng trong khu vực, buộc hàng VN phải nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn.

Hiện nay sản xuất của thế giới đã hình thành chuỗi, thặng dư sản xuất cũng được chia theo đoạn, VN cần tham gia vào chuỗi cung ứng khu vực thì mới tận dụng được cơ hội AEC đem lại.

“Trong các nước ASEAN, VN chỉ đứng sau Singapore về lợi thế hội nhập. AEC không chỉ là thị trường của 600 triệu dân mà AEC là cộng đồng mở theo khu vực, chơi với ASEAN phải nghĩ đến thế giới và ngược lại, khi ra bên ngoài cũng phải nghĩ đến khả năng sản xuất của thị trường 10 nước. VN đang đi nhanh hơn các nước trong khu vực khi có FTA với nhiều quốc gia lớn, VN là nơi kết nối dễ dàng nhất, thuận lợi nhất” – ông Thành nói.

Theo các chuyên gia, với AEC, rất nhiều lĩnh vực hấp dẫn sẽ mở ra, không chỉ mở cửa thị trường, dịch vụ hay thu hút đầu tư mà cơ hội còn gắn với người tiêu dùng khu vực, ASEAN là khu vực có tầng lớp trung lưu phát triển nhanh nhất thế giới.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng để doanh nghiệp VN có thể trở thành nhà sản xuất toàn cầu còn phụ thuộc khả năng tuân thủ luật chơi chung, chứ không thể giữ cách làm ăn theo kiểu “chụp giật” hiện nay.

VN nhập siêu từ Thái Lan, Singapore

ASEAN luôn thuộc nhóm các thị trường xuất khẩu hàng đầu của VN những năm gần đây, trong đó ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của VN vào năm 2014, chỉ sau Mỹ và EU. Tuy nhiên, ASEAN cũng là đối tác đứng thứ hai cung cấp hàng hoá cho VN, chỉ sau thị trường Trung Quốc.

VN có thặng dư thương mại không đáng kể với các nước Campuchia, Philippines, Indonesia và Myanmar, trong khi đó thâm hụt thương mại rất lớn với Thái Lan và Singapore.

Hàng rào kỹ thuật dựng lên ngày càng nhiều

Trong hơn 10 vụ kiện phòng vệ thương mại do Thái Lan, Indonesia, Malaysia liên tục khởi kiện VN thời gian qua, có không ít sản phẩm xuất khẩu chủ lực của VN có nguy cơ bị mất thị trường do bị áp thuế quá cao.

Chẳng hạn, sản phẩm tôn lạnh VN gần như mất thị trường Indonesia do bị áp thuế tự vệ lên tới 150% so với giá bán trong năm đầu tiên và còn khoảng 139% trong năm thứ ba, khiến giá thành xuất khẩu tôn lạnh có thể lên tới hơn 1.000 USD/tấn, mức quá cao để có thể cạnh tranh được với các nước khác.

NHƯ BÌNH – TRẦN VŨ NGHI ([email protected])