Nhiều doanh nghiệp đang lo lắng khi hạn cuối đăng ký nộp thuế điện tử đã cận kề nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc.
Nộp thuế điện tử ‘chạy’ kế hoạch
Nhiều doanh nghiệp đang lo lắng khi hạn cuối đăng ký nộp thuế điện tử đã cận kề nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc.
Bắt đầu từ ngày 20.11, Cục Thuế TP.HCM tăng cường thúc đẩy các doanh nghiệp (DN) hoàn thành việc đăng ký nộp thuế điện tử tại ngân hàng (NH). Cơ quan thuế hối thúc các DN phải khẩn trương đăng ký vì kể từ đầu tháng 12 trở đi, theo chỉ đạo từ Bộ Tài chính, các NH sẽ chỉ chấp nhận nộp thuế bằng hình thức điện tử. Theo Bộ Tài chính, đến nay hơn 90% DN đã đăng ký tham gia nộp thuế điện tử. Song số chứng từ nộp thuế và số tiền nộp ngân sách nhà nước bằng phương thức điện tử còn thấp.
“Chết” cũng bắt nộp thuế điện tử
Để hoàn thành chỉ tiêu cuối năm, các cơ quan thuế địa phương đã “co chân lên chạy”, hối các DN mau chóng đăng ký nộp thuế điện tử, làm nảy sinh nhiều vướng mắc.
Ông Chung Thành Tiến, Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ kế toán Đồng Hưng, cho hay có DN mới vừa thành lập, muốn đăng ký hồ sơ ban đầu, cơ quan thuế bắt phải đăng ký nộp thuế điện tử mới nhận. Có đơn vị đăng ký thành lập DN xong, đến lúc phát hành hoá đơn bị kẹt lại vì phải đăng ký nộp thuế điện tử cơ quan thuế mới cho phát hành hóa đơn. Hoặc trường hợp một DN ở Q.Tân Phú, cơ quan thuế gửi thư đề nghị nộp thuế điện tử, DN không muốn nên không trả lời, cơ quan thuế tự động khoá mã số thuế của DN. Một chuyện “dở khóc dở cười” khác là DN chuẩn bị nộp hồ sơ giải thể mà số liệu thuế đang đối chiếu với cơ quan thuế thì cũng bị đòi nộp thuế điện tử. “Chết rồi mà cũng đòi đăng ký mua chữ ký điện tử, chỉ tốn tiền cho DN”, ông nói.
Theo Thông tư 110 hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế được ban hành tháng 7.2015, về hình thức nộp thuế điện tử, người nộp thuế có thể lựa chọn các hình thức như nộp thông qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, hoặc thông qua hình thức thanh toán điện tử (internet, mobile, ATM, POS và các hình thức thanh toán điện tử khác) của NH. Nhưng cơ quan thuế đã “lùa” hết các DN phải nộp thuế điện tử. Bà Hồ Thoa, chủ một DN vừa thành lập ở Q.7, gọi hỏi cơ quan thuế có cần thiết phải đăng ký nộp thuế điện tử, vì bà đang sử dụng internet banking, thì nhân viên thuế trả lời, việc nộp thuế qua cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế đảm bảo chính xác, nhanh chóng và buộc phải đăng ký gấp. Còn giao dịch NH điện tử không có kết nối online trực tiếp với thuế nên có thể không đảm bảo chính xác. “Chẳng lẽ tôi phải ngừng kinh doanh vì không đăng ký nộp thuế điện tử?”, bà Thoa thắc mắc.
Giám đốc một công ty khác cho biết, nhân viên công ty đã đi làm việc với các chi cục thuế, chỉ ra quy định Thông tư 110, nhưng cơ quan thuế vẫn lắc đầu. “Mà họ đã lắc đầu thì có việc gì cần cơ quan thuế hỗ trợ là họ không giải quyết. Thí dụ nhờ xác nhận thuế là không được. Họ nói phải làm thủ tục nộp thuế điện tử xong thì mới xác nhận hồ sơ các thủ tục về thuế”, ông bức xúc.
“Không thể vì chuyện này mà ép chuyện kia”
Các chuyên gia về thuế đều đồng thuận rằng nộp thuế điện tử là một chủ trương đúng đắn đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, rút ngắn thời gian nộp thuế cho DN. Tuy nhiên, việc áp dụng chạy theo chỉ tiêu nên đã có phần ép các DN. “Chuyện nào ra chuyện đó. Chuyện nộp thuế điện tử là nộp thuế điện tử, khai báo thuế là khai báo thuế, hai chuyện khác nhau. Không thể vì chuyện này mà ép chuyện kia”, ông Chung Thành Tiến nhận định.
Theo ông Nguyễn Đình Du – thuộc bộ phận tư vấn thuế của Công ty tư vấn Grant Thornton VN, nộp thuế điện tử là hợp lý và các nước trên thế giới đều đã sử dụng phương thức này. Tuy nhiên, việc triển khai khó khăn bởi DN thấy còn chưa thông suốt, chưa có lợi để tự động làm, trong khi cơ quan thuế lại đang chạy nước rút. Vì vậy nên mới xảy ra chuyện cơ quan thuế “bắt chẹt” DN, đòi phải nộp thuế điện tử mới làm các thủ tục khác.
Cần đưa ra lộ trình
Một luật sư chuyên về thuế cho rằng, quyền lợi và nghĩa vụ hàng đầu của người nộp thuế là nộp đúng, nộp đủ, nộp kịp thời cho ngân sách nhà nước. Vì vậy, DN có thể chọn cách nào miễn sao đảm bảo được nghĩa vụ trên. Hiện việc nộp thuế điện tử phù hợp với những công ty có quy mô tương đối lớn và có số tiền thuế lớn; còn các công ty nhỏ thì chưa thích, kế toán thường giữ token (thiết bị bảo mật tài khoản) để làm báo cáo thuế, mà nộp thuế điện tử có rắc rối là chủ DN muốn giữ token để quản lý tài khoản. “Hãy để DN tự nguyện, khi đã thông hiểu, an tâm và thấy cái lợi của việc nộp thuế điện tử, DN sẽ tự động đăng ký, không cần phải bắt buộc”, ông nói.
Các chuyên gia cho rằng, tùy vào từng nhóm đối tượng mà cơ quan thuế có thể đưa ra lộ trình từng thời kỳ, đừng gom hết một “rổ” gây vướng cho DN.