Thổ Nhĩ Kỳ điều binh áp sát Syria
Thổ Nhĩ Kỳ điều xe tăng và triển khai tuần tra quy mô lớn sát biên giới với Syria khi căng thẳng với Nga vì vụ bắn hạ chiến đấu cơ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Thổ Nhĩ Kỳ điều binh áp sát Syria
Thổ Nhĩ Kỳ điều xe tăng và triển khai tuần tra quy mô lớn sát biên giới với Syria khi căng thẳng với Nga vì vụ bắn hạ chiến đấu cơ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Nguồn tin từ Hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua 26.11 cho biết quân đội nước này đã điều thêm 20 xe tăng bổ sung cho Lữ đoàn thiết giáp số 5 đóng tại tỉnh Hatay sát Syria sau vụ tiêm kích F-16 bắn rơi chiến đấu cơ Su-24 của Nga.
Ngoài ra, Itar-Tass dẫn thông báo của Bộ Tổng tham mưu quân đội Thổ nói rằng Ankara đã triển khai một trong những sứ mệnh tuần tra không phận lớn nhất từ trước đến nay gần biên giới Syria. Cụ thể, 18 chiếc F-16 đã được điều động để tham gia chiến dịch trong ngày 25.11.
Về phía Nga, Hãng RIA-Novosti đưa tin các hệ thống tên lửa phòng không tối tân S-400 đã được triển khai đến Syria vào hôm qua 26.11 theo như tuyên bố trước đó. Các hệ thống này được bố trí tại tỉnh duyên hải Latakia và chỉ cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ 50 km, với khả năng bắn hạ mục tiêu trong bán kính hơn 200 km.
Trong khi đó, cuộc đấu khẩu giữa hai nước vẫn tiếp tục leo thang và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Theo Reuters, phát biểu tại lễ trình uỷ nhiệm thư của các đại sứ nước ngoài hôm qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng theo quan điểm của Moscow, Ankara “đang cố tình đưa quan hệ song phương đi vào ngõ cụt”. Ông nói thêm rằng Nga chưa hề nhận được một lời xin lỗi hay đề nghị bồi thường của Thổ Nhĩ Kỳ về vụ bắn rơi chiếc Su-24. Chủ nhân Điện Kremlin tiếp tục nhấn mạnh rằng Nga xem sự việc là “nhát dao phản phé đằng sau lưng” không thể thanh minh.
Đáp lại, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố vụ bắn hạ là “phản ứng tự động” theo đúng mệnh lệnh được truyền đạt cho quân đội và nếu xảy ra một trường hợp xâm phạm không phận nào tiếp theo, Ankara vẫn sẽ hành động theo cách thức đã áp dụng với chiếc Su-24. Ông Erdogan cũng bác bỏ cáo buộc nói rằng giới chức Thổ Nhĩ Kỳ thu mua dầu của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS). Nhà lãnh đạo Thổ nhấn mạnh không ai có quyền nghi ngờ lập trường chống IS của nước này và tái khẳng định Ankara sẽ tiếp tục ủng hộ lực lượng nổi dậy ôn hoà ở Syria và các tay súng người gốc Thổ (Turkmen) ở Syria.
Cùng ngày, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev ra lệnh cho các bộ ngành chuẩn bị các biện pháp trả đũa về kinh tế với Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm đóng băng một số dự án hợp tác đầu tư và hạn chế nhập khẩu nông phẩm từ nước láng giềng.
Sau khi công bố dữ liệu radar trong vụ bắn hạ Su-24, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua 26.11 tung tiếp đoạn băng được cho là đã ghi lại những cảnh báo của phía Ankara với chiến đấu cơ Nga trước khi bị bắn hạ, theo BBC. “Các ông đang tiến sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, hãy đổi hướng”, người trong đoạn ghi âm nói bằng tiếng Anh. Trước đó, 1 trong 2 phi công sống sót tên Konstantin Murakhtin khẳng định ông và đồng đội không hề nhận được cảnh báo từ phía Thổ.
Việt Nam kêu gọi kiềm chế
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao ngày 26.11, trả lời câu hỏi về việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Nga vừa qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nói: “Chúng tôi cho rằng các bên liên quan cần kiềm chế, không có các hành động làm leo thang căng thẳng tình hình, xử lý vụ việc vừa qua trên cơ sở luật pháp quốc tế, đóng góp có trách nhiệm vào việc duy trì hoà bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới”.
Anh Đan
|
Trùng Quang