Phá kho thức ăn chăn nuôi lậu
Ngày 26.11, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) – Công an TP.HCM đã lấy mẫu của hàng trăm tấn thức ăn cho heo, chất phụ gia đưa đi xét nghiệm do nghi có chứa chất tạo nạc salbutamol.
Phá kho thức ăn chăn nuôi lậu
Ngày 26.11, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) – Công an TP.HCM đã lấy mẫu của hàng trăm tấn thức ăn cho heo, chất phụ gia đưa đi xét nghiệm do nghi có chứa chất tạo nạc salbutamol.
NhưThanh Niên đã thông tin, từ trưa 25.11, trinh sát Đội 2 (PC46) phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM tiến hành kiểm tra Công ty TNHH TiNo và Công ty TNHH MTV thương mại sản xuất Menon ở Khu công nghiệp Tân Tạo (Q.Bình Tân). Cuộc làm việc kéo dài đến hôm qua mới hoàn tất, cơ quan chức năng đã niêm phong tạm giữ hàng trăm tấn thức ăn cho heo và các chất phụ gia cải thiện, nâng cao tính thèm ăn, tiêu hoá thức ăn cho vật nuôi không có chứng từ hợp lệ và không được phép lưu hành tại VN.
“Thức ăn đậm đặc”
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, Công ty TiNo đầu tư xây dựng khu nhà xưởng khá quy mô trên diện tích khoảng 3.000 m2. Khu vực cuối nhà xưởng dành cho việc sản xuất thức ăn cho heo bằng cách thức pha trộn các nguyên vật liệu được nhập khẩu từ Trung Quốc. Tại đây, có một máy trộn lớn cao khoảng 5 m và một máy trộn nhỏ. Lúc kiểm tra, hàng chục bao nguyên vật liệu được khui dang dở để pha trộn. Khu chính giữa nhà xưởng chứa hàng trăm bao bột mì, bột sữa và nhiều loại bao loại 20 – 40 kg có in các nhãn hiệu khác nhau bằng chữ Trung Quốc. Phần trước nhà xưởng là nơi chứa hơn 200 tấn thức ăn chăn nuôi thành phẩm hiệu Tinomix 4002, 4003, 4004, 4005S, 4006S.
|
Qua quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng nghi 200 tấn thức ăn thành phẩm chứa chất tạo nạc salbutamol (chất gây ung thư). Những loại này được người chăn nuôi gọi là “thức ăn đậm đặc” và tuỳ theo trọng lượng của heo mà có thể sử dụng các loại Tinomix 4002, 4003 hoặc 4004, 4005S… Trong đó, với loại Tinomix 4003, người nuôi chỉ cần mua 2 bao loại này (giá 700.000 đồng/bao 20 kg) thì có thể trộn với… 1 tấn thức ăn phụ khác (rau muống, cám…) để cho heo ăn.
“Do thu thập từ thông tin của người dân cung cấp và lời khai của người liên quan đến công tác quản lý sản xuất sản phẩm nên cơ quan chức năng quyết định lấy mẫu xét nghiệm có chất tạo nạc hay không. Hiện tại, chúng tôi vẫn đang chờ kết quả xét nghiệm. Nếu thực chất trong loại thức ăn cho heo này có chứa salbutamol thì rất nguy hiểm. Chất này biến thịt mỡ thành thịt nạc giúp heo tăng trọng bất thường và bị cấm nhập khẩu. Khi người tiêu dùng ăn nhiều loại thịt này thì rất dễ gây ung thư”, một cán bộ đoàn kiểm tra cho biết.
Theo quan sát của PV, dù nhà xưởng rất rộng lớn nhưng vào thời điểm kiểm tra chỉ có khoảng 10 công nhân tham gia pha trộn thức ăn. Quy trình sản xuất rất đơn giản, chủ doanh nghiệp nhập nhiều loại nguyên liệu hỗn hợp khác nhau từ Trung Quốc, sau đó mang về thuê nhân công trộn theo công thức riêng của công ty, qua một máy trộn lớn rồi đóng thành bao loại 20 kg.
Riêng Công ty Menon chuyên sản xuất chất phụ gia và cung ứng nhiều loại phụ gia của các nhà sản xuất nổi tiếng thế gới như a xít amin, thuốc kháng sinh, chất khoáng, chất bảo quản thức ăn. Thời điểm kiểm tra, lực lượng phối hợp phát hiện lượng thành phẩm cả trăm tấn với 60 – 70 chất phụ gia các loại, trong đó số lượng lớn đã quá hạn sử dụng. Do nghi vấn chất phụ gia có chứa chất tạo nạc, cơ quan chức năng cũng đã lấy 4 mẫu đưa đi xét nghiệm. “Hầu hết các nguyên vật liệu mà hai công ty này sử dụng để sản xuất sản phẩm đều được nhập từ Trung Quốc”, một cán bộ của PC46 cho biết.
Lưu hành sản phẩm chưa đăng ký
Theo cơ quan chức năng, hai công ty trên do bà H.H.L (40 tuổi, ngụ Q.5) làm giám đốc; trong đó Công ty TNHH MTV dịch vụ thương mại Eco (trụ sở nằm trên đường Nguyễn Đình Chiểu, Q.1) do bà H.N (mẹ ruột của bà L.) làm giám đốc, đứng ra nhập khẩu nguyên vật liệu từ Trung Quốc cung cấp cho Công ty Menon. Sau đó, Công ty Menon sử dụng một phần để sản xuất chất phụ gia cung cấp cho thị trường, một phần chuyển cho Công ty TiNo sử dụng sản xuất thức ăn nhãn hiệu Tonomix.
Qua kiểm tra, sản phẩm nhãn hiệu Tonomix chưa đăng ký với cơ quan chức năng và chưa được phép lưu hành tại thị trường VN. Trong khi đó, cơ quan chức năng xác định Công ty TiNo sử dụng nhiều nguyên vật liệu sản xuất sản phẩm Tinomix nhưng nghi có chất không ghi trên bao bì đúng theo quy định. Bước đầu, lực lượng chức năng tiến hành lập biên bản và niêm phong khoảng 200 tấn thức ăn cho heo hiệu Tinomix 4002, 4003, 4004, 4005S, 4006S để phục vụ công tác điều tra.
“Mặc dù các loại thức ăn hiệu Tinomix thành phẩm không nằm trong danh mục sản xuất thức ăn chăn nuôi của Bộ NN-PTNN nhưng từ năm 2011 đến nay, Công ty TiNo cho ra lò số lượng lớn đưa về nhiều tỉnh, thành như Đồng Nai, Lâm Đồng, Long An…. tiêu thụ, trong khi đó cơ quan quản lý nhà nước không hề hay biết”, một thành viên trong đoàn kiểm tra nói. Đáng chú ý, tại thời điểm kiểm tra, đại diện Công ty TiNo không xuất trình được giấy tờ, hóa đơn của một số nguyên vật liệu trong xưởng. Trong quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng còn phát hiện 2 thùng hoá đơn được các nhân viên công ty cất giấu ở cuối nhà kho và đã tiến hành niêm phong.
Tương tự tại Công ty Menon, cơ quan chức năng còn phát hiện 24 chất được nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng công ty chưa xuất trình được giấy tờ. “Cơ quan công an nghi vấn 3 công ty này do một người lập ra, đứng phía sau điều hành là người nước ngoài, tạo quy trình hoạt động kinh doanh khép kín để dễ hợp thức hoá chứng từ. Chỉ tính riêng Công ty TiNo từ tháng 1.2014 đến tháng 7.2015, doanh thu lên đến gần 500 tỉ đồng. Trong quá trình kiểm tra, cơ quan công an phát hiện số lượng lớn hàng hoá chưa xuất trình được giấy tờ hợp lý trong khâu nhập khẩu, mua bán sản phẩm… Cơ quan CSĐT sẽ làm rõ thêm có việc trốn thuế hay không”, một cán bộ của PC46 xác nhận.
Đàm Huy – Đức Tiến