01/11/2024

Bốn khu quân sự chiến lược của Trung Quốc

Bảy đại quân khu của Trung Quốc được tái cấu trúc thành 4 vùng quân sự chiến lược, theo kế hoạch cải tổ quân đội nước này.

 

Bốn khu quân sự chiến lược của Trung Quốc

 

Bảy đại quân khu của Trung Quốc được tái cấu trúc thành 4 vùng quân sự chiến lược, theo kế hoạch cải tổ quân đội nước này.




Các binh sĩ Trung Quốc duyệt binh tại quảng trường Thiên An Môn – Ảnh: Reuters

Theo tờ South China Morning Post (SCMP), kế hoạch cải tổ Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) được công bố chính thức tại hội nghị toàn thể của Tiểu tổ lãnh đạo về cải cách quốc phòng và quân đội trực thuộc Quân uỷ Trung ương ngày 24.11.

Phiên họp do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì, với sự tham dự của các lãnh đạo 4 tổng cục PLA, 7 đại quân khu, các quân chủng hải lục không quân, tên lửa chiến lược và cảnh sát vũ trang.
Bộ chỉ huy liên quân
Một nguồn thạo tin của tờ SCMP cho biết tại cuộc họp, các tư lệnh và chính ủy của 7 đại quân khu được thông báo rằng có 3 đại quân khu sẽ được xoá bỏ để hợp thành 4 khu quân sự chiến lược trong nỗ lực chuyển hướng cấu trúc quân đội từ mô hình của Liên Xô trước đây sang mô hình bộ chỉ huy tác chiến liên quân của Mỹ.
Lược đồ 4 vùng chiến lược quân sự - Ảnh: SCMP

Lược đồ 4 vùng chiến lược quân sự – Ảnh: SCMP

Cụ thể, thông tấn xã Đài Loan CNA dẫn lời chuyên gia quân sự Lương Quốc Lương ở Hồng Kông cho hay kế hoạch tái cấu trúc sẽ chứng kiến việc sáp nhập hai đại quân khu Nam Ninh và Tế Nam thành đại chiến khu Đông bộ. Hai đại quân khu Thẩm Dương và Bắc Kinh sẽ bị sáp nhập thành đại chiến khu Bắc bộ. Đại quân khu Lan Châu sẽ kết hợp với phần phía tây của đại quân khu Thành Đô để trở thành đại chiến khu Tây bộ. Phần còn lại của đại quân khu Thành Đô cùng đại quân khu Quảng Châu sẽ hình thành đại chiến khu Nam bộ.
Chuyên gia Lương nhận định mỗi đại chiến khu sẽ có một trung tâm chỉ huy liên hợp, hợp thành từ các đơn vị hải lục không quân, tên lửa chiến lược, lực lượng không gian và cảnh sát vũ trang. Các đại chiến khu sẽ được lãnh đạo bởi một “tiểu quân uỷ”, bao gồm phái viên của Quân uỷ Trung ương kết hợp với chỉ huy địa phương. Một nguồn tin khác của SCMP cho hay kế hoạch cải cách cũng bao gồm việc xóa bỏ 3 tổng cục chính trị, hậu cần và trang bị. Chức năng của các tổng cục này sẽ được chuyển giao cho Bộ Tổng tham mưu và Bộ Quốc phòng.
Dấu hiệu kháng cự
Theo SCMP, Chủ tịch Tập Cận Bình, người đồng thời là Chủ tịch Quân uỷ Trung ương, đã thúc giục các lãnh đạo quân sự tuân thủ kế hoạch tái cấu trúc sâu rộng PLA. “Đó là một cuộc cải tổ được các binh sĩ cấp thấp chờ đợi từ lâu vì nó là một bước tiến thiết thực để biến PLA thành quân đội hiện đại phù hợp tiêu chuẩn quốc tế. Nhưng nó cũng là một bước lùi đối với một số sĩ quan cấp cao bị tước mất quyền lực trong cuộc cải tổ. Đó là lý do ông Tập ra lệnh cho họ tuân thủ kỷ luật”, một nguồn tin nhận xét.
Vào tháng 9, ông Tập đã thông báo kế hoạch cắt giảm 300.000 binh sĩ của PLA. Theo SCMP, sẽ có 170.000 quân nhân phải “về vườn” vì kế hoạch cắt giảm này.
Hiện có dấu hiệu về sự kháng cự trong nội bộ quân đội. Vào tuần trước, tờ PLA Daily đã đăng tải bài viết của hai nhà nghiên cứu thuộc Đại học Quốc phòng Tôn Khoa Giai và Hàn Tiếu cảnh báo giới lãnh đạo trung ương rằng kế hoạch cải cách sẽ gây bất ổn trong quân đội và xã hội nếu được thực thi mà không tính đến các vấn đề lương và trợ cấp. Hai tác giả chỉ ra rằng quá trình cải cách quân đội của Mỹ vào thập niên 1970 diễn ra êm thắm nhờ sự chú ý đến lợi ích của tất cả các bên, bao gồm cả việc tăng lương và trợ cấp.
Mặc dù bài báo sau đó được xóa bỏ trên website của tờ PLA Daily, nhưng giới quan sát nhận xét sự xuất hiện của nó là một điều bất thường. “Nó có thể được diễn dịch như một dấu hiệu xích mích, một sự miễn cưỡng cải cách trừ khi một số vấn đề nhất định được giải quyết”, giáo sư về hành chính công Nghê Lạc Hùng thuộc Đại học Chính trị và luật pháp Thượng Hải nói với tờFinancial Times.
Thượng tá về hưu Nhạc Cương nói bài báo có lẽ nhằm vận động cải thiện vấn đề phúc lợi, trợ cấp và lương của các quân nhân phải giải ngũ. Tuy nhiên, ông Nhạc nhận định giới lãnh đạo Trung Quốc đang ở vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, vì nếu thuận theo yêu cầu đó thì những quân nhân về hưu trước kia cũng sẽ đòi được đối xử công bằng.
Căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài
Chính phủ Trung Quốc hôm qua 26.11 xác nhận nước này đang đàm phán với Djibouti để xây dựng một căn cứ hậu cần tại đất nước châu Phi.
Đây là căn cứ quân sự đầu tiên của Trung Quốc ở nước ngoài. “Việc xây dựng các cơ sở liên quan sẽ giúp hải quân và quân đội Trung Quốc tham gia sâu hơn nữa vào các hoạt động gìn giữ hoà bình Liên Hiệp Quốc, tiến hành các nhiệm vụ hộ tống ở vùng biển gần Somalia và vịnh Aden, tham gia hỗ trợ nhân đạo”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói trong cuộc họp báo hôm qua 26.11.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói thêm rằng Bắc Kinh muốn đóng vai trò lớn hơn nữa trong việc duy trì hoà bình và ổn định khu vực.
Trước đó, Tư lệnh Bộ Chỉ huy châu Phi của Mỹ, tướng David Rodriguez tiết lộ Trung Quốc đã ký thoả thuận với Djibouti để đặt căn cứ quân sự tại nước này trong 10 năm.

 

Trung Quốc phản đối Mỹ – Nhật tập trận ở Biển Đông
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi hôm qua 26.11 lên tiếng phản đối kế hoạch của Mỹ và Nhật tập trận chung ở Biển Đông. “Chúng tôi thúc giục các nước liên quan đóng góp vào việc duy trì hoà bình và ổn định ở Biển Đông thay vì biểu dương sức mạnh, tạo ra căng thẳng và thúc đẩy quân sự hoá vùng biển”, ông Hồng nói.
Theo Kyodo News, ông Hồng đưa ra phát biểu trên sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Gen Nakatani và Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ Harry Harris nhất trí rằng hai nước sẽ tiến hành các cuộc tập trận ở Biển Đông trong thời gian tới. Các cuộc tập trận này được giới quan sát đánh giá nhằm mục đích kiềm chế các hành động gây hấn của Trung Quốc ở khu vực.

Công Chính