29/11/2024

Nguy cơ từ nợ khủng của doanh nghiệp nhà nước

Trong khi số nợ phải trả tăng mạnh, doanh thu của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tăng không đáng kể và lợi nhuận lại giảm, theo báo cáo về tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2014 của DNNN vừa được Chính phủ trình Quốc hội.

 

Nguy cơ từ nợ khủng của doanh nghiệp nhà nước

 

Trong khi số nợ phải trả tăng mạnh, doanh thu của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tăng không đáng kể và lợi nhuận lại giảm, theo báo cáo về tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2014 của DNNN vừa được Chính phủ trình Quốc hội.


 


Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN (PVN) là một trong những doanh nghiệp nhà nước có số nợ lớn từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng với hơn 174.000 tỉ đồng. Trong ảnh: trụ sở của PVN tại Hà Nội - Ảnh: Nguyễn Khánh
Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN (PVN) là một trong những doanh nghiệp nhà nước có số nợ lớn từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng với hơn 174.000 tỉ đồng. Trong ảnh: trụ sở của PVN tại Hà Nội – Ảnh: Nguyễn Khánh

Tính đến hết năm tài chính 2014, theo báo cáo của Chính phủ, tổng số nợ phải trả của các tập đoàn, tổng công ty đã lên tới 1.567.000 tỉ đồng, tăng 8% so với năm 2013.

Đặc biệt, vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh cho DNNN là 124.104 tỉ đồng, tăng khoảng 2.000 tỉ so với năm 2013.

Nhiều chuyên gia cảnh báo rằng khoản nợ của các DNNN được Chính phủ bảo lãnh có nguy cơ đe doạ an ninh tài chính quốc gia nếu các doanh nghiệp này hoạt động không hiệu quả, không có khả năng trả nợ.

Nợ lớn, hàng tồn kho cao

Theo báo cáo của Chính phủ, không chỉ vay ngân hàng, nhiều DNNN đã tự phát hành trái phiếu với số lượng không nhỏ, như Tập đoàn Công nghiệp than – khoáng sản VN (Vinacomin) phát hành tới 12.500 tỉ đồng, Tổng công ty Becamex Bình Dương phát hành 7.200 tỉ đồng…

Điều này khiến nhiều DNNN có tỉ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu đã lớn hơn ba lần, như Tổng công ty Lắp máy VN (Lilama) 11,67 lần, Tổng công ty 36 cũng 11,01 lần, Tổng công ty Sông Đà 10,03 lần…

Báo cáo cũng chỉ rõ một số tập đoàn, tổng công ty có số nợ vay từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng “tương đối lớn” như: Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) nợ 174.434 tỉ đồng (khoảng 8 tỉ USD), Tập đoàn Điện lực VN (EVN) 108.457 tỉ đồng (khoảng 5 tỉ USD), Vinacomin 46.170 tỉ đồng (khoảng trên 2 tỉ USD), Tổng công ty Hàng hải VN vay 32.282 tỉ đồng…

Đặc biệt, các tập đoàn, tổng công ty còn có khoản nợ nước ngoài lên tới trên 381.000 tỉ đồng (năm 2013 là khoảng 325.000 tỉ đồng). Trong đó, công ty mẹ Tổng công ty Hàng không VN nợ 27.347 tỉ đồng, PVN 20.305 tỉ đồng, Tổng công ty Cảng hàng không VN 12.138 tỉ đồng…

Cũng theo báo cáo này, một số tập đoàn, tổng công ty “có giá trị hàng tồn kho lớn”, trong đó có các tên tuổi như: PVN tồn kho 29.565 tỉ đồng, Vinacomin 16.377 tỉ đồng, Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) cũng lên tới 15.256 tỉ đồng, Tập đoàn Hoá chất 10.644 tỉ đồng, Tổng công ty Thuốc lá 7.829 tỉ đồng…

Đáng chú ý có 19 tập đoàn, tổng công ty lỗ, với tổng số lỗ lũy kế lên tới 24.451 tỉ đồng (trên 1 tỉ USD).

Không thể không… nợ

Trao đổi với Tuổi Trẻ về các khoản nợ lớn, nhiều DNNN cho rằng đó là nhu cầu và đại đa số là nợ trong tầm kiểm soát. Theo ông Lê Văn Tuấn – tổng giám đốc Lilama, các doanh nghiệp hiện nay không thể không đi vay, rất hiếm doanh nghiệp nào kinh doanh bằng 100% vốn của mình.

Về chỉ số nợ phải trả đã bằng 11,6 lần vốn chủ sở hữu, ông Tuấn giải thích vì vốn chủ sở hữu nhà nước ở Lilama rất nhỏ, chỉ khoảng 700 tỉ đồng.

Trong khi đó, theo ông Tuấn, Lilama thường thực hiện những hợp đồng xây lắp lớn, có cái trị giá đến 1,4 tỉ USD. Khi ký hợp đồng và bắt đầu thực hiện, chủ đầu tư thường ứng trước cho Lilama 10%.

“Theo quy định kế toán, khoản tạm ứng này vẫn phải hạch toán vào nợ phải trả. Vì vậy, nợ phải trả của Lilama cao nếu tính trên vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên, kết quả thanh tra của Bộ Tài chính cho thấy nợ của Lilama vẫn trong tầm kiểm soát” – ông Tuấn khẳng định.

Với khoản vay phải trả lên tới 46.170 tỉ đồng, ông Nguyễn Văn Biên – phó tổng giám đốc Vinacomin – cho rằng dù tăng so với năm 2013 nhưng hệ số nợ trên vốn chủ là 2,7 lần, vẫn nằm trong giới hạn cho phép. Những khoản vay này đều tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

“Về lâu dài số vốn đi vay có thể sẽ phải tăng khi nhu cầu than phục vụ cho nền kinh tế ngày càng tăng. Song, hệ số nợ trên vốn chủ vẫn phải nằm trong mức độ cho phép là 3 lần” – ông Biên cho biết.

Lo Nhà nước phải trả nợ thay

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Ngô Minh Hải – phó chủ nhiệm Câu lạc bộ DNNN (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương) – cảnh báo các DNNN đang vay tới trên 533.000 tỉ đồng, tức đang chiếm một lượng lớn vốn của các ngân hàng, tổ chức tín dụng.

Đặc biệt, trong tổng số nợ nước ngoài trên 381.000 tỉ đồng, con số mà các DNNN vay lại của Chính phủ hoặc được Chính phủ bảo lãnh chiếm hầu hết, tới 242.000 tỉ đồng.

“Nếu các DNNN không trả được số tiền này, khoản nợ của DNNN sẽ thành nợ nhà nước, giống Vinashin, và Chính phủ sẽ phải trả thay” – ông Hải khuyến cáo.

Theo ông Hải, dù doanh thu của các tập đoàn tương đối lớn, nhưng áp lực trả nợ của các DNNN cũng không nhỏ. Nếu một vài dự án không hiệu quả, doanh nghiệp sẽ lâm vào khó khăn rất nhanh.

Ngoài ra, ông Hải cho rằng với doanh thu của khối DNNN trong năm 2014 chỉ tăng 1%, lợi nhuận giảm 1% trong khi nợ tăng 8%, đã đến lúc cần có cơ chế hữu hiệu để tạo áp lực buộc các tập đoàn, tổng công ty tăng hiệu quả, giảm chi phí, cắt giảm nhân lực “sáng cắp ô đi tối cắp ô về”… nhằm đảm bảo khả năng trả nợ.

“Cần cơ quan chuyên môn và có thể chế quản lý chặt chẽ, nghiêm khắc hơn các DNNN” – ông Hải nói.

Cùng quan điểm, TS Vũ Đình Ánh cho rằng nếu có 1 đồng vốn mà đi vay tới 10 đồng, doanh nghiệp lấy gì để trả nợ nếu có chuyện? Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới còn có nhiều bất ổn, kinh tế trong nước dù có ổn định nhưng cũng còn nhiều khó khăn, việc nợ gấp 3 – 4 lần chưa nói đến hàng chục lần trên vốn chủ là rất rủi ro cho doanh nghiệp.

“Doanh nghiệp có thể vay để làm lớn, nhưng làm lớn có hiệu quả không, có nguồn để trả nợ gốc và tiền lãi vay hay không lại là vấn đề cần quan tâm”- ông Ánh nói.

Nhiều rủi ro cho an ninh tài chính quốc gia

Theo TS Vũ Đình Ánh, nợ do Chính phủ bảo lãnh được tính vào nợ công. Trong bối cảnh quy mô nợ công rất lớn, nên các khoản vay Chính phủ bảo lãnh cho DNNN nếu không siết lại sẽ gây rủi ro cho an ninh tài chính quốc gia. Đây lại là nợ nước ngoài nên có rủi ro về tỉ giá.

Thực tế mỗi lần VN điều chỉnh tỉ giá, các tập đoàn như điện, xăng dầu đều báo khó khăn, thậm chí lỗ.

Ngoài ra, ông Ánh cho rằng hiện nay chưa có báo cáo công khai nào về việc các DNNN sử dụng vốn được Chính phủ bảo lãnh như thế nào. Họ có trả được lãi không?

Trường hợp doanh nghiệp vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh mà không trả được nợ, về nguyên tắc Chính phủ là người bảo lãnh sẽ phải chịu trách nhiệm nhận nghĩa vụ nợ này, gồm cả gốc và lãi.

Siết việc cấp bảo lãnh vay nước ngoài

Từ năm 2011-2014, Bộ Tài chính cho biết đã cấp bảo lãnh vay trong và ngoài nước cho 30 chương trình, dự án với tổng số vốn cam kết tương đương 12,35 tỉ USD. Trong đó, 10,75 tỉ USD tổng số vốn được Chính phủ bảo lãnh chủ yếu là vay nước ngoài.

Tuy nhiên, ông Hoàng Hải, cục phó Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại – Bộ Tài chính, cho biết bộ đang soạn thảo dự thảo nghị định 15 về cấp và quản lý bảo lãnh chính phủ. Theo đó, sẽ siết việc cấp bảo lãnh của Chính phủ cho dự án. Trong đó, chỉ cấp bảo lãnh cho những dự án có quy mô cực lớn, được Quốc hội chủ trương và Chính phủ chỉ đạo đầu tư theo diện cấp bách.

Những dự án có quy mô nhỏ, các ngành nghề có rủi ro sẽ không được cấp bảo lãnh.

 

C.V.KÌNH – LÊ THANH ([email protected])