Xuất khẩu phế phẩm nông nghiệp: ‘Kho báu’ từ… vỏ trấu
Từ một thứ tưởng như bỏ đi, thậm chí trở thành nỗi ám ảnh của cư dân ĐBSCL mỗi khi vào mùa xay xát lúa, vỏ trấu bỗng trở thành mặt hàng “hot” khi được ép thành củi trấu để xuất khẩu.
Xuất khẩu phế phẩm nông nghiệp: ‘Kho báu’ từ… vỏ trấu
Từ một thứ tưởng như bỏ đi, thậm chí trở thành nỗi ám ảnh của cư dân ĐBSCL mỗi khi vào mùa xay xát lúa, vỏ trấu bỗng trở thành mặt hàng “hot” khi được ép thành củi trấu để xuất khẩu.
Nếu như An Giang được biết đến là xứ lúa của cả nước thì H.Thoại Sơn chính là vựa lúa của tỉnh biên giới Tây Nam này. Dọc theo các tuyến kênh Núi Chóc – Năng Gù, Ba Thê, Thoại Hà… mọc lên hàng chục nhà máy xay xát quy mô lớn.
Từ “của nợ” thành đắt đỏ
Khoảng 6 – 7 năm trở về trước, mỗi khi vào vụ thu hoạch lúa, các nhà máy chạy hết công suất, thì người dân lại khổ tâm với trấu. Trấu cất đụn lớn phía sau các nhà máy, chảy tràn xuống bờ kênh khiến dòng nước nổi lềnh bềnh một mảng màu vàng rực, phủ kín mặt sông. Thời điểm đó, các chủ nhà máy bán trấu cho các lò gạch giá rẻ bèo, chủ yếu tính công gánh trấu lên xuống ghe. “Mỗi khi vào mùa xay xát lúa là nước dưới kênh Ba Thê không xài được, xuống tắm thì ngứa ngáy khắp người” – bà Nguyễn Thị Mai, xã Vọng Đông (H.Thoại Sơn), nhớ lại.
Bây giờ thì giá trấu trở nên đắt đỏ bởi sản lượng xay xát ra bao nhiêu đều được đưa vào máy ép củi trấu. “Nếu như lúc trước, giá trấu chỉ có 50 – 100 đồng/kg mà các lò gạch còn chê lên chê xuống thì bây giờ, giá trấu tươi đã lên đến 700 đồng/kg cũng không có mà bán. Tính ra ép củi trấu tiện lợi hơn rất nhiều, vừa đỡ tốn mặt bằng chứa trấu, vừa thu lợi nhuận cao. Củi trấu làm ra bao nhiêu có đối tác tới thu mua hết”, ông Trương Hoàng Vân, Giám đốc Công ty cổ phần Hoàng Vĩnh Phú (ấp Bắc Thạnh, xã Thoại Giang, H.Thoại Sơn), chia sẻ.
Cùng với kinh doanh nhà máy xay xát, cách nay 8 năm, ông Vân đầu tư thêm nhà máy ép củi trấu vận hành bằng điện. Bình quân mỗi giờ, nhà máy cho ra từ 400 – 500 kg củi trấu thành phẩm, bán giá sỉ từ 1.300 – 1.400 đồng/kg (gấp đôi giá trấu nguyên liệu). Khi xay xát ít, ông Vân cho vận hành máy ép củi trấu vào ban đêm nhằm tận dụng giá điện rẻ hơn giờ thấp điểm. Vào vụ sản xuất chính, máy phải hoạt động thêm ban ngày mới đáp ứng đủ nhu cầu. “Lợi thế lớn nhất là trong quá trình xay xát, mình đưa trấu vô thẳng bồn dự trữ của máy ép củi trấu. Cả dây chuyền ép cần sử dụng 7 lao động tại chỗ”, ông Vân giới thiệu.
Chuyên gia nước ngoài phát hiện “vàng”
Đến nay, đa phần các nhà máy xay xát lớn ở vựa lúa Thoại Sơn đều đã đầu tư thêm máy ép củi trấu. Ở các địa phương khác có diện tích trồng lúa lớn của tỉnh An Giang như: Châu Thành, Châu Phú, Phú Tân, Tân Châu, Tri Tôn… nhà máy củi trấu cũng không còn xa lạ. Sản phẩm làm ra, ngoài tiêu thụ nội địa, một số đơn vị còn thu gom xuất khẩu, được nhiều quốc gia ưa chuộng bởi khi đốt không gây ô nhiễm môi trường. “Hiện nay, thị trường xuất khẩu củi trấu chủ yếu là Đông Nam Á và một số nước châu Á. Chúng tôi đang nghiên cứu cải tiến mẫu mã, sản xuất loại củi trấu có kích thước nhỏ hơn và củi trấu viên để xuất khẩu sang châu Âu. Qua tìm hiểu, nhu cầu mua củi trấu để làm nhiên liệu đốt và sưởi ấm vào mùa đông của các quốc gia này rất lớn”, một doanh nghiệp sản xuất củi trấu ở vùng nếp Phú Tân tiết lộ.
Đại diện một doanh nghiệp ở TP.HCM chuyên thu gom củi trấu xuất khẩu cho biết: Một tấn củi trấu xuất khẩu có giá khoảng 20 triệu đồng, mỗi năm trung bình xuất được 40.000 tấn, chủ yếu đi các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Cũng phải nhìn nhận việc biến vỏ trấu từ thứ phế phẩm thành năng lượng có giá trị cao phải kể đến công lao của các chuyên gia nước ngoài. “Lúc trước, chúng tôi dẫn các nhà khoa học Thuỵ Điển đi khảo sát thực tế sản xuất nông nghiệp ở An Giang. Khi trèo lên đống trấu cao ngất ở các nhà máy xay xát, họ đã nói rằng: Các bạn đang đi trên đống vàng có biết không?”, PGS-TS Nguyễn Thị Vân Hà, Trưởng khoa Môi trường – Trường đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, nhớ lại.
Còn theo bà Phạm Ngọc Xuân, Giám đốc Ban Quản lý dự án hợp tác giữa An Giang với Thuỵ Điển, đối với chiết xuất sillica từ tro trấu, giá tham khảo trên thị trường lên đến 50.000 USD/kg.
Ngô Xuân